Bán ưu đãi cổ phiếu quỹ cho nhân viên

Bán ưu đãi cổ phiếu quỹ cho nhân viên

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Mới đây, Công ty Chứng khoán Bản Việt (VCI) đã thông qua việc bán hơn 121.000 cổ phiếu quỹ cho cán bộ, nhân viên với giá 12.000 đồng/cổ phiếu, thấp hơn một nửa so với thị giá cổ phiếu VCI trên sàn. 

VCI sẽ bán toàn bộ lượng cổ phiếu quỹ đang nắm giữ, thời gian thực hiện trong quý III hoặc quý IV/2020, ngay sau khi được Ủy ban Chứng khoán Nhà nước chấp thuận.

Cách để giữ chân người tài

Trước đó, một số doanh nghiệp đã bán cổ phiếu quỹ cho người lao động, nhất là các ngân hàng. Đầu năm nay, Ngân hàng TMCP Phát triển TP.HCM (HDBank) bán 3,34 triệu cổ phiếu quỹ cho người lao động với giá 10.000 đồng/cổ phiếu, trong khi số cổ phần này được Ngân hàng mua lại với giá bình quân 27.387 đồng/cổ phiếu.

Tại Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank), nhà băng này dự kiến phát hành cổ phiếu cho cán bộ, nhân viên từ cổ phiếu quỹ trong năm 2020 với khối lượng 17 triệu đơn vị, giá bán 10.000 đồng/cổ phiếu, tương đương 0,672% tổng số lượng cổ phiếu đang lưu hành.

Cổ phiếu đó sẽ bị hạn chế chuyển nhượng, tối đa là 3 năm: Ngân hàng cho phép chuyển nhượng 30% sau một năm, 35% sau hai năm, 35% còn lại sau năm thứ ba; nếu cán bộ, công nhân viên nghỉ việc sẽ phải bán lại cổ phiếu với giá đã mua.

Năm nay là năm thứ ba liên tiếp, VPBank thực hiện chương trình bán cổ phiếu quỹ cho cán bộ, nhân viên. Hai năm trước, Ngân hàng bán mỗi năm hơn 30 triệu cổ phiếu quỹ, trong đó Tổng giám đốc Nguyễn Đức Vinh và nhiều lãnh đạo cấp cao khác cũng đăng ký mua.

VPBank cho biết, bán cổ phiếu quỹ cho nhân viên với giá ưu đãi nhằm mục đích giữ chân nhân tài, ghi nhận đóng góp của các cấp cán bộ, nhân viên đối với Ngân hàng và thực tế, phương án này phát huy hiệu quả trong 2 năm vừa qua.

Cần cân bằng lợi ích cổ đông và người lao động

Xét về yếu tố thu nhập, bên cạnh thu nhập chính từ lương thưởng, phát hành cổ phiếu ưu đãi cho người lao động (ESOP) là một yếu tố để các nhân viên quyết định gắn bó lâu dài với doanh nghiệp.

Trong quản trị doanh nghiệp, cổ phiếu ESOP được thừa nhận là một công cụ quan trọng để thực hiện chiến lược nhân sự hiệu quả.

Việc được nhận cổ phiếu ESOP với mức giá thấp hơn nhiều giá thị trường và khi công ty kinh doanh khởi sắc, giá cổ phiếu trên thị trường tăng sẽ làm tăng động lực cống hiến của nhân viên trong công ty. Trách nhiệm của nhân viên đồng thời tăng lên khi nắm giữ cổ phiếu và trở thành cổ đông của doanh nghiệp.

Vừa giữ chân được nhân sự giỏi lại có thêm nguồn lực tài chính bổ sung cho hoạt động kinh doanh, phát hành ESOP là một trong những hình thức được không ít doanh nghiệp niêm yết ưa chuộng.

Song việc phát hành cổ phiếu ESOP đôi khi khiến các cổ đông cũ không hài lòng do bị pha loãng tỷ lệ sở hữu, đặc biệt là doanh nghiệp phát hành với tỷ lệ cao và tập trung vào một nhóm lãnh đạo.

Có cổ đông lo ngại, doanh nghiệp rút tiền từ họ để tăng lợi ích cho những người điều hành. Thực tế, tình trạng cổ đông phản đối phát hành ESOP cũng không hiếm gặp.

Vì vậy, sử dụng cổ phiếu quỹ bán cho ưu đãi nhân viên là giải pháp dễ nhận được sự đồng tình của cổ đông hơn so với phát hành cổ phiếu mới theo chương trình ESOP, dù thực chất, hai việc này không khác nhau là bao.

Để có cổ phiếu quỹ, doanh nghiệp phải mua vào từ trước và hành động này thường có tác động tích cực, hỗ trợ giá cổ phiếu, có lợi cho tất cả các cổ đông.

Tuy nhiên, giải pháp nào cũng có nhược điểm. Bán cổ phiếu quỹ với giá thấp khiến một phần lợi nhuận để lại của doanh nghiệp bị giảm. Như ở đợt bán 31 triệu cổ phiếu quỹ cho nhân viên năm ngoái của VPBank, thặng dư vốn cổ phần của Ngân hàng hao đi gần 600 tỷ đồng do chênh lệch giá mua - bán.

Tin bài liên quan