Tuần qua, khối ngoại tăng bán ròng 50%
Theo thống kê của Công ty Chứng khoán MB (MBS), kể từ đầu năm cho đến ngày 17/4, khối ngoại bán ròng 11.996 tỷ đồng trên sàn HOSE, trong đó giao dịch thông qua khớp lệnh là 12.451 tỷ đồng.
Như vậy, khối ngoại bán ròng sang tuần thứ 12 liên tiếp, trong khi dòng vốn qua kênh ETF tiếp tục bị rút mạnh ở Quỹ VanEck.
Tính riêng tuần qua, tổng khối lượng bán ròng toàn thị trường chứng khoán Việt Nam (gồm 3 sàn giao dịch: HOSE, HNX và UPCoM) là gần 40 triệu cổ phiếu, tương ứng giá trị bán ròng hơn 1.300 tỷ đồng, tăng gần 50% so với tuần trước đó.
Trong đó, trên HOSE, khối ngoại bán ròng hơn 1.157 tỷ đồng, giảm 28% so với tuần trước đó.
Giá trị mua/bán ròng của khối ngoại so với đầu năm (đơn vị: tỷ đồng).
Ông Hoàng Thạch Lân, Trưởng phòng Phân tích khối khách hàng cá nhân, Công ty Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) cho rằng, chỉ số VN-Index ghi nhận diễn biến hồi phục từ đầu tháng 4 đến nay, nhưng khối ngoại vẫn chưa có phiên mua ròng nào trên HOSE là một điều đáng lo ngại.
Trong ngắn hạn, việc khối ngoại bán ròng có lẽ không khiến nhà đầu tư nội sợ hãi như từng xảy ra trong tháng 3, nhưng bất chấp những ý kiến lạc quan của nhiều chuyên gia ngành quỹ được trích dẫn, các quỹ ngoại vẫn chưa tăng lượng mua đáng kể.
Sang tháng 4, khối ngoại mua bình quân khoảng 400 - 550 tỷ đồng/phiên, dù khá ổn định nhưng chưa cho thấy dấu hiệu tăng mạnh và giá trị mua vào vẫn thấp hơn giá trị bán ra.
“Phải chăng, khối ngoại vẫn đang lo ngại về một đợt suy thoái kinh tế thế giới hậu Covid-19 như đang được trích dẫn trên các trang web tài chính quốc tế?”, ông Lân đặt dấu hỏi.
Giá trị mua/bán của khối ngoại thông qua khớp lệnh trên hose (đơn vị: tỷ đồng).
Diễn biến phức tạp của dịch Covid-19 khiến thị trường chứng khoán toàn cầu từ đầu năm tới nay có nhiều thời điểm lao dốc, điều này khiến các quỹ đầu tư nước ngoài gần như bắt buộc phải cắt giảm giá trị danh mục đầu tư để đảm bảo quản trị rủi ro.
Tình trạng này diễn ra trên nhiều thị trường quốc tế, không riêng gì tại Việt Nam.
Theo thống kê của Công ty Chứng khoán VNDIRECT, chỉ tính trong quý I/2020, giá trị dòng vốn ETF rút khỏi các thị trường mới nổi và cận biên tại khu vực Ðông Nam Á là 283 triệu USD, chiếm khoảng 3,7% tổng giá trị bán ròng của khối ngoại tại các thị trường này.
Trong đó, ước tính Quỹ ETF VN30 và 3 quỹ ETF ngoại gồm VNM ETF, FTSE VN ETF và Premia VN ETF đã rút ròng 47,4 triệu USD.
Trong quý đầu năm, chỉ số VN-Index giảm 31%, chỉ số VN30 giảm 30,5%, giá trị tài sản ròng mỗi chứng chỉ quỹ của các quỹ ETF ngoại tại Việt Nam giảm trung bình 29%, trong đó giá trị tài sản ròng của VNM ETF giảm mạnh nhất, với mức giảm 31,2%.
Nhìn vào giá trị bán ròng, mức bán ròng của khối ngoại tại Việt Nam ít hơn so với các thị trường mới nổi trong khu vực.
Cụ thể, trong quý I/2020, khối ngoại bán ròng 358 triệu USD tại thị trường chứng khoán Việt Nam, trong khi tại thị trường Philippines là 633 triệu USD, Thái Lan 3,589 tỷ USD, Malaysia 1,791 tỷ USD…
Xu hướng rút ròng của các nhà đầu tư nước ngoài là một trong những nguyên nhân chính khiến các thị trường mới nổi, trong đó có Việt Nam lao dốc mạnh trong quý đầu năm.
Từ đầu tháng 4 đến nay, thị trường có diễn biến phục hồi, nhưng khối ngoại vẫn có động thái bán ròng và dự báo có thể tiếp diễn trong thời gian tới.
Ðiều này khiến dòng tiền trên thị trường khó có thể tìm được sự cân bằng, ngay cả khi được bù đắp phần nào bởi một số nhà đầu tư mới tham gia gần đây. Chưa kể, việc khối ngoại liên tiếp bán ròng phần nào phản ánh sự quan ngại của họ với nền tảng cơ bản của danh mục đang nắm giữ.
Theo ông Nguyễn Hồng Khanh, Trưởng phòng Phân tích, Công ty Chứng khoán Quốc tế Việt Nam (VIS), ngoài các quỹ đầu tư dài hạn thì hiện tại trên thị trường hình thành nhiều quỹ ETF với mức độ co giãn dòng tiền rất lớn, tùy thuộc vào tình hình biến động thị trường thế giới.
