Bảo hiểm chậm chân hơn ngân hàng 20 năm về cơ sở dữ liệu

Bảo hiểm chậm chân hơn ngân hàng 20 năm về cơ sở dữ liệu

(ĐTCK) Việc không chia sẻ dữ liệu giữa các doanh nghiệp bảo hiểm là một tồn tại, được nhắc từ lâu.

“Nói ra thì thật đáng ngại. Nhưng đó là sự thật. Ngân hàng làm CIC từ hơn 20 năm trước. Vậy mà bảo hiểm giờ vẫn lẽo đẽo theo sau, chưa có cơ sở dữ liệu chung của toàn ngành”, nguyên lãnh đạo một công ty bảo hiểm nói về ngành bảo hiểm phi nhân thọ, nơi đang triển khai bán bảo hiểm xe máy bắt buộc đang rộ tuần qua.

CIC là Trung tâm Thông tin tín dụng Quốc gia Việt Nam, thành lập năm 1999.

Tất nhiên, nói như vậy thì cũng chưa hẳn. Trong ngành bảo hiểm thì khối nhân thọ có sự kết nối tương đối bài bản hơn, dù mới ở mức độ chia sẻ hạn chế, chứ không phải toàn bộ dữ liệu khách hàng.

Các công ty bảo hiểm nhân thọ đa số là công ty nước ngoài, có sự hậu thuẫn của công ty mẹ nên chuyên nghiệp hơn và có công nghệ mạnh hơn so với công ty trong nước.

Vấn đề ở chỗ các sản phẩm bảo hiểm hiện tại khá đan xen, đòi hỏi sự kết nối dữ liệu lớn hơn, chứ không chỉ cắt khúc.

Chẳng hạn, sản phẩm bảo hiểm sức khỏe được cả khối nhân thọ và phi nhân thọ bán, khách hàng có “lịch sử trục lợi” cần phải cập nhật vào dữ liệu chung để tránh việc “không mua được chỗ này, quay sang chỗ khác”.

Nếu so sánh thì rõ ràng câu chuyện này ở ngành bảo hiểm thua rất xa ngành ngân hàng. Tại CIC, khách hàng có quan hệ tín dụng với ngân hàng đều được cập nhật, khách hàng có lịch sử nợ xấu gần như không thể vay tại một ngân hàng ở Việt Nam.

Dữ liệu này được chia sẻ theo quy định được luật hóa, cho cả ngân hàng trong nước và nước ngoài tại Việt Nam, cũng như cả khối công ty tài chính tiêu dùng mới phát triển mạnh vài năm gần đây.

Câu chuyện kết nối dữ liệu ngành bảo hiểm là một tồn tại được nhắc đến khá nhiều lần, nhiều năm, nhưng gần đây mới được nhắc lại vì câu chuyện thời sự ngành mang tên bảo hiểm trách nhiệm dân sự xe cơ giới.

Ai đã mua bảo hiểm này, bao nhiêu người, ở những công ty nào… đều là những câu hỏi không thể trả lời ngay, mà phải chờ báo cáo từ từng công ty, và cả thị trường hiện tại đều dùng chung một con số có từ họp báo của Bộ Tài chính hôm 25/5, đó là: “Sau hơn 10 năm thực hiện chế độ bảo hiểm bắt buộc dân sự chủ xe cơ giới, số xe cơ giới tham gia bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới lên đến 110,3 triệu lượt , trong đó số lượt xe máy vào khoảng 93,5 triệu lượt”.

“Quá khó để dùng số liệu này phục vụ kinh doanh ngắn hạn”, lãnh đạo một doanh nghiệp bảo hiểm nói và cho biết thêm: “Bạn là lãnh đạo công ty bảo hiểm, bạn có thể biết số phương tiện xe cơ giới đang lưu hành, nhưng không biết bao nhiêu người đã mua bảo hiểm còn hiệu lực, tại Hà Nội thế nào và các địa phương khác thế nào… Vì vậy, in ấn bao nhiêu chỉ là đủ cho đợt bán hàng này, cũng không thể quyết cho sát được”. Theo vị lãnh đạo này, trước khi làm bảo hiểm, ông đã có thâm niên 20 năm làm ngân hàng.

“Đang quen thao tác với số liệu có sẵn và dễ tìm, giờ lại phải quay lại với cách làm rất thủ công, quy trình ra quyết định đương nhiên sẽ chậm rất nhiều”, ông chia sẻ.

Chuyện về liên kết dữ liệu bảo hiểm đã từng được Báo Đầu tư Chứng khoán đề cập trong hàng loạt bài viết, hệ lụy rất nhiều.

Chẳng hạn, ngành bảo hiểm nhân thọ có thống kê về số người đã mua bảo hiểm nhân thọ lên tới gần 10 triệu người, nhưng bao nhiêu hợp đồng có hiệu lực và bao nhiêu hợp đồng ảo (mua năm đầu và hủy năm sau đó nhằm lấy hoa hồng và doanh số của đại lý) thì không biết chính xác, điều này dẫn đến việc tính sai mức độ thâm nhập ngành bảo hiểm tại Việt Nam.

Đặc biệt là tình trạng trục lợi. Trong nghi án trục lợi “giết người, mượn xác” nổi cộm tại Đắk Nông vừa qua, nghi phạm đã mua tới 4 hợp đồng bảo hiểm có giá trị bồi hoàn tới 18 tỷ đồng trước khi gây án. Nếu số liệu tốt thì việc bán những đơn bảo hiểm kiểu này có thể sẽ không xảy ra.

Tin bài liên quan