MWG và FPT chính thức vào cuộc
Ngày 18/12/2017, CTCP Đầu tư Thế Giới Di Động (MWG) chính thức mở cửa hàng thuốc tây đầu tiên có tên gọi An Khang. Sự kiện đặt dấu mốc cho một ngã rẽ mới của MWG khi lấn sân sang lĩnh vực bán lẻ dược phẩm.
MWG đã mua lại chuỗi hệ thống phân phối của Phúc An Khang và đưa dược phẩm trở thành một phần trong hệ sinh thái kinh doanh của mình gồm điện máy, điện thoại, bán lẻ và dược phẩm.
Dược phẩm là một lĩnh vực khá đặc thù và MWG hoàn toàn là “tay ngang” trên thị trường này, nên khi Chủ tịch HĐQT MWG Nguyễn Đức Tài quyết định rót vốn đầu tư, có nhiều ánh mắt hoài nghi đổ dồn về phía ông. Người ta nghi ngờ vào tính khả thi và thành công của MWG ở một lĩnh vực vốn không phải là sở trường này.
Trả lời câu hỏi “MWG đang toan tính điều gì? Liệu MWG có mở ra một cuộc đua mới trên thị trường bán lẻ dược phẩm trong năm nay?”, ông Tài cười nói: “Thời điểm này chúng tôi đang là người học việc nên mọi chia sẻ đều quá sớm. Hiện chúng tôi đang mày mò bước vào thị trường, mà dược phẩm là một thị trường rất đặc thù nên cần phải cẩn trọng trong từng bước đi”.
Dù vậy, Chủ tịch MWG cũng cho biết, Công ty dự tính mở 50-100 cửa hàng trong năm 2018.
Chia sẻ về rủi ro thị trường, ông Tài lạc quan nhìn nhận: “Rủi ro là rất thấp bởi quy mô các cửa hàng thuốc quá nhỏ so với khả năng MWG. Nếu thất bại thì cũng không ảnh hưởng đến bức tranh chung của toàn Công ty. Hơn nữa, hiện chúng tôi đang có đội ngũ nhân sự tốt gồm các dược sỹ có trình độ, đây là nền tảng để MWG phát triển”.
Không chỉ có MWG, thị trường bán lẻ dược phẩm đang chứng kiến sự tham gia của một “đại gia” bán lẻ khác là FPT
Retail. Công ty này đã đầu tư vào chuỗi nhà thuốc Long Châu và bắt đầu kinh doanh dược phẩm từ đầu năm 2018.
Trước đó, giữa tháng 8/2017, CTCP Thế giới số - Digiworld (DWG) đã bắt tay với Vinamedic phân phối dược phẩm chức năng. Sản phẩm mà Digiworld phân phối là Kingsmen.
Miếng bánh 5 tỷ USD có dễ xơi?
Theo khảo sát của IBM, năm 2017, quy mô thị trường bán lẻ dược phẩm của Việt Nam đạt giá trị 4,7 tỷ USD. Dự báo đến năm 2021, con số này đạt 7,7 tỷ USD và tăng lên 16,1 tỷ USD vào năm 2026, tương ứng tốc độ tăng trưởng 11%/năm. Cũng theo IBM, mức chi tiêu của người Việt cho việc mua thuốc sẽ tăng từ 56 USD/người năm 2017 lên 85 USD/người vào năm 2020.
Nhận ra tiềm năng của thị trường này, nhiều tên tuổi bán lẻ dược phẩm đã nhanh chân đầu tư và gây dựng được tên tuổi như Phano, Pharmacity, Sapharco, Vistar…
Tuy nhiên, trong một báo cáo về ngành dược, Công ty Chứng khoán FPT (FPTS) cho rằng, thiếu nhà phân phối và nhà cung ứng là hai điểm yếu nổi bật của các nhà bán lẻ dược phẩm truyền thống. Theo FPTS, đây là hai mắt xích quan trọng để mở rộng được thị phần.
Đánh giá về bức tranh thị trường bán lẻ dược phẩm năm 2018, ông Phan Văn Hiệu, Chủ tịch HĐQT CTCP Dược mỹ phẩm CVI cho rằng, đây vẫn là giai đoạn dò đường, tìm hướng đi và cách tiếp cận thị trường của các nhà bán lẻ dược phẩm. Bởi vậy, thị phần của năm 2018 vẫn sẽ thuộc về các nhà thuốc truyền thống.
“Tôi cho rằng, thị trường bán lẻ dược phẩm không phải là miếng bánh dễ xơi đối với những nhà đầu tư hệ thống, ngay cả với các ông lớn như MWG hay FPT. Thị trường dược phẩm có rất nhiều rào cản và khác biệt với các thị trường khác”, ông Hiệu nhấn mạnh.
Thực tế, thị trường đã chứng kiến sự thất bại của nhiều doanh nghiệp khi tham gia mở hệ thống chuỗi bán lẻ dược phẩm. Ông Mai Hải Ninh, nhà sáng lập và điều hành hệ thống nhà thuốc thuocvasuckhoe.com cho biết, giai đoạn 2003-2004, trên thị trường bán lẻ dược phẩm Hà Nội chứng kiến sự ra đời của nhiều chuỗi bán lẻ như chuỗi nhà thuốc 3T, hệ thống phân phối dược phẩm DCS..., nhưng đều phải đóng cửa hoặc thu hẹp hệ thống không lâu sau đó.
