Thanh ngọt chè trôi
Bánh trôi hay còn gọi là chè trôi nước, là món ăn phù hợp với mùa lạnh hơn là mùa nắng. Đồ nếp khi ăn thường khiến cho người ta có cảm giác ấm bụng. Năm nào cũng vậy, ngay khi cơn gió mùa đầu tiên len mình bước vào thành phố, mỗi lần ra đường, tôi để ý nhiều hơn đến các góc phố, vỉa hè.
Chỉ mong ở đó sẽ nhìn thấy một bà, một chị đang quẩy gánh chung chiêng đi bán rong từng bát bánh trôi đương nóng hôi hổi để mua bát bánh trôi tàu còn thơm thảo mùi hương.
Trong cái bát nhỏ bao giờ cũng là ba viên trôi nước: 1 nhân đậu xanh, 1 nhân vừng đen và 1 nhân vừng dừa với giá rất bình dân, chỉ từ 15.000 - 20.000 đồng/bát. Giản dị là thế nhưng bánh trôi càng ăn lại càng thấm cái văn hóa ẩm thực lâu đời của người Tràng An.
Thìa đầu tiên đưa lên môi, tôi đã thấy ngay cái vị ấm áp, nồng nàn mà ngọt thanh của bánh. Miếng bánh trôi đi đến đâu cảm giác mát lành theo đến đó. Sảng khoái đến nao lòng. Tưởng như có nguồn nước mát đang tưới dần vào trong cơ thể.
Cái sự thanh ấy không chỉ đến từ vị béo thơm của lạc, của bột, của đường, mà còn cả của sương thu. Lạnh một tý thôi mà làm miếng bánh như thanh như ngọt hơn thật. Một cái ngọt thực sự rất cần thiết cho những chiều cuối thu thiếu năng lượng.
Chờ đợi hàng mấy tháng trời mới lạnh, mới được ăn bát trôi tàu nóng, mới được thưởng thức vị ngọt, mới tìm lại được cái vị đậm đà tưởng đã quên sau một mùa Hè nông nổi, cho nên tôi đã thèm. Tuy thèm lắm, nhưng tôi vẫn ăn thật chậm để cảm nhận hương vị bánh một cách từ từ.
Ngoài ra, bánh trôi cũng là món nên ăn chậm, để người ta có thời gian nhẩn nha, miên man trong một chiều gió muộn, chứ không phải để ăn như chết đói. Cách người ta ăn bánh cũng nói nên sự tinh tế, thanh thoát trong thói quen thưởng thức ẩm thực.
Khi ăn bánh trôi, càng từ tốn sẽ càng cảm nhận được cái bùi, cái ngọt lành của rất nhiều thứ nguyên liệu làm nên linh hồn của nó. Bánh sẽ làm tê tê đầu lưỡi, quyến luyến chân răng, lưu luyến giữ lại hương vị trong miệng cho đến khi ăn tới miếng cuối cùng. Tất cả quyến rũ khẩu vị, đưa con người vào thế giới ẩm thực hấp dẫn nhiều hơn.
Bánh trôi ăn đầu mùa lạnh đã thú vị, nhưng vào sâu mùa Đông lại càng trở nên đặc biệt. Khi gió Đông vừa ùa về, cũng là lúc đêm đêm có những cơn rét ngọt thấm dần vào da vào thịt. Ấy là lúc gừng trở thành một loại gia vị cần thiết của mỗi nhà, trong mỗi nồi chè trôi tối muộn.
Trên đêm rét, đôi vợ chồng già khoác trên mình những chiếc áo dày, khăn mũ trùm kín, nắm tay nhau rảo bước trên phố. Họ lang thang qua mấy con ngõ nhỏ để tìm một hàng bánh trôi vỉa hè đông khách. Có nhiều cách thưởng thức bánh trôi, nhưng người Hà Nội rất thích thưởng thức trên vỉa hè.
Phải chăng bánh trôi ở Hà Nội ngon nhất là khi ngồi trên vỉa hè đường phố, trực tiếp xem người bán nhào nặn bánh, nhìn dòng người vội vã trên đường trong ngày đông rét buốt? Hay là vì với người Hà Nội, phải ăn “khổ” như thế thì hương vị của bánh trôi mới cuốn quyện vào cảnh vật hữu tình, mới trở nên đầy tinh tế, sắc xảo? Hay là bởi câu chuyện hàn huyên bên mâm chè nóng hổi trong ngày đông giá lạnh bao giờ cũng thú vị hơn?
