Không phù hợp với các Nghị quyết và sẽ gây nhiều phiền hà, rắc rối
Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam đã đề xuất Ủy ban Thường vụ Quốc hội không tách một số nội dung trong Luật giao thông đường bộ (GTĐB) sang Luật bảo đảm trật tự ATGT đường bộ và giữ ổn định việc đào tạo lái xe như hiện nay.
Cụ thể trong văn bản gửi đến Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam cho rằng trong quản lý hoạt động GTVT nói chung và GTĐB nói riêng, 2 mục tiêu đảm bảo hiệu quả và an toàn luôn luôn được đặt ra có mối quan hệ chặt chẽ với nhau. Nếu tách ra thành 2 luật sẽ thiếu sự đồng bộ, nhất quán, hài hòa khi xây dựng và ban hành các văn bản dưới luật.
"Luật GTĐB là một trong các luật chuyên ngành GTVT, nếu tách Luật GTĐB thành 2 luật thì có cần tách các luật khác như Luật đường thủy nội địa, Luật đường sắt... thành 2 luật không?", Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam đặt câu hỏi trong bản kiến nghị.
Về nhiệm vụ quản lý đào tạo, sát hạch cấp giấy phép lái xe, quan điểm của hiệp hội là giữ ổn định nhiệm vụ quản lý đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe dân sự do Bộ GTVT thực hiện như hiện nay.
Theo hiệp hội, Luật GTĐB năm 2008 đã phân định rõ trách nhiệm quản lý đào tạo, sát hạch cấp giấy phép lái xe dân sự do Bộ GTVT quản lý; trách nhiệm đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe cho lực lượng quân đội do Bộ Quốc phòng quản lý; trách nhiệm đào tạo, sát hạch lái xe cho lực lượng công an do Bộ Công an quản lý.
Dự thảo Luật bảo đảm trật tự ATGT chuyển hoạt động quản lý đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe là hoạt động quản lý nhà nước trong lĩnh vực dân sự sang Bộ Công an quản lý là không phù hợp nghị quyết số 17-NQ/TW ngày 1/8/2007 Hội nghị lần thứ năm Ban Chấp hành Trung ương khóa X về đẩy mạnh cải cách hành chính, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý của bộ máy nhà nước.
Về nhiệm vụ quản lý đào tạo, sát hạch cấp giấy phép lái xe, quan điểm của hiệp hội là giữ ổn định nhiệm vụ quản lý đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe dân sự do Bộ GTVT thực hiện như hiện nay. |
Nghị quyết nêu rõ: "Một số nhiệm vụ thuộc Bộ Quốc phòng, Bộ Công an có đủ điều kiện dân sự hóa thì chuyển cho các bộ không thuộc lĩnh vực quốc phòng, an ninh quản lý nhằm tập trung hơn nhiệm vụ xây dựng quân đội, công an cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại".
Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam cũng cho rằng nguyên tắc chế định trong pháp luật nước ta là cơ quan tổ chức thực thi và cơ quan kiểm tra, giám sát, xử lý vi phạm phải độc lập với nhau. Với mô hình hiện nay, ngành giao thông vận tải quản lý đào tạo lái xe, ngành công an kiểm tra, giám sát.
“Nếu có trường hợp sai phạm, tiêu cực thì công an xử lý. Như vậy đảm bảo nguyên tắc việc giám sát giữa các ngành, tránh hiện tượng "vừa đá bóng vừa thổi còi" dễ phát sinh tiêu cực”, văn bản của Hiệp hội phân tích.
"Trong trường hợp ngành công an quản lý công tác này thì cơ quan nào có chức năng kiểm tra, giám sát việc đào tạo sát hạch cấp giấy phép lái xe?", Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam lại đặt câu hỏi.
Ngoài ra, Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam cũng cho rằng, việc chuyển giao thẩm quyền cấp giấy phép lái xe cho lực lượng vũ trang sẽ tạo ra những khó khăn khi công nhận và đổi giấy phép lái xe giữa các nước. Bởi vì hầu hết việc cấp giấy phép lái xe tại các quốc gia khác do các cơ quan dân sự thực hiện…
Vì sao kiến nghị tách thành 2 luật?
