Tại Đại hội đồng cổ đông được tổ chức mới đây, Công ty cổ phần Quốc tế Sơn Hà thông báo đến các cổ đông rằng, vẫn tập trung vào mở rộng chuỗi siêu thị Hiway Supercenter tại thị trường phía Bắc. Trong khi trước đó, năm 2013, HĐQT Công ty có báo cáo sẽ thoái vốn tại Công ty cổ phần Hiway Việt Nam mà Sơn Hà và một số đối tác ngoại đầu tư với tổng vốn ban đầu 40 triệu USD (Sơn Hà nắm 75,8% cổ phần).
Lý giải việc chưa thoái vốn, ông Lê Vĩnh Sơn, Chủ tịch HĐQT Sơn Hà cho rằng, đầu tư vào bán lẻ thường mất 4 năm mới hiệu quả và thời điểm này, dù dấu hiệu kinh tế vĩ mô có vẻ tốt hơn, nhưng nhu cầu tiêu dùng vẫn tăng trưởng chậm, hiệu quả hoạt động của siêu thị chưa thể hiện. Trước đó, Công ty dự định bán cổ phần cho đối tác ngoại, nhưng có điều khoản Công ty có quyền mua lại chính phần vốn này, nên mảng bán lẻ vẫn nằm trong chiến lược mở rộng kinh doanh của Sơn Hà.
Tuy nhiên, ông Nguyễn Bảo Lộc, Phó tổng giám đốc điều hành Hiway Supercenter cho hay, về lâu dài, Sơn Hà sẽ tính đến phương án liên kết với nước ngoài để phát triển lớn mạnh hơn. Song trong thời gian trước mắt, nhà bán lẻ này muốn tự đứng trên đôi chân của mình cho đến khi thấy cần thiết phải liên doanh để bước tiếp và mở rộng thị trường.
Hiện Hiway đã mở 2 siêu thị tại Hà Nội là Hiway Hà Đông, Hiway Ngọc Khánh và đang chuẩn bị mở tiếp siêu thị thứ 3 tại huyện Từ Liêm, với quy mô tương đương Big C Thăng Long. Dự kiến trong 5 năm, Hiway Việt Nam sẽ phát triển thêm 10 siêu thị trên địa bàn Hà Nội.
Theo các cổ đông, Hiway Ngọc Khánh hoạt động khá hiệu quả và Công ty nên cân nhắc mở rộng chuỗi siêu thị Hiway trong khu phố cổ, vì các địa điểm này đang thiếu các siêu thị như Hiway.
Về vấn đề này, ông Lộc cho rằng, chiến lược của Hiway cũng chỉ muốn tập trung vào nội thành. Song nếu bám vào chiến lược này, Hiway sẽ không lường trước được khó khăn về mặt bằng, khiến tốc độ mở điểm mới bị chậm lại. Được sự hỗ trợ rất tốt về vốn từ Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV), Hiway không vì thế mà nóng vội mở điểm bán, song cũng không thể để chậm quá so với dự kiến.
Trong khi đó, các cổ đông của Công ty cổ phần Tập đoàn Đại Dương (Ocean Group) đặt nhiều kỳ vọng vào việc hoạch định chiến lược trong các hoạt động đầu tư, sản xuất, kinh doanh của lãnh đạo Công ty. Trong đó, mảng bất động sản và bán lẻ được quan tâm nhất.
Năm 2012, Ocean Group đã thâm nhập thị trường bán lẻ thông qua việc mở chuỗi siêu thị Ocean Mart do Công ty cổ phần Bán lẻ và Quản lý bất động sản Đại Dương (Ocean Retail) quản lý. Trong năm 2013, Ocean Retail đạt doanh thu 1.100 tỷ đồng và lãi gần 10 tỷ đồng. Tuy nhiên, lợi nhuận lại không đến từ mảng siêu thị.
Ông Hà Văn Thắm, Chủ tịch Ocean Group thẳng thắn thừa nhận, hệ thống Ocean Mart vẫn yếu hơn về quản trị, do chưa có nhiều kinh nghiệm, nhưng có lợi thế lớn nhờ tọa lạc tại nhiều vị trí đắc địa. Đó là lý do để chú lính mới này tiếp tục tuyên bố mở rộng chuỗi các siêu thị Ocean Mart trên toàn quốc.
Dự kiến đến năm 2015, Ocean Group sẽ phát triển mạng lưới 70 - 80 siêu thị và trung tâm thương mại trên toàn quốc, trở thành một trong những thương hiệu có chuỗi siêu thị bán lẻ lớn nhất tại thị trường Việt Nam. Hiện Ocean Retail đã sở hữu 8 siêu thị Ocean Mart. Bên cạnh các siêu thị, hệ thống bán lẻ của Ocean còn mở rộng mô hình kinh doanh và đưa vào vận hành chuỗi siêu thị tiện ích tại các khu dân cư sầm uất, chung cư trung và cao cấp.
Như vậy, dù bán lẻ không phải là lĩnh vực kinh doanh chính ngay từ đầu, nhưng với những lợi thế khác nhau, các doanh nghiệp mới gia nhập thị trường đang từng bước khẳng định vị thế của mình. Không biết chiến lược đầu tư mở nhanh điểm bán có tỷ lệ thuận với lợi ích được kỳ vọng hay không, nhưng hiện các cổ đông vẫn tin tưởng vào con đường mà HĐQT đưa ra.