Ông Đặng Quyết Tiến

Ông Đặng Quyết Tiến

Bán cổ phần lô lớn, không để nhóm lợi ích thao túng

(ĐTCK) “Cơ chế bán cổ phần theo lô lớn, đã được Bộ Tài chính báo cáo Thủ tướng Chính phủ theo hướng đảm bảo minh bạch thông qua đấu giá công khai, nên sẽ không có chuyện nhóm lợi ích có thể thao túng…”, ông Đặng Quyết Tiến, Phó Cục trưởng Cục Tài chính doanh nghiệp, Bộ Tài chính cho hay.

Theo yêu cầu của Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh, trong tháng 5 này, Bộ Tài chính phải báo cáo Thủ tướng cơ chế bán đấu giá cổ phần theo lô để sớm ban hành và áp dụng. Bộ Tài chính có đảm bảo được tiến độ này, thưa ông?

Những nội dung quan trọng của dự thảo thông tư hướng dẫn bán đấu giá cổ phần theo lô đã được Bộ Tài chính báo cáo Thủ tướng Chính phủ. Bộ Tài chính vừa công bố dự thảo để lấy ý kiến rộng rãi trước khi ban hành. Dự kiến, khoảng cuối tháng 5, đầu tháng 6 tới, cơ chế bán đấu giá cổ phần theo lô sẽ được ban hành.

Cơ chế này hướng dẫn việc bán đấu giá cổ phần theo lô tại CTCP chưa niêm yết, hoặc chưa đăng ký giao dịch trên sàn UPCoM có vốn Nhà nước do các bộ, UBND cấp tỉnh là đại diện chủ sở hữu hoặc có vốn góp của DN do Nhà nước sở hữu 100% vốn điều lệ. 

Đang có quan ngại, việc bán cổ phần theo lô sẽ bị nhóm lợi ích thao túng nếu cơ chế và cách thức bán không minh bạch, khâu kiểm tra, giám sát thiếu khách quan và không chặt chẽ. Bộ Tài chính có đề xuất biện pháp nào để xử lý vấn đề này?

Bán cổ phần theo lô lớn vừa nhằm đáp ứng tốt hơn nhu cầu của thị trường, NĐT, qua đó góp phần quan trọng thúc đẩy cổ phần hóa (CPH), thoái vốn; vừa nâng cao hiệu quả bán vốn Nhà nước. Do đó, để đạt mục tiêu kép này, cơ chế bán cổ phần theo lô mà Bộ Tài chính vừa báo cáo Thủ tướng Chính phủ đảm bảo nguyên tắc số một là minh bạch, chặt chẽ, để không bị nhóm lợi ích thao túng.

Để đạt được yêu cầu này, Bộ Tài chính đề xuất việc bán cổ phần theo lô phải được thực hiện thông qua đấu giá công khai qua Sở GDCK (kể cả trường hợp giá trị lô cổ phần tính theo mệnh giá dưới 10 tỷ đồng).

Cụ thể, bán đấu giá cổ phần theo lô thực hiện theo Quy chế mẫu về bán đấu giá cổ phần theo lô do UBCK ban hành. Căn cứ Quy chế mẫu này, Sở GDCK phối hợp với đại diện chủ sở hữu vốn và người đại diện để xây dựng Quy chế bán đấu giá cổ phần theo lô cho từng đối tượng cụ thể. 

Theo ý kiến từ NĐT, một trong những điều kiện mà bên bán cổ phần phải đáp ứng yêu cầu của NĐT là phải đảm bảo quá trình đàm phán bán cổ phần diễn ra “bí mật”, thì họ mới mua cổ phần lô lớn, với giá cao, chứ bán công khai qua đấu giá thì họ không mặn mà nữa. Yêu cầu này có làm khó Bộ Tài chính trong quá trình xây dựng cơ chế bán cổ phần theo lô, thưa ông?

Cơ chế nào cũng có hai mặt, được và mất, vấn đề là Nhà nước chọn mặt nào làm chính. Với cơ chế bán cổ phần theo lô, Nhà nước lấy mục tiêu bán vốn theo nguyên tắc thị trường, yếu tố minh bạch được đặt lên hàng đầu.

