Băn khoăn cơ chế “hậu kiểm”

Băn khoăn cơ chế “hậu kiểm”

(ĐTCK) Cơ chế “hoàn trước kiểm sau” và tỷ lệ tiền phạt khi xử lý chậm nộp là hai vấn đề nhận được nhiều ý kiến đóng góp nhất của các đại biểu Quốc hội tại phiên thảo luận Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quản lý thuế ngày 25/10.

Băn khoăn cơ chế “hậu kiểm” ảnh 1Thời gian 6 ngày để cơ quan quản lý thuế phải quyết định hoàn thuế được cho là quá ngắn

 

Thế nào là “chấp hành tốt”?

Đây là băn khoăn của đại biểu Thân Đức Nam (Đà Nẵng) khi góp ý vào Điều 60 của Dự thảo luật. Với quy định “Hồ sơ thuộc diện hoàn thuế trước, kiểm tra sau là hồ sơ của người nộp thuế có quá trình chấp hành tốt pháp luật về thuế và các giao dịch được thanh toán qua ngân hàng thương mại hoặc tổ chức tín dụng khác”, ông Nam cho rằng, như vậy là “chưa rõ ràng”. Đặc biệt, theo ông Nam, quy định như vậy cũng gây thiệt thòi cho các DN mới thành lập, bởi dù có đủ điều kiện để được hưởng “hoàn trước, kiểm sau” thì cũng không ai xác nhận rằng DN đó đã “chấp hành tốt”. Theo ông Nam, Dự thảo Luật cần giao cho Chính phủ quy định rõ những điều kiện để DN được coi là “chấp hành tốt” pháp luật về thuế.

Đồng tình với kiến nghị trên, đại biểu Vũ Xuân Trường ( Nam Định) còn góp ý vào một quy định khác tại Điều 60, đó là thời gian ra quyết định hoàn thuế. Theo quy định tại khoản 2, Điều 60 Dự thảo Luật: “Đối với hồ sơ thuộc diện hoàn thuế trước, kiểm tra sau thì chậm nhất là 6 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được đủ hồ sơ hoàn thuế, cơ quan quản lý thuế phải quyết định hoàn thuế theo đề nghị của người nộp thuế hoặc thông báo về việc chuyển hồ sơ sang diện kiểm tra trước, hoàn thuế sau hoặc thông báo lý do không hoàn thuế”. Ông Trường cho rằng, quy định thời gian như vậy là quá ngắn, trong khi cơ quan thuế phải tiếp nhận lượng hồ sơ rất nhiều nên không thể hoàn thành theo thời hạn này. Ủng hộ quan điểm cần thêm thời gian cho cơ quan quản lý thuế xử lý, đại biểu Nguyễn Văn Bình (Hải Phòng) kiến nghị cần thay đổi quy định từ 6 ngày lên 10 ngày là phù hợp.

Đặc biệt, đã có những ý kiến trái chiều về quy định “việc kiểm tra sau hoàn thuế được thực hiện theo nguyên tắc quản lý rủi ro; thời hạn kiểm tra là không quá 10 năm, kể từ ngày có quyết định hoàn thuế”. Trong khi đại biểu Đỗ Thị Thu Hằng (Đồng Nai) cho rằng, việc “hậu kiểm” cho phép kéo dài đến 10 năm là quá lâu, trong thời gian đó DN có thể đã phá sản, giải thể hoặc bỏ trốn dẫn đến thất thu thuế cho Nhà nước, thì đại biểu Nguyễn Thị Phúc (Bình Thuận) lại cho rằng, “Dự thảo quy định như vậy là phù hợp”. Bà Phúc lý giải, với số lượng hồ sơ hoàn thuế rất lớn, việc quy định thời hạn kiểm tra sau hoàn thuế quá ngắn (1 năm hoặc 6 tháng đối với tất cả các trường hợp hoàn trước, kiểm sau) sẽ khó bảo đảm tính khả thi và vi phạm nguyên tắc kiểm tra tại trụ sở DN không quá 1 lần/năm.

 

Tỷ lệ nào cho xử phạt chậm nộp, khai sai?

Quy định xử lý đối với việc chậm nộp tiền thuế (Điều 106) cũng nhận được nhiều ý kiến khác nhau. Theo Dự thảo Luật, “Người nộp thuế chậm nộp tiền thuế so với thời hạn quy định, thời hạn gia hạn nộp thuế, thời hạn ghi trong thông báo của cơ quan quản lý thuế, thời hạn trong quyết định xử lý của cơ quan quản lý thuế thì phải nộp đủ tiền thuế và tiền chậm nộp theo mức luỹ tiến: 0,05%/ngày tính trên số tiền thuế chậm nộp đối với số ngày chậm nộp không quá 90 ngày, 0,07%/ngày tính trên số tiền thuế chậm nộp đối với số ngày chậm nộp vượt quá thời hạn 90 ngày”.