Trong tờ trình dự thảo, Bộ Công an thay mặt Chính phủ báo cáo cho rằng, Luật GTĐB năm 2008 đồng thời điều chỉnh hai lĩnh vực khác nhau là trật tự, an toàn giao thông đường bộ (thuộc lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội) và xây dựng, phát triển kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ, vận tải đường bộ (thuộc lĩnh vực kinh tế - kỹ thuật).
Đây là hai lĩnh vực rất lớn và khác nhau nhưng lại được điều chỉnh trong cùng một đạo luật dẫn đến không thể quy định đầy đủ, cụ thể, rõ ràng nhiều nội dung quan trọng thuộc cả hai lĩnh vực.
Chẳng hạn, luật hiện hành thiếu quy định phải dừng lại quan sát trước khi nhập từ đường nhánh vào đường chính, sử dụng làn đường, chuyển hướng, vượt, thiếu chú ý quan sát, sử dụng đèn tín hiệu, mở cửa xe...dẫn đến khó khăn về nhận thức, thực hiện và áp dụng pháp luật.
Chưa có các chính sách cụ thể để phát triển phương tiện giao thông công cộng và hạn chế phương tiện giao thông cá nhân; chưa gắn trách nhiệm của chủ phương tiện đối với việc đảm bảo an toàn kỹ thuật của phương tiện giữa 2 kỳ kiểm định dẫn đến khó khăn trong công tác quản lý...
Mặt khác, về lĩnh vực bảo đảm an ninh, trật tự, phương tiện tham gia giao thông luôn gắn liền với người điều khiển, trong đó phương tiện giao thông cơ giới đường bộ được pháp luật xác định là nguồn nguy hiểm cao độ vì tiềm ẩn nguy cơ dẫn đến tai nạn giao thông và cũng là phương tiện mà tội phạm thường lợi dụng tiến hành các hành vi phạm tội như khủng bố, biểu tình, gây rối, giết người, vận chuyển ma túy, hàng cấm, hàng lậu, cướp giật...
Các quy định về sát hạch cấp giấy phép lái xe không được quy định trong luật mà quy định trong thông tư của bộ quản lý chuyên ngành, thực tiễn triển khai thực hiện việc cấp, quản lý giấy phép lái xe còn sơ hở, bất cập.
Cần siết chặt công tác đào tạo, sát hạch, cấp GPLX , không nên gây xáo trộn. |
Công an đã phát hiện nhiều trường hợp lái xe sử dụng chất ma túy, lái xe không biết chữ, có trường hợp mắc bệnh tâm thần vẫn được cấp giấy phép lái xe, có trường hợp đang trong thời gian chấp hành án vẫn được đổi giấy phép lái xe... Việc quản lý giấy phép lái xe chưa gắn với quản lý vi phạm của người tham gia giao thông.
Theo thống kê, nguyên nhân gây tai nạn giao thông đường bộ do lỗi vi phạm của người tham gia giao thông chiếm trên 90% số vụ. Trong nhiều vụ tai nạn giao thông, trách nhiệm chủ yếu thuộc về người lái xe gây tai nạn mà chưa gắn trách nhiệm của các cơ quan đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe.
Luật có quy định về các hành vi bị nghiêm cấm, các quy định phải chấp hành nhưng thiếu các biện pháp cưỡng chế hiệu quả, gồm các biện pháp phòng ngừa và ngăn chặn vi phạm...
Đa số đại biểu Quốc hội không tán thành vì cho rằng, chồng chéo, lãng phí
Nhiều đại biểu băn khoăn về cơ sở chính trị, pháp lý và thực tiễn của việc tách thành 2 luật.
Đại biểu Đỗ Văn Sinh, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Trị, Ủy viên thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cho rằng việc tách thành 2 luật là “không ổn”.