Bán được “hàng” với giá cao thì ai cũng muốn, nhưng nếu quá trình mua bán không công khai thì có thể nền kinh tế, DN phải trả những cái giá đắt hơn gấp bội lần so với phần lợi ích có được do bán giá cao.

Do đó, Bộ Tài chính đề xuất Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ cho phép áp dụng cơ chế bán đấu giá cổ phần theo lô thông qua cơ chế đấu giá công khai qua Sở GDCK. Chúng tôi tin rằng, yếu tố minh bạch này sẽ hấp dẫn NĐT. 

Có nguy cơ NĐT lợi dụng cơ chế bán cổ phần theo lô lớn, để lách quy định về tỷ lệ sở hữu mà không công bố thông tin trên TTCK không, thưa ông?

Để tránh nguy cơ NĐT lách quy định của pháp luật nhằm mua gom cổ phiếu mà không minh bạch thông tin theo quy định, Bộ Tài chính, UBCK sẽ hoàn thiện cơ chế theo hướng yêu cầu Sở GDCK phải thường xuyên cập nhật danh sách DN đã CPH, tỷ lệ cổ phần nhà nước tại các DN này và công khai trên website của Sở để các bên giám sát. Kèm theo đó là buộc DN, NĐT minh bạch thông tin khi mua - bán cổ phần. 

Lo ngại khác là tại nhiều DN đại chúng mà hiện cổ đông Nhà nước còn nắm cổ phần chi phối, khi áp dụng cơ chế bán cổ phần theo lô lớn sắp tới, liệu có tạo kẽ hở cho một số NĐT gom mạnh cổ phần và biến thành DN không đại chúng, qua đó kéo lùi nỗ lực minh bạch của DN?

Bộ Tài chính, UBCK sẽ hoàn thiện cơ chế kiểm soát vấn đề này, để đảm bảo không kéo lùi nỗ lực minh bạch hoạt động của DN. Theo đó, cần phân nhóm DN để có giải pháp ứng xử phù hợp.

Với nhóm DN đại chúng hoạt động trong những lĩnh vực liên quan nhiều đến quốc kế, dân sinh, Bộ Tài chính, UBCK sẽ định ra các điều kiện về thời gian nắm giữ cổ phần, tỷ lệ cổ phần giao dịch gắn với minh bạch thông tin… NĐT phải đáp ứng các điều kiện này mới được mua, bán cổ phần theo lô lớn.

Với những DN đại chúng không liên quan nhiều đến đời sống an sinh xã hội, thì miễn sao NĐT đáp ứng các yêu cầu về minh bạch thông tin mua bán cổ phần, sẽ được tạo điều kiện tối đa tham gia mua bán cổ phần theo lô lớn. Điều này sẽ góp phần tăng thanh khoản cho cổ phiếu của DN, mở ra các cơ hội mới về huy động vốn cho DN.

Theo dự thảo thông tư hướng dẫn bán đấu giá cổ phần theo lô mà Bộ Tài chính vừa công bố lấy ý kiến, số lượng cổ phần của một lô không thấp hơn 5% vốn điều lệ của CTCP. Trường hợp bán đấu giá cổ phần dưới mệnh giá, dưới giá trị sổ sách..., thì thực hiện theo nguyên tắc phù hợp với Quyết định 51/2014 của Thủ tướng Chính phủ. Bộ quản lý ngành, UBND cấp tỉnh quyết định phương án bán cổ phần theo lô tại CTCP do mình làm đại diện chủ sở hữu sau khi có ý kiến của Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư.

Với phương án bán cổ phần theo lô của các tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước sau CPH, Bộ quản lý ngành, UBND cấp tỉnh quyết định phương án bán sau khi có ý kiến chấp thuận của Thủ tướng Chính phủ.

Cũng theo dự thảo, NĐT tham gia mua cổ phần theo lô là các NĐT có năng lực tài chính, có cam kết gắn bó lợi ích với DN (thời gian tối thiểu nắm giữ cổ phần, có phương án tiếp tục sử dụng lao động hiện có) và hỗ trợ DN nâng cao năng lực tài chính, quản trị; ứng dụng công nghệ mới... Trường hợp NĐT có nhu cầu chuyển nhượng cổ phần trước thời hạn cam kết, thì phải được ĐHCĐ chấp thuận.

Tin bài liên quan