Tôi cũng không biết lý do họ có mặt ở đây vào đêm muộn như này là vì điều gì. Tôi chỉ biết rằng, mỗi khi Đông về, lạnh đến mấy thì lạnh, người Hà Nội vẫn cứ cố ra đường, tìm mua một bát bánh thơm bùi như một thói quen. Cái sự ấm áp nó đem lại đôi lúc còn lớn hơn hơi ấm khi ngồi ở nhà và chờ đồ ăn ship đến. Và như vậy, bánh trôi vô tình khiến người ta say đắm mùa Đông Hà Nội nhiều hơn.
Nấu chậm và nêm đậm yêu thương
Ngon quyến rũ là thế, nhưng nguyên liệu làm ra bánh trôi chẳng phải cao lương mĩ vị, mà hoàn toàn là chân chất và mộc mạc của miền quê đất Việt. Cách làm bánh không có gì đặc biệt, nhưng lại cần sự tinh tế của người chế biến.
Bánh dùng nhân lạc, nhân vừng thì phải rang chín, nhã nhuyễn. Dùng nhân đậu xanh thì cần ngâm qua đêm cho nở, rồi hấp chín và giã mịn. Sau đó mỗi loại nhân cho thêm đường trắng, xíu muối, dừa nạo và trộn thật đều. Cho bao nhiêu là tùy vào kinh nghiệm người làm bánh và khẩu vị người ăn. Trộn xong vo nhân thành viên tròn, nhỏ vừa miệng là hoàn thành. Riêng nhân lạc, nhân vừng thì phải cho lên bếp xào nhẹ trong vòng vài phút mới tạo được độ xệt để viên.
Vỏ bánh thơm mềm thì làm bằng bột gạo tẻ và gạo nếp xay ướt rồi ủ qua một đêm cho nở. Sau khi bánh thành hình thì bắc nước lên, chờ nước sôi ùng ục mới thả từng viên bánh vào. Lửa củi thật đều, bánh chìm xuống rồi lại nổi lên, lênh đênh trên mặt nước. Viên bột nhỏ xinh giờ phồng căng, nở đều óng mịn y như hai câu thơ nổi tiếng của Hồ Xuân Hương:
Bánh nổi lên là chín rồi đó, khi ấy cần vớt ra cho vào bát nước lạnh.
Trong lúc chờ đợi, hãy cho đường thẻ vào nồi, đổ thêm gừng thái sợi, vỏ quất và khoảng 2 thìa canh nước cốt dừa rồi đun sôi. Nước đường sẽ dần sánh sệt vào nhau. Những thực khách sành ăn đều cho rằng, điều làm nên cốt lõi của bát bánh trôi tàu ngon không nằm nhiều ở nhân bánh, mà chính ở phần nước đường quyện trong gừng cay cay này.
Muốn ngon, nước này phải được giữ sôi liu riu trên bếp than. Đun đến khi nước sệt lại ở mức vừa phải, không quá đặc, không quá loãng, không có vị ngọt sắc. Màu nước sánh vàng, hơi nâu màu mật ong. Đưa lên mũi ngửi thấy hơi cay của gừng là đạt đúng tiêu chuẩn.
Tùy quán mà nước đường có những độ ngọt, nhạt khác nhau. Có điều, nếu nước đường bị ngọt quá sẽ vô tình làm mất đi sự tinh tế, thanh thoát của bánh trôi. Những thứ được cho thêm lên trên lớp bánh như nước cốt dừa, lạc rang, vừng,... cũng phải làm tỉ mỉ, bỏ sao cho vừa phải. Người làm bánh cũng phải kịp thời nhận ra thời điểm thích hợp để các nguyên liệu đạt đến sự hòa quyện.
Thế mới nói, hương vị hoàn hảo của món bánh trôi tàu quả thực không cần công thức, mà cần người nấu dụng tâm vào món ăn. Nấu chậm thôi nhưng nêm đậm yêu thương là đủ.
Ngày nay, để tăng tính hấp dẫn cho bánh trôi, người ta đã nghĩ ra cách làm bánh trôi ngũ sắc với đủ hương vị khác nhau. Thậm chí, có quán còn mạnh dạn thay nhân đỗ, nhân lạc thành nhân thịt lợn mộc nhĩ. Đây cũng là cách làm ăn nắm bắt nhanh tâm lý khách hàng.
Thế nhưng, ngày Đông buốt giá, chỉ có thứ bánh trôi làm từ nguyên liệu chay tịnh như vừng, như lạc, như dừa… kia mới khiến cho người ta thỏa mãn thật sư. Đó là lý do bánh trôi tuy chỉ là món bình dân, nhưng vẫn giữ được sự hấp dẫn và gắn bó lạ kỳ cho đến tận bây giờ. Một món ăn mà mỗi khi mùa Đông về lại khiến người ta nhớ Hà Nội đến quắt quay.
Hotline Báo Đầu tư Bất động sản: 0966.43.45.46 Email:dautubatdongsan.vir@gmail.com