Sau hơn 2 tháng tích lũy trong vùng 880 - 900 điểm, chỉ số VN-Index đã vượt mức 1.000 điểm từ đầu tháng 11/2019 và có lúc đạt 1.029 điểm. Tuy nhiên, xu hướng giảm mạnh của thị trường trong những phiên cuối tháng 11 đã kéo chỉ số VN-Index về mốc 970 điểm. Với diễn biến hiện tại, tuần giao dịch đầu tháng 12 liệu có khởi sắc hơn không, theo các ông?
Ông Vũ Minh Đức, Trưởng phòng Cao cấp, Phòng Nghiên cứu và Phân tích, CTCK Bản Việt (VCSC)
Trong ngắn hạn, tôi thấy những dấu hiệu suy yếu của áp lực bán sau một giai đoạn thị trường bị bán quá mức khiến VN-Index giảm về vùng hỗ trợ tại 965-970 điểm. Đây là điều kiện cần cho một sự phục hồi nhất định có thể xuất hiện vào tuần giao dịch đầu tháng 12 này.
Ông Hoàng Thạch Lân, Trưởng phòng Phân tích khối khách hàng cá nhân CTCK Rồng Việt (VDSC)
Tôi nghĩ tuần sau thị trường có thể hồi nhẹ 1 chút, vì tâm lý bắt đáy trên largecap. Không ít mã đang về sát điểm hỗ trợ.
Tuy nhiên, giao dịch của khối ngoại vẫn là tâm điểm và quyết định mức độ hồi phục của cổ phiếu lẫn chỉ số, bởi vì cho dù 3 phiên vừa qua họ mua ròng, nhưng nên nhớ rằng thực tế họ luôn hiện diện ở cả 2 bên mua và bán, và riêng tôi thì có cảm giác rằng họ chủ động hơn ở bên bán. Tức là nếu họ lại quyết tâm xả hàng, thì cổ phiếu lại giảm, index lại giảm. Hy vọng tại những thời điểm cổ phiếu sát hỗ trợ, lực bắt đáy đủ lớn để cân đối lượng hàng xả ra.
Ông Nguyễn Thế Minh, Giám đốc Phân tích, Công ty Chứng khoán Yuanta
Tôi cho rằng, thị trường trong tuần giao dịch tới có thể sẽ biến động hẹp trong vùng giá 965 – 970 điểm của chỉ số VN-Index, nhưng rủi ro ngắn hạn vẫn còn cao do thỏa thuận thương mại Mỹ-Trung có những dấu hiệu tiêu cực và TTCK Mỹ có khả năng sẽ bước vào giai đoạn điều chỉnh trong tuần tới.
Tuy nhiên, nhóm cổ phiếu Largecaps đã có đà giảm sâu và rơi vào trạng thái quá bán ngắn hạn cho nên lực cầu bắt đáy có thể sẽ gia tăng ở những phiên giao dịch tới.
Ông Nguyễn Anh Khoa, Trưởng phòng Phân tích và Tư vấn đầu tư CTCK Agriseco
Ông Nguyễn Anh Khoa
Biến động giảm gần 60 điểm trong vòng vài tuần tương đối nhanh và khá bất ngờ, tâm lý thị trường bị tổn thương như vậy thường không thể trở lại trạng thái cân bằng ngay lập tức.
Mặc dù vậy, ở chiều hướng ngược lại, các chỉ báo động lượng ngắn hạn cũng cho thấy thị trường đã đi vào vùng quá bán và cần một nhịp hồi phục kĩ thuật. Tôi cho rằng, thị trường có khả năng hồi phục vào tuần sau nhưng chưa hi vọng nhiều vào một nhịp tăng trở lại.
Những thông tin hỗ trợ từ vĩ mô và các doanh nghiệp, bên cạnh đó là tác động tích cực từ hoạt động chốt giá trị tài sản ròng của các quỹ đầu tư…, có giúp thị trường thiết lập lại mốc 1.000 điểm từ nay đến cuối năm (cụ thể là trong tháng 12)?
Ông Vũ Minh Đức, Trưởng phòng Cao cấp, Phòng Nghiên cứu và Phân tích, CTCK Bản Việt (VCSC)
Về mặt giá trị cơ bản, dựa trên triển vọng tăng trưởng lợi nhuận và hệ số P/E bình quân của các công ty niêm yết trên HOSE, VN-Index có mức định giá hợp lý ở thời điểm cuối 2019 là 1.050 điểm. Tuy nhiên, dòng tiền mới là yếu tố quyết định đến diễn biến ngắn hạn của VN-Index, lại tạm thời chưa ủng hộ kịch bản này.
Nhịp hồi phục của VN-Index nếu có diễn ra trong tháng 12 này trước mắt phải đối diện với các ngưỡng cản lần lượt tại 982 điểm, 989 điểm và 1000 điểm.
