Quyền sở hữu không bị tịch thu
Điều 32 Hiến pháp năm 2013 đã ghi nhận: “Mọi người có quyền sở hữu về thu nhập hợp pháp, của cải để dành, nhà ở, tư liệu sinh hoạt, tư liệu sản xuất, phần vốn góp trong doanh nghiệp hoặc trong các tổ chức kinh tế khác” và “Quyền sở hữu tư nhân và quyền thừa kế được pháp luật bảo hộ”.
Cụ thể hóa Hiến pháp năm 2013, Điều 5, Luật Doanh nghiệp năm 2014 đã định: “Nhà nước công nhận và bảo hộ quyền sở hữu tài sản, vốn đầu tư, thu nhập, các quyền và lợi ích hợp pháp khác của doanh nghiệp, chủ sở hữu doanh nghiệp, nhà đầu tư”. Tài sản và vốn đầu tư hợp pháp của doanh nghiệp và chủ sở hữu doanh nghiệp không bị quốc hữu hóa, không bị tịch thu, trưng thu bằng biện pháp hành chính.
Việc doanh nghiệp, nhà đầu tư phải chuyển quyền sở hữu tài sản (kể cả cổ phần sở hữu chung của vợ chồng) cho người khác; bị phạt, bồi thường; bị thu hồi, tịch thu tài sản phạm pháp theo các quy định pháp luật dân sự, hành chính hay hình sự là phù hợp với Hiến pháp.
Tuy nhiên, vẫn còn những quy định chưa thực sự hợp lý, mâu thuẫn với nguyên tắc bảo đảm quyền sở hữu, thậm chí là vi Hiến như người phạm tội còn có thể bị tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản ngoài tiền phạt, tang vật, công cụ, phương tiện phạm pháp và các khoản thu lợi bất chính, đối với 42 tội trong Bộ luật Hình sự năm 2015.
Quyền sở hữu khi bị thu hồi dự án
Dự án đầu tư của doanh nghiệp cũng có thể bị chấm dứt hoạt động và bị Nhà nước thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư trong 6 trường hợp theo quy định tại Điều 41, Luật Đầu tư năm 2014 với lý do là để bảo vệ di tích, di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia; để khắc phục vi phạm môi trường; để bảo đảm an toàn lao động; do nhà đầu tư không thực hiện đúng dự án; có nguy cơ ảnh hưởng đến an ninh quốc gia hay dự án chậm quá tiến độ (như quá 12 hoặc 24 tháng).
Quyền sử dụng đất của các doanh nghiệp, nhà đầu tư cũng có thể bị thu hồi theo quy định tại các điều 16, 62, 64 và 65, Luật Đất đai năm 2013 với các lý do vì mục đích quốc phòng, an ninh; vì mục đích phát triển kinh tế - xã hội; vì lợi ích quốc gia, công cộng; do vi phạm pháp luật về đất đai; do chấm dứt việc sử dụng đất theo pháp luật, tự nguyện trả lại đất, có nguy cơ đe dọa tính mạng con người, trong đó riêng lý do vi phạm pháp luật về đất đai đã có tới 11 trường hợp doanh nghiệp có thể bị thu hồi đất.
Trong các trường hợp bị thu hồi dự án và quyền sử dụng đất nêu trên, Nhà nước vẫn có trách nhiệm bồi thường thiệt hại về tài sản thuộc quyền sở hữu hợp pháp của doanh nghiệp theo quy định của pháp luật.
Tuy nhiên, trên thực tế vẫn gặp rất nhiều khó khăn, vướng mắc do quy định về việc bồi thường tài sản liên quan không cụ thể, rõ ràng, thậm chí có trường hợp quy định sai không bồi thường.
Quyền lợi khi bị trưng mua, trưng dụng tài sản
Trường hợp thật cần thiết vì lý do quốc phòng, an ninh hoặc vì lợi ích quốc gia, tình trạng khẩn cấp, phòng, chống thiên tai, thì Nhà nước có thể thực hiện việc trưng mua hoặc trưng dụng tài sản của doanh nghiệp, nhà đầu tư. Người có tài sản bị trưng mua thì được thanh toán tiền, bị trưng dụng thì được bồi thường theo giá thị trường. Đó là các quy định tại khoản 3 Điều 32 Hiến pháp năm 2013; Điều 10, Luật trưng mua, trưng dụng tài sản năm 2008; Điều 5, Luật doanh nghiệp năm 2014; Điều 5 và Điều 9, Luật đầu tư năm 2014. Tuy nhiên, đi vào cụ thể thì việc bảo đảm quyền sở hữu bị hiểu theo nhiều cách khác nhau và có nguy cơ bị xâm phạm.
Chẳng hạn như quy định cho phép cán bộ công an“được trưng dụng các loại phương tiện giao thông; phương tiện thông tin liên lạc; các phương tiện, thiết bị kỹ thuật khác của cơ quan, tổ chức, cá nhân và người điều khiển, sử dụng các phương tiện, thiết bị đó theo quy định của pháp luật” tại khoản 6 Điều 5 Thông tư số 01/2016/TT-BCA ngày 04-01-2016 của Bộ trưởng Bộ Công an ban hành “Quy định nhiệm vụ, quyền hạn, hình thức, nội dung tuần tra, kiểm soát giao thông đường bộ của cảnh sát giao thông”.
Việc quy định thẩm quyền trưng dụng tài sản của Thông tư nêu trên có thể không trái với quy định tại khoản 15 Điều 15, Luật Công an nhân dân năm 2014, nhưng lại trái với “quy định của pháp luật” về trưng dụng tài sản. Cụ thể là Điều 24, Luật Trưng mua, trưng dụng tài sản năm 2008 quy định chỉ có 7 Bộ trưởng (Bộ Tài chính, Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, Bộ Giao thông vận tải, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Y tế, Bộ Công Thương) và các Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh mới có thẩm quyền, đồng thời không được phân cấp thẩm quyền quyết định trưng dụng tài sản.
Hay việc mua 3 ngân hàng không đồng mấy năm trước, không phải là việc quốc hữu hoá, tịch thu, trưng thu hay trưng dụng, mà gần giống với việc trưng mua tài sản là quyền sở hữu cổ phần của các cổ đông. Tuy nhiên trên thực tế nó đã không được tiến hành theo các quy định này nên đã gây ra rất nhiều sự băn khoăn và tranh cãi.
* Tham khảo cuốn sách Luận giải về Luật Doanh nghiệp, Trương Thanh Đức, NXB Chính trị Quốc gia Sự thật, tái bản 2028.