“Thiếu tài chính, thiếu nền quản trị tốt và đặc biệt chưa am hiểu rõ nhu cầu của thị trường là những nguyên nhân khiến nhiều chuỗi bán lẻ dược phẩm bị thất bại”, ông Ninh phân tích.
Theo ông Ninh, rủi ro lớn nhất đối với các nhà bán lẻ dược phẩm là thiếu kiến thức chuyên môn về dược.
“Các doanh nghiệp bán lẻ nhảy vào thị trường này có thể có tiềm lực tài chính mạnh, hệ thống quản lý tốt, áp dụng công nghệ hiện đại, nhưng lại thiếu trình độ chuyên môn. Đây là những bất lợi dễ dẫn đến rủi ro. Ngành dược là một ngành đặc thù, nên từ người quản lý đến người bán hàng cần phải có kiến thức vững vàng. Bên cạnh đó, đào tạo nhân viên bán hàng trong lĩnh vực dược không dễ như điện máy. Cần từ 2-3 năm mới có thể có được đội ngũ nhân sự cứng tay”, ông Ninh nói.
Ngoài các yếu tố trên, ông Ninh chia sẻ thêm, để có thể phát triển, các nhà bán lẻ dược phẩm cũng cần nắm rõ thói quen mua hàng của người dân.
“Hiện nay, nhiều khách hàng có thói quen đến cửa hàng kể bệnh, nhờ dược sỹ tư vấn và mua thuốc. Theo thói quen này thì các nhà thuốc nằm trong ngõ gần khu dân cư sẽ có lợi thế hơn các chuỗi hệ thống bán lẻ. Bên cạnh đó, thuốc chưa phải là sản phẩm được bán trực tuyến, nên các hệ thống chuỗi cửa hàng hiện đại chưa chắc đã hút khách so với mô hình cửa hàng thuốc truyền thống”, ông Ninh đánh giá.
Nhìn về dài hạn
Mặc dù trước mắt còn nhiều khó khăn, nhưng giới quan sát cho rằng, thị trường bán lẻ dược phẩm sẽ có sự biến chuyển lớn nếu các đại gia bán lẻ thực sự tâm huyết, có đầu tư bài bản, có chiến lược rõ ràng và xác định đi đường dài.
Đánh giá bức tranh tương lai của thị trường bán lẻ dược phẩm, Chủ tịch CVI Phan Văn Hiệu cho rằng, nếu quyết tâm đầu tư và có chiến lược dài hạn, thị trường phân phối dược phẩm sẽ thay đổi.
“Có lẽ sau tối thiểu 3 nữa, bức tranh về thị trường bán lẻ mới có sự thay đổi căn bản và được vẽ lại một cách rõ nét hơn”, ông Hiệu nhìn nhận.
Tương tự, trong lần chia sẻ với báo giới mới đây, ông chủ của Thế Giới Di Động cũng xác định sẽ đi đường dài với dược phẩm và yếu tố được đầu tư nhiều nhất là con người.
Việc tham gia của các đại gia bán lẻ có tiềm lực tài chính mạnh và nền tảng công nghệ công nghệ hiện đại, có kinh nghiệm quản lý và phát triển hệ thống đang tạo ra cú huých lớn cho thị trường phân phối dược phẩm, nhưng để thay đổi và phát triển, vẫn cần nhiều thời gian. Theo chia sẻ của các doanh nghiệp, tầm nhìn hướng đến là từ 5-10 năm tới, khi quy mô thị trường ngày một lớn hơn.
“Mặc dù đã có không ít doanh nghiệp tham gia phân phối dược phẩm, nhưng thị trường hiện vẫn chưa có chuỗi cửa hàng nào chiếm lĩnh đến 20% thị phần. Điều này đồng nghĩa với việc ‘ngôi vương’ còn để ngỏ. Và đó là mục tiêu mà MWG hướng đến trong thời gian tới”, ông Nguyễn Đức Tài nói.
"Trong thị trường bán lẻ dược phẩm, doanh nghiệp nào chuyên môn hóa tốt hơn, độ tập trung cao hơn sẽ giành thắng lợi"
Bà Đào Thúy Hà, Giám đốc Marketing, CTCP Dược phẩm Traphaco
Từ khi ra đời, Traphaco đã chú trọng thiết lập hệ thống phân phối sản phẩm, đây cũng là thế mạnh của Traphaco. Khi hệ thống đủ mạnh, chúng tôi tiếp tục chuẩn hóa để mở rộng thị trường. Hiện Traphaco có 24 chi nhánh và 40 đại lý trên toàn quốc. Cách làm và mô hình của Traphaco khác với nhiều đơn vị khác.
Với mô hình mà MWG và FPT đang áp dụng để bước vào thị trường dược phẩm, theo tôi hiểu đó là mô hình kết nối hệ thống giữa nhà phân phối, nhà cung ứng và người tiêu dùng. Đây cũng là mô hình nhiều tiềm năng. Trong thị trường bán lẻ dược phẩm, doanh nghiệp nào chuyên môn hóa tốt hơn, độ tập trung cao hơn sẽ giành thắng lợi.
Nếu các doanh nghiệp dược phẩm như Traphaco có kinh nghiệm và lợi thế là các mối quan hệ trong ngành dược, thì các đơn vị như MWG, FPT hay DWG lại có kinh nghiệm trong bán hàng và phân phối. Phát huy được các thế mạnh và chuẩn hóa các nội dung sẽ giúp doanh nghiệp làm tốt hơn trong hoạt động bán lẻ dược phẩm.