Bức tranh cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước 2015
11 tháng đầu năm 2015, trên Sở GDCK Hà Nội (HNX) có 81 phiên đấu giá được tổ chức thành công và 5 phiên bị hủy. Trong số phiên đấu giá thành công, có 57 phiên chào bán cổ phần lần đầu ra công chúng (IPO) và 19 phiên thoái bớt vốn nhà nước, với 55 phiên bán hết 100% số cổ phần đưa ra chào bán, tương đương 67,9%. Tổng số cổ phần chào bán trong 11 tháng là gần 896,9 triệu cổ phần, tổng số cổ phần trúng giá là hơn 311,6 triệu cổ phần, chiếm gần 35%.
Cùng thời gian, trên Sở GDCK TP. HCM (HOSE) có 35 phiên đấu giá thành công và 16 phiên bị hủy do không có hoặc chỉ có 1 NĐT đăng ký tham gia. Đáng chú ý, một số DN lớn như Công ty TNHH MTV Tổng công ty Điện lực - Vinacomin chỉ bán được hơn 0,51% số cổ phần đưa ra đấu giá, Tổng công ty Khoáng sản - Vinacomin chỉ bán được 2,8% số cổ phần đưa ra đấu giá...
Nhằm đẩy nhanh việc thoái vốn và nâng cao hiệu quả bán vốn nhà nước, Bộ Tài chính đã trình và được Chính phủ đồng ý về phương án bán đấu giá cổ phần theo lô lớn.
Theo Bộ Tài chính, việc bán đấu giá cổ phần theo lô sẽ giúp DN bán được cổ phần trong một lần, tránh tình trạng chỉ bán được một phần và phải tổ chức nhiều cuộc đấu giá mới bán hết số cổ phần cần bán.
Thực tế, nhiều NĐT quan tâm và muốn mua cổ phần theo lô để có đủ điều kiện tham gia quản trị và điều hành DN.
Ưu thế “mua đứt” của bán lô lớn
Ngày 15/9/2015, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 41/2015/QĐ-TTg về việc bán cổ phần theo lô qua Sở GDCK khi Nhà nước thoái vốn tại các công ty cổ phần chưa niêm yết/đăng ký giao dịch. Theo đó, mỗi phiên đấu giá chỉ bán 1 lô cổ phần (trọn lô). Số lượng cổ phần của 1 lô không thấp hơn 5% vốn điều lệ của công ty cổ phần.
Ngay sau đó, ngày 19/11/2015, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCK) ban hành Quyết định số 999/QĐ-UBCK ban hành Quy chế mẫu về bán đấu giá cổ phần theo lô, làm căn cứ cho các Sở GDCK, DN triển khai bán vốn theo lô.
Với quy định mới, phương thức và quy chế tổ chức đấu giá rõ ràng hơn, có sự giám sát của nhiều bên, thời gian công bố thông tin đủ dài cho NĐT tìm hiểu thông tin, chuẩn bị nguồn vốn... Quy định mới cũng cho phép trong một số trường hợp đấu giá không thành công, DN có thể đấu giá lại ngay, mà không cần phải làm lại các thủ tục. Ngay cả khi không bán được cổ phần, quy trình xử lý cũng thuận tiện hơn so với trước.
Một trong những điểm quan trọng tại Quyết định 41 là không hạn chế số lượng cổ phần được mua đối với cả NĐT trong nước và nước ngoài, các NĐT tham gia đấu giá mua cổ phần theo lô không phải thực hiện chào mua công khai...
Thực tế cho thấy, cơ chế bán cổ phần theo lô đã giúp tăng khả năng thành công của các đợt thoái vốn nhà nước. Bên cạnh đó, việc bán cổ phần theo lô tạo điều kiện cho DN có cơ hội thu hút được NĐT chiến lược.
Cụ thể, sau khi Quyết định 41 được ban hành, HNX đã tổ chức thành công 4 phiên bán đấu giá cổ phần trọn lô cho các công ty: CTCP Dược Hà Tĩnh, CTCP Dược Vật tư y tế Thanh Hóa, CTCP Liên hiệp Thực phẩm và CTCP Du lịch Kim Liên. 4 phiên đấu giá cổ phần này đều là các phiên bán bớt phần vốn nhà nước do Tổng công ty Đầu tư và kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) nắm giữ.
Trong đó, đáng chú ý là phiên đấu giá trọn lô 3,65 triệu cổ phần, tương ứng tỷ lệ 52,43% vốn của CTCP Du lịch Kim Liên do SCIC nắm giữ diễn ra ngày 22/12 vừa qua, đã có 36 nhà đầu tư tham gia đấu giá, trong đó có 19 tổ chức và 17 cá nhân, tổng khối lượng đặt mua hợp lệ là 127.660.155 cổ phần, gấp 38 lần số cổ phần chào bán. Kết quả, giá đấu thành công lên tới 274.200 đồng/CP, gấp hơn 9 lần so với mức giá khởi điểm mà SCIC đưa ra là 30.600 đồng/CP.
Quan sát các cuộc đấu giá gần đây cho thấy, sức hấp dẫn dòng vốn, nhất là dòng vốn lớn nằm ở nội lực và tiềm năng phát triển của DN. Tuy nhiên, với hình thức đấu giá theo lô, DN tốt có cơ hội chọn được cổ đông chiến lược đủ tầm, đồng thời hiệu quả thoái vốn nhà nước được nâng cao.