Thông tin mới nhất từ PJICO cho thấy, hãng bảo hiểm này đã nhận được thông tin 1 xe ô tô tổn thất, ước thiệt hại 100 triệu đồng.
Nghiệp vụ bảo hiểm tài sản kỹ thuật cũng ghi nhận có những thiệt hại ban đầu, với tổn thất của hai vụ liên quan đến hạng mục xây dựng công trình đường. Theo ước tính, mức thiệt hại hai vụ là hơn 1 tỷ đồng. Hiện PJICO đang cử giám định viên xuống hiện trường.
PTI cũng mới tiếp nhận tổn thất của một xe ô tô tải với tổng thiệt hại ước khoảng 200 triệu đồng.
Theo nhận định của những giám định viên, với bảo hiểm xe cơ giới, chỉ những trường hợp xe bị thủy kích mới gây ra những thiệt hại lớn, còn trường hợp xe đang đỗ và bị ngập nước thì hư hại sẽ không nhiều, chủ yếu phát sinh chi phí vệ sinh dọn dẹp nội thất và chỉnh sửa các thiết bị điện.
Do tình trạng ngập lụt vẫn đang diễn ra nên có thể nhiều khách hàng chưa thể kiểm tra và thông báo tình trạng xe cho các hãng bảo hiểm.
Các hãng bảo hiểm khác như PVI, Bảo Minh, BIC đang rốt ráo cập nhật số liệu thiệt hại từ khách hàng cá nhân cũng như doanh nghiệp…
Theo các doanh nghiệp bảo hiểm, những thiệt hại do ngập úng, lũ lụt xảy ra chủ yếu với các phương tiện giao thông như xe máy, ô tô.
Trong khi đó, những tài sản này thường thuộc mức trách nhiệm giữ lại của các doanh nghiệp bảo hiểm. Với việc những trận mưa to, úng ngập cục bộ diễn ra ngày càng thường xuyên ở các đô thị sẽ làm gia tăng tỷ lệ bồi thường của các công ty bảo hiểm phi nhân thọ. Chưa kể, các thiệt hại về tài sản kỹ thuật cũng phát sinh trong đợt mưa lũ.
Được biết, thị trường tái bảo hiểm toàn cầu từ năm 2017 đã chịu ảnh hưởng nặng nề của những thảm họa thiên tai như các cơn bão Harvey, Irma, Maria (năm 2017), siêu bão Michael 2018, Dorian 2019 ở Mỹ hay các thảm họa động đất, sóng thần ở Nhật Bản…, làm tình trạng tài chính của các nhà tái bảo hiểm bị ảnh hưởng xấu.
Nhiều nhà tái bảo hiểm tiếp tục hạn chế hoặc dừng khai thác tạm thời và cố định với nghiệp vụ kỹ thuật và tài sản.
Thị trường tái bảo hiểm chung áp dụng mức tăng phí cho các rủi ro công nghiệp từ 10% đến 50% và xu hướng thị trường chuyển dịch từ hợp đồng tái bảo hiểm tỷ lệ sang loại hình phi tỷ lệ. Năng lực thu xếp tái bảo hiểm giảm đáng kể.
Trong những năm gần đây, thị trường bảo hiểm Việt Nam có hai nghiệp vụ có kết quả kinh doanh không tốt, đó là nghiệp vụ tàu biển và tài sản. Đây là hai nghiệp vụ liên tục có những tổn thất lớn, các doanh nghiệp bảo hiểm phải chi trả bồi thường nhiều hơn số phí họ thu được.
Do đó, phí mua tái bảo hiểm của hai nghiệp vụ này từ các nhà tái bảo hiểm có xu hướng tăng lên. Mức độ tăng thì tuỳ công ty có sự khác nhau. Các nghiệp vụ khác thì có xu hướng ổn định hơn.
Tuy nhiên, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, năng lực tài chính của các công ty tái bảo hiểm quốc tế đang bị ảnh hưởng đáng kể.
Nhiều dự báo cho rằng, thời gian tới, các công ty bảo hiểm gốc nói chung và tại Việt Nam nói riêng sẽ phải trả nhiều phí hơn để mua được tái bảo hiểm từ thị trường, do các công ty tái bảo hiểm siết chặt chính sách khai thác để đảm bảo lợi nhuận.
Theo số liệu của Cục Quản lý và giám sát bảo hiểm, Bộ Tài chính, tổng doanh thu phí bảo hiểm gốc của các doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ năm 2019 ước đạt 52.387 tỷ đồng, tăng 12,3% so với cùng kỳ năm 2018.
Trong khi đó, tổng số tiền bồi thường bảo hiểm gốc của các doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ ước là 21.202 tỷ đồng, tăng 4,9% so với cùng kỳ năm 2018.
Trao đổi với Đầu tư Chứng khoán trước đó, ông Đoàn Kiên, Phó tổng giám đốc PTI cho biết, năm 2019 là một năm khó khăn đối với thị trường bảo hiểm Việt Nam.
Đặc biệt, nghiệp vụ tài sản đã xảy ra rất nhiều vụ tổn thất lớn, do vậy, hợp đồng tái bảo hiểm của nhiều công ty bị lỗ nặng.
Đây chính là nguyên nhân khiến Swiss Re và một số nhà tái bảo hiểm hàng đầu khác thắt chặt điều kiện, điều khoản, tăng phí tái bảo hiểm để hạn chế tối đa khả năng hợp đồng lỗ trong những năm tiếp theo.
Trong trường hợp các công ty bảo hiểm gốc của Việt Nam không đáp ứng và chấp nhận được các điều kiện này, các nhà tái đứng đầu sẽ đưa ra quyết định không tiếp tục nhận tái hoặc giảm tỷ lệ tham gia.