Cơ sở của đề xuất trên xuất phát từ nhu cầu của một số doanh nghiệp bảo hiểm muốn bán bảo hiểm cho người lao động của các doanh nghiệp có vốn nước ngoài. Thông thường, các doanh nghiệp này khi hạch toán, báo cáo với công ty mẹ bằng đồng ngoại tệ. Do đó, nếu các sản phẩm bảo hiểm được thiết kế niêm yết bằng đồng ngoại tệ sẽ thuận tiện hơn cho đối tượng khách hàng này.
Trong khi đó, đối với việc bán bảo hiểm cho người nước ngoài sinh sống, làm việc ở nước ngoài (bán bảo hiểm qua biên giới), theo pháp luật hiện hành, chưa có quy định nào cấm doanh nghiệp bảo hiểm Việt Nam bán bảo hiểm qua biên giới.
Tại Khoản 4, Điều 90 Nghị định 73/2016 ngày 1/7/2016 hướng dẫn chi tiết thi hành Luật Kinh doanh bảo hiểm và Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Kinh doanh bảo hiểm đưa ra quy định: “Bảo hiểm nhân thọ và bảo hiểm sức khoẻ không áp dụng các quy định về cung cấp và sử dụng dịch vụ bảo hiểm qua biên giới tại Nghị định này”.
Điều này được hiểu rằng, hiện chưa có quy định cho phép doanh nghiệp bảo hiểm ở nước ngoài bán bảo hiểm nhân thọ, bảo hiểm sức khoẻ cho người lao động ở Việt Nam, chứ không cấm các doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ Việt Nam bán bảo hiểm ở nước khác, nếu được quốc gia đó cho phép. Tuy nhiên, cũng chưa có hướng dẫn cụ thể để các doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ Việt Nam có thể triển khai nghiệp vụ này. Vì vậy, nếu có hướng dẫn chi tiết, các doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ Việt Nam sẽ có thêm cơ hội phát triển hoạt động kinh doanh bằng việc cung cấp dịch vụ bảo hiểm qua biên giới.
Câu hỏi được đặt ra là, nguyên nhân vì sao pháp luật hiện hành chưa cho phép các doanh nghiệp bảo hiểm triển khai bán sản phẩm này bằng ngoại tệ?
Hiện tại, theo quy định của Nhà nước Việt Nam, trên lãnh thổ Việt Nam, mọi giao dịch, thanh toán, niêm yết, quảng cáo, báo giá, định giá, ghi giá trong hợp đồng không được thực hiện bằng ngoại tệ, trừ các trường hợp được phép theo quy định của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (chứ không riêng ngành bảo hiểm).
Trong lĩnh vực bảo hiểm, doanh nghiệp bảo hiểm được báo giá, định giá, ghi giá dịch vụ bảo hiểm trong hợp đồng bằng ngoại tệ và nhận thanh toán bằng ngoại tệ chuyển khoản đối với việc mua tái bảo hiểm cho hàng hoá, dịch vụ ở nước ngoài.
Việc Nhà nước thống nhất quản lý, quy định chỉ một số hoạt động kinh tế được thực hiện bằng ngoại tệ là một chủ trương đúng đắn và đa phần các quốc gia khác cũng làm như vậy.
Khi thị trường bảo hiểm phát sinh nhu cầu bán hàng cho một số đối tượng khách hàng đặc thù bằng ngoại tệ như đã nói ở trên, IAV đã tập hợp ý kiến các doanh nghiệp và kiến nghị với các cơ quan quản lý cho phép thực hiện thí điểm chính sách này trong một thời gian nhất định. Nếu Nhà nước cho phép và việc thí điểm tiến hành thành công, mang lại lợi ích cho nền kinh tế, cho xã hội, cho môi trường đầu tư, cũng như sự phát triển chung của ngành bảo hiểm Việt Nam, thì phía cơ quan quản lý và Hiệp hội sẽ có tổng kết, đánh giá quá trình thực hiện để trình Chính phủ cho phép áp dụng chính thức. Ngược lại, nếu kết quả không khả quan, báo cáo Chính phủ để dừng việc thí điểm.
Trong những dịp tiếp xúc với cộng đồng doanh nghiệp bảo hiểm, Hiệp hội luôn sẵn sàng ủng hộ những kiến nghị hợp lý của các doanh nghiệp, vì sự phát triển chung của thị trường bảo hiểm Việt Nam, theo đúng tinh thần “Chính phủ kiến tạo và phục vụ”, “tạo điều kiện tốt nhất cho doanh nghiệp” của Thủ tướng Chính phủ. Chúng tôi hy vọng, cơ quan quản lý, mà cụ thể ở đây là Bộ Tài chính, sẽ sớm nghiên cứu cơ sở pháp lý và tính khả thi của chính sách này để trình Chính phủ cho phép thực hiện thí điểm.