Đại biểu Đỗ Văn Sinh, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Trị, Ủy viên thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cho rằng việc tách thành 2 luật là “không ổn”. |
“Nó giống như ta chữa lợn lành thành lợn què. Con lợn có 4 chân, giờ phải xẻ thành 2 con lợn mỗi con có 2 chân thì nó không còn là lợn nữa”, ông Sinh ví von.
Ông Sinh phân tích, hiện có 5 lĩnh vực giao thông, gồm: giao thông thủy, hàng hải, hàng không, đường sắt và giao thông bộ, giờ Chính phủ đề nghị tách Luật GTĐB thì sau này có tách 4 luật kia hay không? Hay cùng cách lập luận như vậy, chúng ta có tách luật Khám chữa bệnh thành 2 hay không vì luật này cũng bao gồm cơ sở vật chất và con người?
“Rõ ràng câu chuyện nó đang liên kết với nhau thế này tự nhiên chúng ta xẻ nó ra. Trong khi chúng ta đang rất cần sự liên kết, liên thông, đảm bảo tính đồng bộ logic”, ông Sinh nói và nhấn mạnh tách như vậy “không ổn tí nào” và ông không đồng tình.
Chủ nhiệm Văn phòng Chủ tịch nước Đào Việt Trung (đại biểu Quốc hội tỉnh Nam Định) cho rằng, nếu chưa thống nhất về mặt quan điểm mà thảo luận để thống nhất và quyết định sẽ gây mất thời gian. Do đó, ông cho rằng khi chưa có quyết định cuối cùng của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Quốc hội nên có hình thức lấy ý kiến của các đại biểu về việc có đồng ý hay không tách 2 dự thảo luật như hiện nay, sau đó mới bàn nội dung.
Đại biểu Bùi Văn Xuyền cho rằng, qua phiên thảo luận tổ thì thấy vẫn còn nhiều ý kiến không đồng tình việc tách 2 luật này, cá nhân ông cũng không đồng ý việc tách luật này. Bởi khi tách, nó sẽ mất tính thống nhất và đồng bộ. |
Đại biểu Bùi Văn Xuyền, Ủy viên thường trực Ủy ban Pháp luật Quốc hội cho rằng, qua phiên thảo luận tổ thì thấy vẫn còn nhiều ý kiến không đồng tình việc tách 2 luật này, cá nhân ông cũng không đồng ý việc tách luật này. Bởi khi tách, nó sẽ mất tính thống nhất và đồng bộ.
Theo đại biểu Xuyền, hiện tại có những ý kiến đề nghị Quốc hội biểu quyết trước có nên tách hay không tách 2 luật này sau mới bàn.
“Việc bây giờ đưa ra biểu quyết như vậy cũng rất khó. Về trình tự thủ tục xây dựng luật thì đã được Chính phủ đưa ra và Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng đồng tình đưa vào chương trình làm việc của kỳ họp Quốc hội này”, đại biểu Xuyền nói và nhấn mạnh, việc đồng ý tách hay không tách phụ thuộc vào các đại biểu Quốc hội vì vậy việc đưa ra trước hay sau thì cũng phải có sự đồng ý của các đại biểu.
Đại biểu Bùi Văn Xuyền cho biết, nếu trong thảo luận, đa số các đại biểu Quốc hội không đồng ý tách 2 luật mà thống nhất chỉ sửa đổi Luật GTĐB thì Chính phủ phải rút lại, chỉ tập trung vào sửa đổi Luật GTĐB.
Đồng tình, đại biểu Sóc Trăng Nguyễn Đức Kiên (tổ trưởng Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng) cho rằng sau phiên thảo luận này cần có kiến nghị với Ủy ban Thường vụ Quốc hội để lấy ý kiến của đại biểu. Trước hết cần làm rõ là có nên tách Luật GTĐB thành 2 luật hay không, sau đó mới bàn tiếp là các luật làm bao nhiêu chương, bao nhiêu điều.