Ông Hoàng Thạch Lân, Trưởng phòng Phân tích khối khách hàng cá nhân CTCK Rồng Việt (VDSC)
Trong phần đánh giá kỹ thuật mới nhất mà team chúng tôi có, thì mốc 1.000 điểm là đỉnh của kịch bản lạc quan tháng 12. Nói thế, tức là thị trường cần tin hỗ trợ mới, chứ với hiện trạng bây giờ thì có lẽ hơi khó. Lên 1.000 chắc phải qua đầu năm sau.
Ông Nguyễn Thế Minh, Giám đốc Phân tích, Công ty Chứng khoán Yuanta
Tôi cho rằng chỉ số VN-Index có thể sẽ sớm quay trở lại mức 1,000 điểm trong tuần giao dịch cuối cùng của tháng 12/2019. Thông thường, các nhà đầu tư sẽ hạn chế giao dịch trong 3 tuần giao dịch của đợt cơ cấu hai quỹ ETF. Tuy nhiên, dự báo thị trường sẽ có chuyển biến tích cực ở tuần giao dịch cuối cùng do ảnh hưởng từ kỳ chốt NAV của các quỹ.
Ông Nguyễn Anh Khoa, Trưởng phòng Phân tích và Tư vấn đầu tư CTCK Agriseco
Lịch sử cho thấy, ngay cả năm 2018 đầy khó khăn thì hoạt động "chốt NAV" cuối năm của các quỹ cũng không mấy tích cực, nếu không muốn nói đến là diễn biến còn xấu hơn các tháng trước, cho nên hy vọng vào câu chuyện này là không mấy rõ ràng.
Về thông tin thì thời gian qua nhiều thông tin vĩ mô tích cực được tung ra, nhưng thị trường không phản ứng nhiều, có lẽ là các thông tin liên quan trực tiếp đến câu chuyện từng doanh nghiệp sẽ đủ tin cậy hơn.
Thực tế nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn góp phần vào đà tăng của chỉ số như VHM, VRE, VIC, VCB, BID, hay nhóm cổ phiếu hết room ngoại như FPT, MWG sau khi ghi nhận tăng mạnh cũng đã điều chỉnh theo thị trường. Các ông chia tỷ lệ cơ hội như thế nào về nhóm bluechips này so với nhóm cổ phiếu vốn hóa vừa và nhỏ chưa tăng giá?
Ông Vũ Minh Đức, Trưởng phòng Cao cấp, Phòng Nghiên cứu và Phân tích, CTCK Bản Việt (VCSC)
Ông Vũ Minh Đức
Nhịp giảm điểm gần đây đã khiến mặt bằng giá của khá nhiều bluechips trở về mức định giá khá hấp dẫn. Tuy nhiên, nếu so sánh cơ hội của nhóm này với các midcap thì nhà đầu tư phải cân nhắc cả yếu tố rủi ro và lợi nhuận kỳ vọng.
Đầu tư vào các bluechips thường sẽ có độ an toàn cao hơn, do đó, nhà đầu tư sẽ không kỳ vọng một mức sinh lời cao quá cao. Ngược lại, các nhà đầu tư có khẩu vị rủi ro cao lại thích thử sức tại các mã midcap có độ an toàn thấp hơn.
Ông Hoàng Thạch Lân, Trưởng phòng Phân tích khối khách hàng cá nhân CTCK Rồng Việt (VDSC)
Tôi nghĩ lúc bình thường thì có thể so sánh giữa largecap với midcap và smallcap. Ví dụ khi thị trường đang ở xu thế tăng mà largecap có dấu hiệu chốt lời sau khi kéo chỉ số, thì nhóm midcap rồi smallcap sẽ nổi lên. Tuy nhiên hiện tại index giảm sốc, largecap giảm sốc, không còn là chốt lời đơn giản nữa. Như vậy ở đây có vấn đề về “hệ thống”, tức là có thể không có sự chuyển dịch dòng tiền giữa các nhóm, hay nói cách khác, rủi ro suy giảm cả 3 nhóm là như nhau.
Lúc này, tôi nghĩ ở góc độ lướt sóng và kỳ vọng phục hồi, nhà đầu tư cần theo dõi largecap. Index hồi được hay không là nhờ nhóm này. Nếu largecap và index tiếp tục suy giảm, rất khó nói midcap hay smallcap tăng (trừ số ít mã đi ngược theo cách khó hiểu).
Ông Nguyễn Thế Minh, Giám đốc Phân tích, Công ty Chứng khoán Yuanta
Hiện nay, nhiều cổ phiếu Largecaps đã có đà giảm sâu kéo dài và rơi vào trạng thái quá bán cho nên chúng tôi đánh giá cơ hội đang dần gia tăng, nhưng rủi ro ngắn hạn vẫn còn cao. Nếu chỉ số VN-Index tiếp tục đà giảm thêm hơn 2% trong tuần giao dịch tới thì các nhà đầu tư có thể cân nhắc tham gia bắt đáy với tỷ trọng thấp, nghĩa là cơ hội giải ngân sẽ gia tăng.
