Ngay sau khi thống kê, hoàn tất hồ sơ để bồi thường cho các chủ xe của vụ tai nạn giữa xe khách thuộc hãng Phương Trang (quận 1, TP. HCM) và ôtô khách Sơn Quy (Hương Khê, Hà Tĩnh) tại tỉnh Bình Thuận với số tiền ước tính hơn 6 tỷ đồng, các công ty bảo hiểm phi nhân thọ tiếp tục thực hiện công tác chi trả bồi thường khoảng 10 tỷ đồng cho những chủ xe bị hư hỏng do trận mưa lớn bất thường hồi cuối tháng 5/2016 tại Hà Nội.
Trong khi 2 vụ tổn thất khá lớn về bảo hiểm cơ giới này còn chưa hoàn tất, thị trường bảo hiểm lại phải nhận thêm những vụ tổn thất mới.
Cụ thể, đầu tháng 6/2016, một chiếc xe Bentley đang dừng đèn đỏ trên đường Nguyễn Văn Linh, quận 7, TP. HCM bị một xe container húc văng, khiến phần đuôi hư hỏng nặng. Ước tính bồi thường sơ bộ cho chiếc xe siêu sang này là... tiền tỷ. Sau đó vài ngày, một xe khách giường nằm chạy tuyến La Gi (Bình Thuận) -TP. HCM khi lưu thông trên quốc lộ 51, huyện Long Thành, tỉnh Đồng Nai thì bất ngờ phát nổ. Dù không có thiệt hại về người, nhưng do cháy lớn nên chiếc xe cũng bị thiêu rụi…
Những tổn thất về xe xảy ra liên tiếp và trong những tình huống khó lường khiến các chủ xe ngày càng ý thức hơn về việc mua bảo hiểm cho xe.
Ngoài bảo hiểm trách nhiệm dân sự bắt buộc của chủ xe phải mua theo quy định, bảo hiểm vật chất xe, bảo hiểm thủy kích, bảo hiểm đâm va hay bảo hiểm cho bên thứ ba đã được quan tâm nhiều hơn. Bởi tai nạn thường xảy ra rất bất ngờ và không thể lường trước được tổn thất, nhất là tại quốc gia có mật độ giao thông dày đặc như Việt Nam, thì việc suy nghĩ thật nghiêm túc để mua đúng, mua đủ bảo hiểm để yên tâm hơn khi tham gia lưu thông chưa bao giờ là thừa.
Tuy nhiên, trong một khía cạnh khác, những vụ tổn thất về xe cơ giới ngày càng gia tăng khiến tỷ lệ bồi thường cho nghiệp vụ này của các công ty bảo hiểm phi nhân thọ cũng tăng cao, khiến các hãng bảo hiểm phải nhìn lại công tác nhận bảo hiểm cho các dòng xe, đặc biệt là xe khách đường dài.
Được biết, số tiền bồi thường xe cơ giới trong cả năm 2015 vào khoảng 4.000 tỷ đồng, chiếm 42% tổng doanh thu bảo hiểm xe cơ giới. Tuy nhiên, ở một số doanh nghiệp bảo hiểm có tỷ lệ doanh thu bảo hiểm cơ giới tăng trưởng mạnh, tỷ lệ bồi thường có thể còn cao hơn, đạt khoảng 50%. Thậm chí còn có doanh nghiệp bảo hiểm có tỷ lệ bồi thường cho bảo hiểm xe cơ giới chiếm tới 60% tổng doanh thu nghiệp vụ này, theo tìm hiểu của Đầu tư Chứng khoán. Đây là con số rất tiêu cực, bởi nếu trừ đi các loại chi phí như hoa hồng cho người bán, chi phí quản lý, marketing… thì “thu không đủ chi”.
Việc bị lỗ ở một nghiệp vụ có tỷ trọng doanh thu lớn trong tổng doanh thu bảo hiểm là bài toán hết sức nan giải mà các doanh nghiệp bảo hiểm đang phải đối mặt. Nó buộc các doanh nghiệp bảo hiểm phải tìm kiếm, cân đối các nguồn lực khác để “bù lỗ”, đồng thời doanh nghiệp bảo hiểm còn phải đối mặt với nguy cơ sẽ bị hạn chế trong việc đấu thầu các hợp đồng bảo hiểm về tài sản, kỹ thuật. Bởi theo quy định của Bộ Tài chính, khi doanh nghiệp bảo hiểm bị lỗ trong một nghiệp vụ thì sẽ không được tham gia đấu thầu ở các nghiệp vụ khác trong vòng 1 năm sau đó.
Để giải quyết thực trạng này, nhiều doanh nghiệp bảo hiểm bắt đầu tăng cường các biện pháp kiểm soát bồi thường, trong đó tập trung chủ yếu vào kiểm soát quy trình cấp đơn bảo hiểm và thực hiện giám định bồi thường.
Đại diện một doanh nghiệp bảo hiểm cho biết, một số biện pháp mà doanh nghiệp đang triển khai nhằm kiểm soát việc bồi thường là: yêu cầu phải chụp ảnh ở nhiều góc cạnh của xe trước khi cấp đơn, tăng mức phí đối với những khách hàng có tỷ lệ tổn thất cao... Trong khi đó, một doanh nghiệp bảo hiểm khác lại kiểm soát bồi thường qua việc minh bạch hóa quy trình bồi thường, ứng dụng cộng nghệ thông tin vào quản lý…
“Nếu khách hàng trong kỳ bảo hiểm có nhiều lần bồi thường dù với tỷ lệ tổn thất thấp hơn so với khách hàng có một lần bồi thường nhưng tỷ lệ tổn thất lớn, thì vẫn phải chịu mức phí tái tục cao hơn, thậm chí có những trường hợp công ty bảo hiểm sẽ không nhận bảo hiểm”, vị đại diện doanh nghiệp trên cho biết.