Bánh trung thu được chào bán trên mạng với đủ loại giá
Giá rẻ “giật mình”
Trên hội nhóm bán sỉ, bán lẻ bánh trung thu với khoảng 6.000 thành viên, mỗi ngày có rất nhiều bài viết đăng quảng cáo bánh trung thu và nguyên liệu làm bánh trung thu “siêu rẻ”. Có tài khoản đăng bán với giá 30.000 - 60.000 đồng/khay 6 bánh, mỗi chiếc bánh chỉ có giá 5.000 - 10.000 đồng. Nhiều tài khoản khác quảng cáo bánh trung thu mini nhập khẩu với giá không phải tính bằng chiếc, mà tính theo trọng lượng. Chẳng hạn, tài khoản, D.T.A đăng quảng cáo bánh trung thu mini Đài Loan có giá 71.000 đồng/kg (khoảng 30 - 40 chiếc).
Hạn sử dụng của bánh trung thu mini nhập khẩu này, theo giới thiệu của người bán, là trong vòng nửa năm, tính từ ngày sản xuất in trên bao bì. Người bán còn khẳng định, bánh rất dễ bảo quản, để dài ngày cũng không sao, không bị cứng, mốc. Đáng lưu ý, bao bì của loại bánh này đều in bằng tiếng nước ngoài, không có tem nhãn phụ ghi bằng tiếng Việt theo quy định đối với hàng hóa nhập khẩu. Khi phóng viên Báo Đầu tư liên hệ, ngỏ ý muốn được chuyển trước sản phẩm để thẩm định rồi sẽ mua với số lượng lớn, người bán không đồng ý và nói chỉ bán online, thanh toán chuyển khoản.
Người tiêu dùng cần sử dụng cảm quan của mình để đánh giá sản phẩm, đảm bảo sản phẩm không bị dập nát, biến dạng, bao bì không rách nát, không có màu sắc khác thường, không bị thiu, ẩm mốc, hư hỏng và không có mùi khác lạ. Tuyệt đối không lựa chọn mua sản phẩm trôi nổi, không có nguồn gốc, hàng hết hạn sử dụng, hàng lậu….
- Ông Nguyễn Thanh Phong, Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế)
Trên trang thương mại điện tử Lazada, bánh trung thu mini theo quảng cáo là “hàng chuẩn nội địa mix vị ngẫu nhiên siêu ngon” được đăng bán với giá 99.000 đồng/kg. Shopee cũng quảng cáo sản phẩm bánh trung thu mini Đài Loan với giá “giật mình”, từ 38.000 đồng đến 80.000 đồng/kg.
Dạo một vòng trên các trang mạng xã hội, hội nhóm quảng cáo bánh trung thu, không khó để nhận ra các quảng cáo về nguyên liệu làm bánh của những cá nhân, cơ sở tự nhận là “handmade” đều chung đặc điểm “3 không”: không nguồn gốc, xuất xứ; không nhãn mác; không hạn sử dụng.
Theo ông Nguyễn Duy Thịnh, chuyên gia về thực phẩm, những nguyên liệu chính để sản xuất bánh trung thu như các loại hạt, trứng, sữa, ngũ cốc… rất dễ bị nhiễm khuẩn và nấm mốc. Do đó, chất lượng bánh trung thu rất dễ bị ảnh hưởng nếu không được sản xuất và bảo quản tốt. Nhiều người tự tay chế biến các loại bánh trung thu rồi bán qua mạng xã hội, nên rất khó để kiểm định chất lượng sản phẩm, chưa nói đến khả năng cơ sở sản xuất bánh còn sử dụng phẩm màu, chất phụ gia, nguyên liệu giá rẻ, nguyên liệu không nằm trong danh mục được phép sử dụng trong thực phẩm, thậm chí là nhập lậu các sản phẩm không rõ nguồn gốc để buôn bán.
“Nếu người dùng ăn phải bánh sử dụng chất tạo màu không được phép sử dụng trong công nghệ chế biến thực phẩm sẽ rất nguy hiểm cho sức khỏe”, ông Thịnh lo ngại.
Thận trọng sử dụng
Có thể thấy, việc kiểm soát hoạt động mua bán bánh trung thu qua hình thức online đang là bài toán khó đối với cơ quan chức năng. Chính vì thế, bản thân người tiêu dùng nên cẩn trọng khi tiếp cận thông tin quảng cáo bánh trung thu trên mạng. Các chuyên gia y tế và thực phẩm đều khẳng định, không thể có bánh trung thu “siêu ngon - siêu rẻ”, vì với giá “siêu rẻ”, không thể mua được sản phẩm chất lượng cao, đồng nghĩa với việc cho ra lò các sản phẩm bánh “siêu tệ”.
Theo Bộ Tiêu chuẩn quốc gia (TCVN) dành cho bánh trung thu (bánh nướng, bánh dẻo) do Bộ Khoa học và Công nghệ công bố, các sản phẩm bánh trung thu đều phải đáp ứng tiêu chuẩn kỹ thuật. Chẳng hạn, bột mì phải đáp ứng quy định trong TCVN 4359, dầu ăn đáp ứng quy định trong TCVN 7597:2018. Các nguyên liệu có nguồn gốc từ động vật và thực vật được sử dụng để làm nhân bánh (đậu, hạt sen, nấm, mỡ lợn, các sản phẩm thịt...) phải đáp ứng các yêu cầu về chất lượng và an toàn để dùng làm thực phẩm.
Ngoài các tiêu chuẩn nêu trên, việc sản xuất bánh trung thu còn bị chi phối bởi nhiều quy định khác, như quy định về nhiễm bẩn, vi sinh trong thực phẩm hay dư lượng thuốc bảo vệ thực vật nếu nhân bánh có sử dụng rau, củ, quả. Tuy nhiên, các cá nhân, cơ sở sản xuất bánh trung thu tự nhận là “handmade” đều không biết tới sự tồn tại của quy chuẩn này, chứ chưa nói tới việc áp dụng.
Ông Nguyễn Thanh Phong, Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) cho biết, trong bối cảnh Covid-19 đang hoành hành hiện nay, Cục An toàn thực phẩm yêu cầu các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm thực hiện nghiêm các quy định về điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm trong sản xuất, kinh doanh, bảo quản, vận chuyển thực phẩm; thực hiện nghiêm các quy định về phòng chống dịch Covid-19 trong sản xuất.
Đưa ra lời khuyên với người tiêu dùng, ông Phong nhấn mạnh, người tiêu dùng chỉ mua, sử dụng thực phẩm, phụ gia thực phẩm có nhãn mác đầy đủ, nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng, không sử dụng phụ gia thực phẩm ngoài danh mục, không đúng đối tượng, liều lượng theo quy định của Bộ Y tế; lưu ý kiểm tra nguồn gốc, xuất xứ và hạn sử dụng khi mua qua hình thức trực tuyến.
Cụ thể, khi lựa chọn và sử dụng bánh Trung thu, để đảm bảo an toàn thực phẩm, người dùng cần chọn sản phẩm có nguồn gốc rõ ràng, có tên của nhà sản xuất, địa chỉ nơi sản xuất, có hướng dẫn sử dụng, bảo quản. Sản phẩm phải ghi ngày sản xuất, thời hạn sử dụng và còn hạn sử dụng. Đồng thời, sản phẩm được bày bán ở những địa điểm kinh doanh xác định, đáp ứng yêu cầu về điều kiện kinh doanh thực phẩm như đủ trang thiết bị che đậy, tránh bụi bẩn, mưa nắng, côn trùng xâm nhập; bảo quản đúng quy định trên nhãn sản phẩm của nhà sản xuất…