Bảo hiểm bắt buộc xe cơ giới, trốn tránh vì sao?

Bảo hiểm bắt buộc xe cơ giới, trốn tránh vì sao?

(ĐTCK) Hiện có khoảng 90% chủ xe ô tô (1,35 triệu xe/1,5 triệu xe) và 29% chủ xe mô tô (8 triệu xe/28 triệu xe) tham gia bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự (TNDS) chủ xe cơ giới.

Bảo hiểm bắt buộc xe cơ giới, trốn tránh vì sao? ảnh 1

Có nhiều lý do khiến các chủ xe không mặn mà với quy định dù là bắt buộc này và phần lớn do chính sách còn nhiều bất cập.

Một trong những lý do khiến các chủ xe không thiết tha là bởi, “mua bảo hiểm dễ, đòi bồi thường thì khó” vẫn còn tồn tại. Theo Cục Quản lý giám sát bảo hiểm, thời gian qua còn một số doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ giải quyết bồi thường bảo hiểm chậm bởi việc xác định lỗi trong một số vụ tai nạn chưa rõ ràng, cán bộ giải quyết bồi thường có hành vi gây khó khăn cho khách hàng đến làm thủ tục đòi bồi thường. Tại các cuộc họp bàn về triển khai bảo hiểm bắt buộc TNDS chủ xe cơ giới vừa được cơ quan này tổ chức khắp 3 miền Bắc, Trung, Nam, có rất nhiều bất cập khác về việc thực hiện bảo hiểm bắt buộc TNDS chủ xe cơ giới được xới lên. 

Theo quy định tại Khoản 3, Điều 14 Nghị định 103/2008/NĐ-CP, đối với thiệt hại về người, giải quyết bồi thường không phân biệt mức độ lỗi của chủ xe cơ giới; mức bồi thường được xác định theo quy định của Bộ Tài chính. Do đó, trên thực tế, có nhiều trường hợp nạn nhân vi phạm luật giao thông nên dẫn đến tai nạn (lỗi 100% do nạn nhân), nhưng chủ xe vẫn phải bồi thường tối đa theo bảng tỷ lệ bồi thường. Điều này chưa hợp lý vì vô hình chung sẽ khuyến khích vi phạm quy định pháp luật, đồng thời không công bằng đối với người chấp hành tốt pháp luật về giao thông và người cố tình không chấp hành hoặc chấp hành không tốt pháp luật về giao thông.

Hay như quy định về loại trừ bảo hiểm tại khoản 3 Điều 13 Nghị định 103/2008/NĐ-CP thì doanh nghiệp bảo hiểm không bồi thường thiệt hại đối với các trường hợp sau: “Lái xe không có giấy phép lái xe hoặc giấy phép lái xe không phù hợp đối với loại xe cơ giới bắt buộc phải có giấy phép lái xe”. Trường hợp này, doanh nghiệp bảo hiểm lại gặp khó khăn khi cơ quan chức năng tạm giữ hành chính hoặc tước giấy phép lái xe thì đối tượng bảo hiểm có được tiếp tục điều khiển xe hay không, có được coi là không có giấy phép lái xe hay không? Nội dung này cũng cần được làm rõ để các doanh nghiệp bảo hiểm thống nhất thực hiện.  

Hiện nay, do giá cả tăng cao, nhiều chủ xe đã tự mua bổ sung bảo hiểm tự nguyện để nâng mức trách nhiệm lên 100 triệu đồng (mức trách nhiệm theo quy định tại Thông tư số 126/2008/TT-BTC là 50 triệu đồng). Đối với các đối tượng bảo hiểm có rủi ro cao là xe vận tải hành khách đường dài, xe đầu kéo container và xe taxi, phí bảo hiểm cũng cần tăng lên. Do đó, một số doanh nghiệp bảo hiểm (như Bảo hiểm PVI, Liberty…) đề nghị tăng mức trách nhiệm bảo hiểm về người từ 50 triệu đồng lên 100 triệu đồng và tăng phí bảo hiểm tối thiểu lên 20%; đối với nhóm có nguy cơ rủi ro cao như xe đầu kéo, xe khách, taxi cần tăng phí từ 2 đến 3 lần so với mức phí của xe thông thường.

Cục Quản lý giám sát bảo hiểm cũng nhận định, đề nghị trên của các doanh nghiệp bảo hiểm và cơ quan liên quan là hợp lý. Cơ quan này sẽ xem xét để sửa đổi cho phù hợp với thực tế trên cơ sở tổng kết, đánh giá chi tiết mức phí, mức trách nhiệm, bồi thường, chi phí đối với từng dòng xe.

Về mức chi hỗ trợ 5 triệu đồng đối với đối tượng tai nạn bị thiệt mạng, để góp phần nâng cao công tác hỗ trợ nhân đạo và an sinh xã hội, Cục Quản lý giám sát bảo hiểm nhất trí với đề nghị nâng mức hỗ trợ nhân đạo lên 10 triệu đồng/vụ đối với trường hợp nạn nhân bị chết và đưa vào nội dung sửa đổi Thông tư. Ngoài ra, theo ý kiến của Cục, Nghị định 103 chỉ quy định bồi thường kể cả khi chủ xe không có lỗi, mà không quy định việc bồi thường một phần hay bồi thường toàn bộ. Do đó, Bộ Tài chính có thể hướng dẫn bổ sung việc bồi thường một phần (70 - 80% số tiền bồi thường theo quy định) khi nạn nhân có lỗi (bổ sung quy định tại Bảng quy định trả tiền bảo hiểm tại Thông tư số 126/2008/TT-BTC).

Được biết, tất cả những khúc mắc về chính sách đối với bảo hiểm bắt buộc TNDS chủ xe cơ giới sẽ tiếp tục được Bộ Tài chính rà soát và tìm biện pháp tháo gỡ ngay trong năm 2012.