Bảo hiểm cháy nổ và mọi rủi ro tài sản: tỷ trọng vẫn nhỏ

Bảo hiểm cháy nổ và mọi rủi ro tài sản: tỷ trọng vẫn nhỏ

(ĐTCK) Dù có sự tăng trưởng và đứng thứ 5 về doanh thu trong các nghiệp vụ bảo hiểm, nhưng bảo hiểm cháy nổ và mọi rủi tài sản vẫn chiếm tỷ trọng nhỏ so với tiềm năng.

Bảo hiểm cháy nổ và mọi rủi ro tài sản: tỷ trọng vẫn nhỏ ảnh 1Chi phí mua bảo hiểm cháy nổ nên được xem là chi phí cố định khác của DN

Thống kê của Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam cho thấy, tính đến hết quý III/2012, bảo hiểm cháy nổ và mọi rủi ro tài sản đạt doanh thu 1.624 tỷ đồng, tăng 18,53% so với cùng kỳ năm trước. Dẫn đầu doanh thu gồm: PVI với 493 tỷ đồng, Bảo Minh 258 tỷ đồng, Bảo Việt 178 tỷ đồng, PJICO 118 tỷ đồng, UIC 66 tỷ đồng. Số tiền giải quyết bồi thường là 516 tỷ đồng, chiếm 32% doanh thu. Bảo hiểm cháy nổ bắt buộc đạt doanh thu 366 tỷ đồng, dẫn đầu là Bảo Việt với 82 tỷ đồng, tiếp theo là Bảo Minh với 58 tỷ đồng, MSIG 35 tỷ đồng, Fubon 35 tỷ đồng…

Theo một số chuyên gia trong ngành, tỷ trọng của bảo hiểm cháy nổ và mọi rủi ro tài sản ở các DN bảo hiểm chiếm khoảng 10 - 20% doanh thu. Cùng với lý do chủ quan là khách hàng DN chưa quan tâm thì điều kiện khách quan thời gian qua như kinh tế khó khăn, vay vốn kinh doanh còn khó, khiến DN không thiết tha với việc mua loại bảo hiểm này. Chính vì thế, nhiều công ty bảo hiểm đặt mục tiêu tăng trưởng cao cho nghiệp vụ này đều không thực hiện được, thậm chí tăng trưởng âm.

Đại diện một công ty bảo hiểm cho biết, dù là bảo hiểm cháy nổ bắt buộc, nhưng nhiều DN cũng không mua, đặc biệt là các DN quy mô nhỏ. Thực tế, chế tài đối với các DN vi phạm khá lỏng lẻo và không phải lúc nào cơ quan chức năng cũng có thể kiểm tra xem DN có mua bảo hiểm hay không. Phần lớn DN đối phó bằng cách sắm bình cứu hỏa mini, gọi là đủ biện pháp phòng cháy chữa cháy (PCCC).

“Không ít DN chọn cách mua ghép vào tài sản kỹ thuật, chứ không mua riêng bảo hiểm cháy nổ để giảm chi phí. Dù sao, bảo hiểm cháy nổ tự nguyện vẫn dễ bán hơn, vì phí linh hoạt và phạm vi bảo hiểm rủi ro rộng hơn”, đại diện một công ty bảo hiểm trong nước nói. Vị này cho biết, bảo hiểm cháy nổ cho DN vẫn còn bán được, chứ bảo hiểm cháy nổ cho cá nhân thì hầu như không bán được.

Phát biểu tại Hội nghị “Phổ biến pháp luật về phòng cháy và chữa cháy các khu chế xuất và công nghiệp TP. HCM” do Bảo hiểm AAA phối hợp cùng các cơ quan chức năng tổ chức mới đây, đại diện Công ty Xe khách Sài Gòn chia sẻ, riêng về bảo hiểm cháy nổ, hầu hết DN chưa quan tâm, hoặc nếu có tham gia cũng chỉ là để đối phó với quy định. Theo số liệu thống kê của Cục Cảnh sát PCCC và cứu nạn cứu hộ, 9 tháng đầu năm 2012 đã xảy ra 1.377 vụ cháy, khiến 51 người chết, 112 người bị thương, gây thiệt hại 844,52 tỷ đồng.

Ông Nguyễn Tấn Định, Phó trưởng ban thường trực Ban Quản lý các khu chế xuất và công nghiệp TP. HCM cho biết, chỉ riêng tại các khu chế xuất và khu công nghiệp đã có hơn 1.000 DN sản xuất nhiều mặt hàng dễ gây cháy nổ như dệt may, cơ khí, điện tử, hóa chất…, xác suất xảy ra rủi ro là rất lớn. Nguy cơ luôn thường trực và có thể xảy ra bất kỳ lúc nào, nhưng có một thực tế là nhận thức của các DN về vấn đề PCCC vẫn chưa cao. Nhiều DN xem nhẹ công tác PCCC, xem đây là chuyện may rủi nên chưa có sự đầu tư đúng mức.

Thiếu tướng Trần Triều Dương, Giám đốc Sở Cảnh sát Phòng cháy và chữa cháy TP. HCM cho biết, thời gian qua, Sở làm việc với nhiều DN và nhận thấy việc thực hiện PCCC mang tính hình thức nhiều hơn, nên vẫn chưa ngăn chặn được những trận hoả hoạn, dẫn đến nhiều thiệt hại nghiêm trọng.

Theo bà Đỗ Thị Kim Liên, Tổng giám đốc Bảo hiểm AAA, chi phí cho công tác PCCC và mua bảo hiểm cháy nổ, bảo hiểm tài sản kỹ thuật cho DN phải được xem như những chi phí cố định khác của DN. Bởi có làm tốt công tác PCCC mới giúp cho DN yên tâm sản xuất - kinh doanh và có thể tối thiểu hóa thiệt hại khi không may xảy ra sự cố.