Bảo hiểm cho các NĐT ngoại, cách nào?

Bảo hiểm cho các NĐT ngoại, cách nào?

(ĐTCK) Việc chủ động tiếp cận với NĐT ngoại, dù là khó tính như NĐT Nhật Bản là rất cần thiết trong bối cảnh khó khăn chung như hiện nay của các doanh nghiệp bảo hiểm.

Bảo hiểm cho các NĐT ngoại, cách nào? ảnh 1Việc mở rộng thị phần bảo hiểm sang các NĐT nước ngoài là một bước đi khôn ngoan

Trao đổi với ĐTCK sau khi trở về từ Hội thảo “Đầu tư và bảo hiểm tại Việt Nam” tại Nhật Bản, ông Trương Quốc Lâm, Tổng giám đốc Tổng công ty Bảo hiểm PVI cho biết, dù không hề dễ tính nhưng các NĐT Nhật Bản sẽ là khách hàng tiềm năng và quan trọng của các nhà bảo hiểm Việt Nam. Với riêng PVI,  tại Hội thảo, nhiều DN Nhật Bản đã cam kết lựa chọn Tổng công ty trở thành đối tác cung cấp dịch vụ bảo hiểm cho các dự án kinh doanh của họ tại Việt Nam.

Khách hàng “khó tính”

Theo thống kê của Phòng Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản, nước này hiện là NĐT hàng đầu trong số 39 quốc gia đầu tư lớn nhất vào Việt Nam. Hiện đã có hơn 1.000 DN Nhật Bản đầu tư vào Việt Nam và theo như lời ông Toshio Nakamura, Tổng giám đốc Phòng Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản thì con số này sẽ tăng từ 2 đến 3 lần trong tương lai gần.

Tuy nhiên, trên thực tế, các tập đoàn công nghiệp lớn của Nhạt Bản lại rất “màu cờ sắc áo” khi luôn ưu tiên sử dụng các công ty bảo hiểm hoặc các nhà môi giới nội ngành (Ví dụ Tập đoàn Toyota có Công ty Bảo hiểm Toyochu…). Sự trung thành với các đối tác và bạn hàng luôn là một đặc điểm của các DN Nhật Bản, nên để tiếp cận khách hàng Nhật trong lĩnh vực bảo hiểm là không đơn giản. Chẳng hạn như HDI - Nhật Bản (đối tác chiến lược của PVI), dù đã hoạt động hơn 15 năm tại thị trường này nhưng cũng mới chỉ thành công với các dự án bảo hiểm cho các NĐT châu Âu vào Nhật Bản, mà chưa mở được cánh cửa bảo hiểm vào các tập đoàn công nghiệp lớn của Nhật Bản tại chính nước Nhật.

 

Cần chủ động tiếp cận NĐT ngoại

Mặc dù vậy, theo ông Lâm, việc chủ động tiếp cận với NĐT ngoại, dù là khó tính như NĐT Nhật Bản là rất cần thiết. Bởi càng khó tính trong việc lựa chọn đối tác thì các khách hàng này càng lâu bền nếu thu hút được. Nhất là trong bối cảnh nền kinh tế khó khăn hiện tại, cơ hội mở rộng thị phần, định vị thương hiệu DN trở nên dễ dàng hơn với những DN có tiềm lực và định hướng kinh doanh hợp lý.

Trên thực tế, dù thị trường bảo hiểm Việt Nam vẫn được đánh giá là thị trường mới, có tốc độ phát triển cao và liên tục (trên 20% năm), nhưng cũng không thoát khỏi ảnh hưởng từ khủng hoảng toàn cầu và tăng trưởng có dấu hiệu chững lại. Năm 2012, chỉ tiêu tăng trưởng 17% được đánh giá là khá căng đối với ngành bảo hiểm Việt Nam . Hơn thế, trong khi nhận thức của xã hội về bảo hiểm chưa theo kịp thì con số 45 DN bảo hiểm được cho là “tranh giành” một miếng bánh còn quá nhỏ.

Chính vì vậy, việc mở rộng thị phần, nhất là sang khối DN có vốn đầu tư nước ngoài là một bước đi khôn ngoan. Ông Lâm cho biết, các NĐT Nhật Bản khi tham dự Hội thảo không phải để nghe DN Việt chào bán bảo hiểm, mà còn nghiên cứu giải pháp quản trị rủi ro khi họ dự định đầu tư, kinh doanh tại Việt Nam. Trong đó, việc bảo hiểm cho các hoạt động này cũng là một nội dung quan trọng.

Hay như lời phát biểu tại Hội thảo ông Đào Xuân Hưng, Đại sứ Việt Nam tại Nhật Bản: “Khi đầu tư vào Việt Nam nói chung và ngành bảo hiểm nói riêng, các đối tác sẽ nhận được 2 sự đảm bảo. Thứ nhất là sự đảm bảo từ chính sách bảo hiểm, cam kết của Chính phủ Việt Nam mở cửa thị trường khi gia nhập WTO, thứ hai là tại Việt Nam cũng đã có những nhà cung cấp sản phẩm bảo hiểm có tầm cỡ, uy tín quốc tế”.

Đại diện PVI cũng cho biết, sắp tới công ty này sẽ đi xúc tiến thương mại ở nhiều thị trường, nhưng sẽ ưu tiên những thị trường có các NĐT quan tâm tới thị trường bảo hiểm Việt Nam . Bởi trên thực tế, khác với nhiều lĩnh vực kinh doanh khác, hoạt động xúc tiến đầu tư hợp tác kinh doanh trong lĩnh vực bảo hiểm giữa các đối tác nội - ngoại vẫn còn rất ít.

Trao đổi với ĐTCK, một số lãnh đạo DN cũng thừa nhận vai trò của việc chủ động tiếp cận các NĐT ngoại để quảng bá hình ảnh, nhất là trong môi trường cạnh tranh ngày càng gay gắt. Tuy nhiên, với điều kiện tài chính/năng lực của DN còn hạn chế cũng như hiệu quả chưa đến ngay, khiến các đơn vị này còn do dự. Cũng bởi thế, trong khi các DN còn chưa chủ động tiếp cận với NĐT nước ngoài, còn NĐT ngoại lại thiếu thông tin về năng lực của các nhà bảo hiểm tại Việt Nam, thì đa số NĐT nước ngoài vẫn sử dụng các công ty môi giới bảo hiểm quốc tế. Dù sử dụng các đơn vị này sẽ phát sinh chi phí cũng như các thông tin về bên bán bảo hiểm không được truyền tải một cách trực diện và đầy đủ.

Trong chương trình hành động, Cục Quản lý và giám sát bảo hiểm (Bộ Tài chính) cũng khẳng định, để góp phần thực hiện mục tiêu chiến lược phát triển thị trường bảo hiểm Việt Nam từ nay đến năm 2020, các DN bảo hiểm cần đẩy mạnh hợp tác quốc tế và hội nhập trong lĩnh vực bảo hiểm, theo đó tiếp tục nghiên cứu đầu tư ra các thị trường nước ngoài để mở rộng cơ hội kinh doanh, trong đó tập trung vào các địa bàn có tiềm năng. Tuy nhiên, để việc tiếp cận với các đối tác nước ngoài có hiệu quả, bên cạnh chiến lược tiếp cận chung, mỗi DN cần có một chương trình mang tính cụ thể, dài hạn để tiếp cận các đối tác ngoại.