Khả năng này không phải không thể xảy ra, nhưng đó là ở thì tương lai, còn hiện tại, đây vẫn là kênh chưa thể thay thế.
Tại Nhật Bản, Công ty Bảo hiểm MS&AD Insurance Group Holdings vừa quyết định hợp tác với chuỗi cửa hàng tiện lợi 7-Eleven Nhật Bản để bán bảo hiểm nhân thọ nhằm mở rộng kênh bán hàng cũng như phòng chống dịch Covid-19 lây lan.
Thông tin từ truyền thông cho biết, bảo hiểm nhân thọ thường được các nhân viên MS&AD bán trực tiếp cho khách hàng và 7-Eleven là chuỗi cửa hàng tiện lợi đầu tiên ở Nhật Bản bán bảo hiểm nhân thọ.
Tại Việt Nam, bên cạnh kênh đại lý, nhiều công ty bảo hiểm thời gian qua đã mở rộng sang những kênh bán hàng khác như bán qua ngân hàng (bancassurance), bán trực tuyến, thậm chí bán qua nhà thuốc, phòng tập Fitness, công ty bất động sản…
Tuy nhiên, đến nay, chỉ bancassurance ghi nhận kết quả tích cực khi tính đến hết năm 2019, doanh thu phí từ bancassurance chiếm hơn 30%/tổng doanh thu phí bảo hiểm mới của khối nhân thọ (số liệu thống kê sơ bộ của các doanh nghiệp bảo hiểm), còn từ bảo hiểm trực tuyến vẫn rất khiêm tốn, trong khi các mô hình khác đều không hiệu quả.
Trao đổi với Báo Đầu tư Chứng khoán, CEO một công ty bảo hiểm nhân thọ nói rằng, các công ty bảo hiểm luôn nỗ lực phát triển những mô hình bán hàng mới, nhưng để sớm có được kết quả tốt như bancassurance là vô cùng khó, cần phải mất nhiều thời gian. Đây không chỉ là vấn đề của thị trường Việt Nam, mà còn ở nhiều thị trường khác.
“Việc bán bảo hiểm phi nhân thọ qua các mô hình mới dễ triển khai hơn, như tại Thái Lan, Ấn Độ đã bán qua hệ thống siêu thị Big C, nhưng với bảo hiểm nhân thọ là rất khó khăn. Ngay tại Nhật, việc bán bảo hiểm nhân thọ qua 7-Eleven chủ yếu là các sản phẩm đơn giản như bảo hiểm sức khỏe, bảo hiểm tử kỳ…”, vị CEO trên thông tin.
Lý giải rõ hơn về điều này, một chuyên gia trong ngành cho biết, khác với các sản phẩm bảo hiểm phi nhân thọ, bảo hiểm nhân thọ là một kế hoạch tài chính dài hạn, điều khoản và quy định của hợp đồng bảo hiểm nhân thọ cũng có nhiều khác biệt so với hợp đồng bảo hiểm phi nhân thọ, nên việc bán bảo hiểm nhân thọ qua các kênh mới sẽ khó thành công hơn.
Bởi khách hàng có nhu cầu về bảo hiểm nhân thọ có thể tìm hiểu trước thông tin qua nhiều kênh, nhưng khi quyết định, họ vẫn muốn được tư vấn kỹ hơn, mà điều này chỉ có được khi gặp trực tiếp đại lý.
Thực tế, dù chưa thực sự thành công, nhưng các công ty bảo hiểm vẫn không ngừng tiếp nhận những mô hình bán bảo hiểm mới. Đơn cử, MAP Life trở thành doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ đầu tiên hợp tác với CTCP Kinh doanh F88 để bán sản phẩm qua chuỗi cầm đồ này.
Hay như Manulife và Cộng đồng bầu vừa công bố chiến lược hợp tác độc quyền phát triển kênh khách hàng Mẹ và Bé.
Theo ông Hoe Shin Koh, Giám đốc điều hành kênh phân phối thông qua đối tác của Manulife Việt Nam, Công ty sẽ tiến hành các khảo sát đối với thành viên của Cộng đồng bầu để phát triển các sản phẩm bảo hiểm mới dành riêng cho phụ nữ mang bầu và em bé…
Lâu nay, tại Việt Nam, bán bảo hiểm qua đại lý luôn là kênh bán hàng chủ lực, mang lại doanh thu phí lớn nhất cho các công ty bảo hiểm.
Tuy nhiên, sau thời gian dài phát triển, kênh này đã bộc lộ không ít vấn đề về chi phí đào tạo, quản lý… và các công ty bảo hiểm đang chỉnh sửa, cải tiến mô hình này để phù hợp hơn với thực tế.
CEO một công ty bảo hiểm hàng đầu thị trường cho biết, mô hình bán hàng qua tư vấn viên và văn phòng đại lý từng giúp công ty thành công trong mười mấy năm qua, nay cần được trẻ hóa và hiện đại hóa.
Thời gian tới, doanh nghiệp sẽ tập trung nguồn lực để lấy lại vị thế dẫn đầu cho cho hệ thống này. Đây cũng là chiến lược quan trọng của tất cả các công ty bảo hiểm nhân thọ hiện nay.