Đại biểu Nguyễn Văn Bình (Hải Phòng) cho rằng, mức phạt 0,07% là quá cao, đề nghị giữ như quy định hiện hành (0,05%), bởi nếu thực hiện theo tỷ lệ xử phạt mới thì mức phạt chậm nộp một năm sẽ lên tới 25% và DN sẽ không chịu đựng nổi. Ngoài ra, đại biểu Bình còn đề nghị, không nên quy định tỷ lệ “cứng” vào trong Luật, mà nên giao cho Chính phủ căn cứ vào tình hình thực tế của từng thời điểm để quy định cho phù hợp.

Tuy nhiên, đại biểu Nguyễn Cao Phúc (Quảng Ngãi) lại cho rằng, nếu giữ nguyên mức phạt chậm nộp là 0,05% là “không đủ sức răn đe”. Theo ông Phúc, một trong những mục tiêu quan trọng của việc sửa đổi Luật Quản lý thuế là nhằm tăng cường quản lý, khắc phục tình trạng thất thu. Thực tế cho thấy, mức xử phạt 0,05%/ngày (không phân biệt thời hạn chậm nộp) như quy định hiện hành là quá thấp, dẫn đến tình trạng người nộp thuế cố tình chây ỳ nhằm chiếm dụng tiền thuế, gây thất thu cho ngân sách nhà nước. Vì vậy, ông Phúc ủng hộ thực hiện theo quy định của Dự thảo Luật.

Một vấn đề cũng rất “nóng” mà đại biểu Phúc kiến nghị là việc khai sai của DN sẽ bị tăng mức xử phạt cao hơn quy định của Dự thảo Luật. Cụ thể, có thể tăng gấp 2 - 3 lần đối với hành vi cố ý khai sai để trục lợi và bị cơ quan quản lý thuế phát hiện. Trong trường hợp DN tự phát hiện sai sót và khai bổ sung thì mức phạt đối với hành vi khai sai là 10%.

Tuy nhiên, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính và Ngân sách của Quốc hội Phùng Quốc Hiển lý giải, việc tăng mức xử phạt vẫn phải bảo đảm tính hợp lý, khả thi, phù hợp với khả năng của người nộp thuế. Nếu quy định mức xử phạt quá cao, vượt quá khả năng của người nộp thuế có thể sẽ dẫn đến hành vi tiêu cực như bỏ trốn nhằm trốn tránh nghĩa vụ hoặc thông đồng giữa cán bộ thuế và người nộp thuế, dẫn đến tình trạng nợ đọng thuế tăng cao, gây thất thu ngân sách nhà nước. Vì vậy, xin cho giữ mức xử phạt như quy định của Dự thảo Luật là 10% nếu DN tự phát hiện và 20% nếu cơ quan quản lý thuế phát hiện.

Dự kiến, Quốc hội sẽ biểu quyết thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quản lý thuế trong phiên họp sáng 20/11 tới đây.

 Ông Trần Du Lịch, Phó trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội TP. HCM

Tôi xin phát biểu trực tiếp vào gợi ý ở Điều 42 Dự thảo Luật liên quan đến bỏ quy định ân hạn 275 ngày từ ngày thông quan nộp thuế nhập khẩu đối với nguyên liệu nhập khẩu để sản xuất xuất khẩu. Kiến nghị của tôi là chưa cần thiết phải thay đổi quy định hiện hành.

Trên tay tôi hiện có kiến nghị của 5 hiệp hội như da giày, dệt may, bông vải sợi, mỹ nghệ, chế biến gỗ, thủy sản, đề xuất không nên bỏ quy định trên. Dĩ nhiên, cũng có một thiểu số lợi dụng ân hạn này để kéo dài, chây ỳ trong vấn đề nộp thuế, nhưng trên thực tế quy định này hỗ trợ DN rất nhiều.

Nếu thay đổi điều khoản này thì tất cả các ngành nhập khẩu, chế biến sản xuất xuất khẩu, nếu tính lãi vay ở mức bình quân 12%/năm thì chi phí tài chính tăng thêm 1,5 tỷ USD và chi phí giá thành xuất khẩu tăng 1,5%. Trong điều kiện cạnh tranh khó khăn như hiện nay, chúng ta đang cố gắng đồng hành cùng DN tháo gỡ khó khăn, không lý do gì lại thay đổi một quy định đang bình thường để gây khó khăn cho DN.

“Bỏ ân hạn nộp thuế, DN xuất nhập khẩu mất 1,5 tỷ USD chi phí”