Đa phần hành khách chưa hiểu cặn kẽ sản phẩm khi mua bảo hiểm du lịch

Đa phần hành khách chưa hiểu cặn kẽ sản phẩm khi mua bảo hiểm du lịch

Bảo hiểm du lịch, khách vô tư mua mà... không biết!

(ĐTCK) Bảo hiểm du lịch, trong đó bao gồm quyền lợi về hủy chuyến bay, thất lạc hành lý… đã được các doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ triển khai khá rộng rãi và bán khá tốt. Để sản phẩm bảo hiểm này phát triển mạnh hơn, bên cạnh các ưu điểm như chi phí thấp, thao tác dễ dàng…, thì điều mà các hãng cần chú ý là đầu tư công nghệ hiện đại, cắt giảm thủ tục giao dịch…

Tổng công ty Bảo hiểm PVI vừa bắt tay với Tổng công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines) ra mắt sản phẩm bảo hiểm du lịch toàn diện TripCARE có quyền lợi hủy chuyến bay, thất lạc hành lý…

“Việc bán bảo hiểm trực tuyến không còn xa lạ, song đây là lần đầu tiên một doanh nghiệp bảo hiểm của Việt Nam triển khai bán sản phẩm bảo hiểm du lịch qua website của một hãng hàng không”, ông Trương Quốc Lâm, Tổng giám đốc PVI nói.

Ông Trịnh Ngọc Thành, Phó tổng giám đốc Vietnam Airlines chia sẻ, còn hơi sớm để khẳng định sự thành công trong bán sản phẩm này, nhưng kết quả ban đầu là khá khích lệ. Ông Thành cho biết, từ ngày chính thức ra mắt đến nay, đã có 15% lượng hành khách Vietnam Airlines mua sản phẩm này.

Chia sẻ với Báo Đầu tư Chứng khoán, ông Lâm cho hay, tổng số phí thu được sau 12 ngày kể từ khi mở bán (ngày 29/9) đạt gần 500 triệu đồng.

“Trước mắt sản phẩm TripCARE chỉ bán trực tuyến  trên website của Vietnam Airlines. Nhưng sắp tới sẽ phủ rộng ở cả kênh đại lý”, ông Lâm nói.

Không chỉ bán trực tuyến, việc bán bảo hiểm du lịch qua các kênh công ty du lịch, đại lý bán vé máy bay đã được các doanh nghiệp phi nhân thọ triển khai từ khá sớm. Theo tổng hợp của Công ty GoBear Việt Nam, hiện có hơn 20 công ty bán bảo hiểm du lịch tại Việt Nam, từ các doanh nghiệp trong nước như Bảo hiểm Bảo Việt, Bảo Minh, PJICO…, cho đến các công ty nước ngoài có chi nhánh tại Việt Nam như AAA, AIG, GROUPAMA… và mỗi hãng có những gói quyền lợi bảo hiểm khác nhau.

Chẳng hạn, trong trường hợp hành lý của khách hàng bị mất hoặc hư hỏng, AAA sẽ chi trả tối đa 52,5 triệu đồng. Liberty thanh toán chi phí rút ngắn hoặc huỷ bỏ chuyến đi lên tới 120 triệu đồng, hay chi trả đến 12 triệu đồng nếu chuyến đi bị trì hoãn.

Bảo hiểm du lịch quốc tế của Bảo hiểm Bảo Việt trợ cấp 2,85 triệu đồng nếu chuyến đi bị trì hoãn và 159,6 triệu đồng nếu chuyến đi bị huỷ bỏ. Đặc biệt, nhà bảo hiểm này còn bảo hiểm cho khách hàng trong trường hợp khủng bố.

Đối với hãng bảo hiểm ngoại, AIG từng ra sản phẩm bảo hiểm du lịch
Jetcover dành riêng cho khách hàng của Jetstar Pacific trên các chuyến bay xuất phát từ Việt Nam.

Trong bối cảnh hủy chuyến bay diễn ra khá thưởng xuyên như hiện nay, nhiều chuyên gia trong ngành băn khoăn về những khiếu nại phát sinh, bởi đa phần hành khách chưa hiểu cặn kẽ sản phẩm, nhưng vẫn mua bảo hiểm đi kèm vé máy bay do khi số tiền bỏ ra cho sản phẩm này không nhiều, chỉ từ vài chục ngàn đồng.

Quan ngại này cũng xuất phát từ câu chuyện thực tế. Cách đây vài năm, một hành khách mua bảo hiểm JetCover của AIG Việt Nam (hồi đó là Chartis Việt Nam) kèm vé máy bay từng phản ánh rằng, khi mua thì đơn giản, nhưng để được giải quyết bồi thường lại khá khó khăn.

Cụ thể, vị khách này cho biết, ông phải cung cấp cả chồng giấy tờ như giấy xác nhận của hãng hàng không về việc trễ chuyến, giấy chứng nhận bảo hiểm, lịch trình chuyến đi, bản sao vé máy bay giờ bay gốc, văn bản từ hãng máy bay xác nhận lý do trễ chuyến và số giờ trễ..., trong khi số tiền bồi thường chỉ là 160.000 đồng!

Sau đó, đại diện AIG Việt Nam đã phân trần rằng, mọi điều khoản, điều kiện của sản phẩm, cũng như thủ tục hướng dẫn yêu cầu bồi thường đều đã được nhà bảo hiểm cung cấp đầy đủ và công khai trên website của công ty để khách hàng tham khảo trước khi quyết định mua bảo hiểm…

Các chuyên gia cho rằng, ngoài việc tìm hiểu kỹ thông tin liên quan đến sản phẩm trước khi quyết định mua bảo hiểm, việc áp dụng công nghệ hiện đại để giải quyết khiếu nại bảo hiểm tự động, cũng như giảm bớt các thủ tục nhằm giúp khách hàng thuận lợi hơn là điều mà các hãng bảo hiểm cần chú ý.              

Tin bài liên quan