Nhiều dòng tiền quỹ lớn đang chuyển hướng sang các rổ đầu tư trái phiếu doanh nghiệp để có độ an toàn cao hơn, vì vậy dẫn đến tình trạng khối ngoại rút ròng mạnh trong thời gian vừa qua, không chỉ ở Việt Nam, mà còn nhiều thị trường quốc tế khác.
Trong bối cảnh môi trường quốc tế biến động và tiềm ẩn nhiều rủi ro, sự phân hóa giữa dòng tiền ETF và khối nội là khó tránh khỏi.
Áp lực bán ròng ETF ở Việt Nam chịu sự ảnh hưởng mạnh từ xu hướng rút ròng chung ở các thị trường mới nổi do những lo ngại của nhà đầu tư toàn cầu về sự kéo dài của dịch bệnh Covid-19 có thể đẩy kinh tế thế giới rơi vào vòng xoáy suy thoái.
Nhưng Việt Nam có một điểm lợi thế, đó là dịch bệnh đang được các cơ quan chức năng kiểm soát tốt, kỳ vọng nhiều hoạt động kinh tế quay trở lại nhịp bình thường trong 2 - 3 tháng tới.
Khi giá cổ phiếu ở mức hấp dẫn, hoặc doanh nghiệp hoạt động hiệu quả, thì dòng tiền nước ngoài sẽ quay trở lại.
Hiện nay, dòng tiền trong nước đã ổn định hơn, hấp thụ hết lượng nước ngoài bán ra, do kỳ vọng phục hồi kinh tế đến sớm hơn.
Trong ngắn hạn, thị trường không có dấu hiệu đáng lo ngại, vì áp lực bán ra của khối ngoại trên HOSE giảm dần và một số dòng tiền mới đang tích lũy cổ phiếu.
“Một điểm có thể nhận thấy trong các giai đoạn khối ngoại bán ròng trong quá khứ là việc chỉ số VN-Index chỉ có thể tạo đáy và hồi phục bền vững khi xu hướng bán ròng của khối ngoại kết thúc, trừ khi có các động lực riêng (thông tin thoái vốn của SCIC, cổ phần hóa doanh nghiệp, nhóm cổ phiếu dầu khí hồi phục cùng xu hướng giá dầu…).
Ðối với giai đoạn bán ròng hiện tại, việc thiếu vắng những yếu tố hỗ trợ trong nước khiến áp lực bán ròng chỉ có thể suy giảm khi diễn biến dịch bệnh cho thấy những tín hiệu tích cực”, ông Trần Ðức Anh, Giám đốc chiến lược và vĩ mô, Công ty Chứng khoán KB (KBSV) nhận định.
Dòng tiền khối nội không nóng
Các nhà đầu tư trong nước mua ròng 1.850 tỷ đồng trong quý đầu năm. Với con số này, Công ty Chứng khoán Vietcombank (VCBS) cho rằng, dòng vốn nội mua ròng cổ phiếu không phải là dòng tiền nóng như thường thấy trước đây, mà mang tính đầu tư trung và dài hạn nhiều hơn.
Mặc dù cần thời gian để vực dậy nền kinh tế sau khi dịch Covid-19 kết thúc, nhưng VCBS vẫn tin tưởng vào triển vọng của khối doanh nghiệp Việt Nam.
Sự đình trệ đầu tư, sản xuất hiện tại chỉ mang tính gián đoạn tạm thời và đà phục hồi sẽ trở lại nhiều hơn. Do vậy, dòng tiền mang tính “nội lực” thực sự đang xuất hiện, sẽ giúp thị trường có diễn biến tích cực hơn trong nửa cuối năm.
Lực mua ròng trong nước được lý giải là sự kết hợp giữa dòng tiền mang tính trung/dài hạn với những kỳ vọng vào gói kích cầu kinh tế mạnh mẽ của Chính phủ và dòng tiền mang tính đầu cơ, bị thu hút bởi việc nhiều cổ phiếu đã lùi về những vùng hỗ trợ hấp dẫn.
Dù vậy, KBSV chưa đánh giá cao tính bền vững của dòng tiền trong nước khi nhóm đầu cơ có thể sớm rút lui, chốt lời những cổ phiếu tiếp cận vùng kháng cự ngắn hạn.
KBSV dự báo, thị trường sẽ tiếp tục trải qua các nhịp biến động mạnh trong quý II, tương tự như cuối quý I, trong bối cảnh dòng tiền trong nước và quốc tế vận động nhanh, đi kèm với sự đan xen của tâm lý tham lam và sợ hãi của nhà đầu tư nhằm phản ánh các thông tin trái chiều.
Các yếu tố chính tạo điểm tựa cho thị trường là sự kỳ vọng Chính phủ đẩy mạnh đầu tư công; các gói kích thích kinh tế của các ngân hàng trung ương trên thế giới; hiệu quả từ các gói hỗ trợ thuế cho doanh nghiệp của Chính phủ, các biện pháp hỗ trợ giảm lãi suất của Ngân hàng Nha nước.
Thực tế, nhà đầu tư nước ngoài luôn đóng vai trò ổn định thị trường ở những nhịp biến động giảm mạnh. Nhưng trong thời gian gần đây, khối nội đóng vai trò quan trọng trong việc nâng đỡ thị trường, đặc biệt, dòng tiền mới từ việc tài khoản mở tăng kỷ lục trong tháng 3.
Ðây là dấu hiệu cho thấy, nhiều nhà đầu tư trong nước không chỉ chạy theo xu hướng tăng nóng, mà còn lựa chọn các cơ hội đầu tư khi thị trường giảm mạnh.
Nếu như trước đây, dòng tiền nhà đầu tư trong nước chưa được đánh giá cao ở tính bền vững và kỷ luật đầu tư, thì đây có thể là giai đoạn chứng minh niềm tin của nhà đầu tư trong nước với thị trường.