Bán bảo hiểm: Kênh truyền thống khó bị qua mặt

Bán bảo hiểm: Kênh truyền thống khó bị qua mặt

(ĐTCK) Để đẩy mạnh hoạt động kinh doanh, các công ty bảo hiểm luôn nỗ lực tìm kiếm, phát triển và đưa vào thực hiện các mô hình bán bảo hiểm mới bên cạnh kênh truyền thống. Tuy nhiên, tại thị trường Việt Nam, không phải cách tiếp cận mới nào cũng có thể thành công và kênh truyền thống vẫn giữ “ngôi vương”.

“Nhận thức và tâm lý của người dân về bảo hiểm nhân thọ là những rào cản khó khăn nhất đối với các công ty bảo hiểm nhân thọ trong việc tìm kiếm khách hàng mới. Bên cạnh đó, những thông tin tiêu cực về bảo hiểm nhân thọ vẫn khiến khách hàng e ngại khi tiếp cận sản phẩm tài chính tiên tiến này”, đại diện một doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ chia sẻ với Báo Đầu tư Chứng khoán và cho biết thêm, đây là lý do quan trọng khiến chưa đến 10% dân số Việt Nam có bảo hiểm.

Để đẩy mạnh hơn nữa việc đưa các sản phẩm bảo hiểm tới tay người dân, các doanh nghiệp trong ngành đang tích cực nâng cao chất lượng sản phẩm, dịch vụ, cũng như đa dạng hơn phương thức bán hàng. Việc tìm kiếm các mô hình bán bảo hiểm tốt hơn cho khách hàng luôn là mục tiêu quan trọng nhất trong chiến lược phát triển của mỗi công ty bảo hiểm tại thị trường Việt Nam. 

Theo đó, nhiều mô hình bán hàng mới nhằm đưa bảo hiểm tới tay khách hàng thuận tiện nhất đã được các công ty bảo hiểm phát triển như mô hình hợp tác với các công ty bất động sản hay trung tâm dịch vụ giải trí… Dù vậy, theo CEO của một công ty bảo hiểm, các mô hình này chưa phát triển như kỳ vọng, bởi nhân viên của đối tác chưa thực sự nỗ lực để giới thiệu sản phẩm bảo hiểm tới khách hàng của mình.

Bancanssurance đang là kênh bán bảo hiểm với tiềm năng tăng trưởng lớn và là lựa chọn đầu tiên của các công ty bảo hiểm trong chiến lược đa kênh phân phối

Đến thời điểm này, tại thị trường bảo hiểm Việt Nam, mô hình đại lý/tư vấn bảo hiểm vẫn là kênh bán bảo hiểm đạt hiệu quả cao nhất, với đóng góp khoảng 80% doanh thu phí bảo hiểm mới (trừ các công ty bảo hiểm chỉ phát triển mô hình bán bảo hiểm qua ngân hàng).

Trong khi đó, dù đã có những bước tiến tích cực và được nhiều công ty bảo hiểm đẩy mạnh trong thời gian qua, nhưng kênh bán bảo hiểm qua ngân hàng (bancassurance) mới chỉ đóng góp từ 10% tới hơn 20% doanh thu phí mới/tổng doanh thu tại một số công ty bảo hiểm.

Thực tế, bancanssurance đang là kênh bán bảo hiểm với tiềm năng tăng trưởng lớn và là lựa chọn đầu tiên của các công ty bảo hiểm trong chiến lược đa kênh phân phối. Trong đó, Manulife, Dai-ichi Life hay Prudential… là những công ty bảo hiểm đang phát triển mô hình này khá thành công với doanh thu khai thác mới trên tổng doanh thu phí mới khoảng 20%. Ngoài ra, mô hình bán bảo hiểm qua tivi cũng đang được một số công ty đưa vào thử nghiệm một cách thận trọng.

Cùng với việc tiếp tục hoàn thiện và thúc đẩy mô hình bán bảo hiểm qua đại lý, tổng đại lý và bancassurance, bán bảo hiểm trực tuyến và bán qua các đại lý tổ chức đang được nhiều doanh nghiệp lựa chọn. Chẳng hạn, vừa qua, Hanwha Life Việt Nam đã phát triển hợp tác với Worldlink Việt Nam, BOM Finance Service Việt Nam… để bán các sản phẩm bảo hiểm.

Trong chiến lược phát triển thị trường, các cơ quan chức năng cùng Bộ Tài chính đang tiến hành rà soát lại để xây dựng khung pháp lý chuẩn hơn cho việc phát triển các mô hình bán bảo hiểm mới…

Trước đó, năm 2017, nhóm các doanh nghiệp được giao chủ trì nghiên cứu đề xuất xây dựng kênh giao dịch điện tử và kênh phân phối khác cũng đã có nhiều hoạt động nghiên cứu kinh nghiệm quốc tế về giao dịch điện tử, cũng như đề xuất sửa đổi Nghị định 27/2007 về giao dịch điện tử trong hoạt động tài chính.

Hiện nay, bước đầu, dự thảo Nghị định sửa đổi Nghị định 27/2007 bổ sung lĩnh vực bảo hiểm vào phạm vi điều chỉnh của Nghị định tạo tiền đề cho việc soạn thảo Thông tư hướng dẫn về giao dịch điện tử trong lĩnh vực bảo hiểm.

Thời gian tới, các doanh nghiệp bảo hiểm sẽ tiếp tục phối hợp với các cơ quan chức năng nghiên cứu những nội dung dự kiến quy định về giao dịch điện tử trong lĩnh vực bảo hiểm để phục vụ cho việc xây dựng thông tư, cũng như nghiên cứu về các kênh phân phối khác.

Dù vậy, trong quá trình thử nghiệm, công ty bảo hiểm không thể lơ là kênh bán hàng truyền thống, bởi đây vẫn là kênh phân phối chủ lực mang lại hiệu quả tích cực nhất cho doanh nghiệp.

Tin bài liên quan