Ông Nguyễn Thế Minh
Ông Nguyễn Anh Khoa, Trưởng phòng Phân tích và Tư vấn đầu tư CTCK Agriseco
Nếu là quan điểm cho một vài tuần sau thì tôi cho rằng, thị trường tạm thời khá khó có thể hình thành nhịp tăng trở lại ngay lập tức.
Trong bối cảnh thị trường như vậy thì tất cả các dòng cổ phiếu rủi ro đều lấn át cơ hội. Nếu là "bắt đáy" thì nguyên nhân nhịp giảm mạnh trực tiếp từ nhóm VHM, VRE, VIC , VCB thì dẫn dắt nhịp hồi phục có thể xuất phát từ nhóm này.
Sự sụt giảm của thị trường trong những phiên vừa qua “bào mòn” tài khoản của nhiều nhà đầu tư đang nắm giữ cổ phiếu. Nhưng ở khía cạnh đầu tư, điều này có mở ra cơ hội cho các nhà đầu tư khác cơ cấu lại danh mục, lựa chọn và tích lũy cổ phiếu triển vọng từ nay đến cuối năm, và cụ thể là nên hướng đến nhóm cổ phiếu nào?
Ông Vũ Minh Đức, Trưởng phòng Cao cấp, Phòng Nghiên cứu và Phân tích, CTCK Bản Việt (VCSC)
Đối với các nhà đầu tư giá trị, việc thị trường giảm rõ ràng là cơ hội để tích luỹ thêm các cổ phiếu với mức giá "rẻ" hơn giá trị hợp lý. Danh mục theo dõi hiện tại của VCSC có khá nhiều cổ phiếu đang có tỷ lệ tăng giá kỳ vọng hấp dẫn, tính trên phương diện giá trị nội tại. Tuy nhiên, đối với các nhà đầu tư ngắn hạn thì tôi cho rằng nên chờ các tín hiệu tạo đáy của VN-Index xuất hiện rõ ràng hơn trong những phiên tới.
Ông Hoàng Thạch Lân, Trưởng phòng Phân tích khối khách hàng cá nhân CTCK Rồng Việt (VDSC)
Tất nhiên là vậy. Cổ phiếu giảm giá càng mạnh (không nói những mã tăng quá sốc và giờ “cân bằng” trở lại) thì sẽ càng kích thích lòng tham của nhà đầu tư. Ai cũng nhớ câu nói “…đi ngược đám đông…”. Tuy nhiên riêng tôi thì nghĩ rằng ở góc độ bắt đáy lướt sóng, thì hơi sớm.
Có 1 số mã nhìn biểu đồ thì rất hấp dẫn, kiểu như ACB, MSN, MWG, FRT… nhưng số lượng như vậy vẫn rất ít. Nếu đánh cược với những cổ phiếu như thế, vẫn chỉ nên bỏ ít tiền thăm dò. Bình quân giá cũng vậy, đừng mua với toàn bộ số tiền còn lại. Vấn đề của người bắt đáy không hẳn là kinh nghiệm nhiều biểu đồ, mà là rủi ro hệ thống.
Ông Hoàng Thạch Lân
Còn đối với nhà đầu tư giá trị, rõ ràng cổ phiếu giảm giá là cơ hội tích lũy, tất nhiên kỳ vọng cũng nên chuyển qua năm 2020 chứ 2019 thì chỉ còn 1 tháng nữa thôi (nhà đầu tư có kỳ vọng 1 tháng như thế thì nên tự hỏi mình có phải là đang muốn lướt hay không?).
Theo tôi, dù Việt Nam đang hừng hực khí thế 4 chấm, nhưng các ngành “truyền thống” trước mắt vẫn hấp dẫn nhất, như ngân hàng, thực phẩm và hàng tiêu dùng, hay công nghệ và viễn thông. Bất động sản dân dụng thường có thông lệ “quý tư đẹp nhất trong năm”, nhưng lúc này đang phải giải quyết khó khăn thiếu vốn, hơn nữa nhiều mã có tên tuổi cũng đâu có giảm giá mạnh trong 2 tuần qua đến mức phải tái cơ cấu.
Ông Nguyễn Thế Minh, Giám đốc Phân tích, Công ty Chứng khoán Yuanta
Nhóm cổ phiếu mà tôi cho rằng các nhà đầu tư có thể chú ý là nhóm ngân hàng, bán lẻ và nhiệt điện.
Ông Nguyễn Anh Khoa, Trưởng phòng Phân tích và Tư vấn đầu tư CTCK Agriseco
Theo tôi, trong tháng 12 nếu lựa chọn ngành có diễn biến tốt hơn thị trường thì nhà đầu tư có thể lựa chọn các cổ phiếu ngành ngân hàng hoặc bất động sản.
Ngành ngân hàng vẫn đang tăng trưởng tốt và là mục tiêu hàng đầu của dòng vốn ETF đang xu hướng chảy vào TTCK Việt Nam, trong khi đó ngành Bất động sản có thể chờ đợi câu chuyện hạch toán lợi nhuận quý IV ghi lợi nhuận đột biến.