Ðến hết quý III/2019, BCG đạt doanh thu thuần 244,7 tỷ đồng, trong đó dự án Nhà máy năng lượng mặt trời công suất 40 MWp đã chính thức đi vào hoạt động và có doanh thu.
Bên cạnh đó, một số dự án bất động sản đã triển khai như Khu nghỉ dưỡng Radisson Blu Hội An tại Quảng Nam và Khu biệt thự King Crown Village tại Thảo Ðiền (quận 2, TP.HCM) đã đi vào giao đoạn cuối.
BCG cũng đã thực hiện chuyển nhượng một số phần tại các dự án mới với giá trị cao. Từ đó, mang lại nguồn doanh thu tài chính tăng đột biến, ghi nhận lợi nhuận sau thuế quý III/2019 của Công ty mẹ tăng 2.406% so với cùng kỳ 2018, đạt hơn 14 tỷ đồng.
Ðặc biệt, lợi nhuận sau thuế hợp nhất quý III/2019 tăng hơn 1.000% so với cùng kỳ, đạt gần 52 tỷ đồng. Lũy kế 9 tháng đầu năm, doanh thu thuần và lãi ròng của BCG đạt 941,7 tỷ đồng và 128,45 tỷ đồng.
Trao đổi với phóng viên Báo Ðầu tư Chứng khoán, ông Phạm Minh Tuấn, Phó tổng giám đốc BCG cho biết, trong mảng phát triển khai thác các dự án năng lượng tái tạo, 2 dự án nhà máy điện mặt trời là Nhà máy năng lượng BCG Băng Dương và Gaia công suất 40,6 MWp và 100,5 MWp đã hoàn tất xây dựng và phát điện một phần trước tháng 6/2019, phần còn lại vào cuối năm 2019.
Ngoài ra, BCG đang tiếp tục triển khai đầu tư các dự án năng lượng mặt trời khác như 2 dự án điện mặt trời tại Thạnh Hóa - Long An công suất 100 MWp, dự án năng lượng mặt trời trên hồ Krong Buk - Ðắk Lắk (50 MWp), 3 dự án năng lượng mặt trời tại Bến Tre tổng công suất dự kiến 500 MWp, dự án năng lượng gió tại Sóc Trăng (45 MWp).
Mục tiêu tổng công suất phát điện đạt trên 400 MWp trong giai đoạn 2019-2020 và 1.000 MWp đến năm 2023.
Ðể huy động nguồn vốn chuẩn bị cho các dự án lớn, BCG đã cơ bản hoàn tất các thủ tục phát hành 900.000 trái phiếu chuyển đổi, việc chuyển đổi sang cổ phiếu sẽ được thực hiện sau 1 năm.
Hiện BCG đã tìm được đối tác nước ngoài và hai bên đang tiến hành đàm phán. Trái chủ được quyền chuyển đổi tối đa 50% số lượng trái phiếu sở hữu trong kỳ chuyển đổi đầu tiên và 50% còn lại trong kỳ chuyển đổi tiếp theo (1 năm sau kỳ chuyển đổi đầu tiên).
Với điều kiện này, hai bên đã có những cam kết hỗ trợ nhau trong dài hạn. Nguồn vốn này sẽ đầu tư trực tiếp vào các dự án bất động sản và năng lượng tái tạo, cũng như cung cấp vốn lưu động cho các công ty thành viên.
“BCG sẽ tiếp tục hợp tác với các tập đoàn quốc tế nhằm tận dụng lợi thế từ khoa học - công nghệ, thương hiệu và dòng vốn. Hiện tại, Công ty cũng nhận hỗ trợ từ cổ đông nước ngoài như Hanhwa Energy để thực hiện các dự án điện mặt trời”, ông Tuấn chia sẻ thêm.
Theo định hướng trung hạn, cơ cấu doanh thu và lợi nhuận của BCG giai đoạn 2019-2021 sẽ phát triển theo hướng tăng dần tỷ trọng từ mảng bất động sản và năng lượng tái tạo.
Trong đó, năm 2020, cơ cấu doanh thu dự kiến có sự chuyển dịch mạnh khi mảng bất động sản giảm dần do các dự án chính đã bước vào giai đoạn hoàn thành, trong khi doanh thu từ bán năng lượng do các trang trại năng lượng mặt trời đã phát điện thương mại chiếm tỷ trọng cao hơn.
Phân tích về cơ hội đầu tư vào cổ phiếu BCG, Công ty Chứng khoán KB Việt Nam (KBSV) cho rằng, BCG đang có những bước thay đổi chiến lược quan trọng khi thu hẹp các hoạt động kinh doanh chưa hiệu quả như nông nghiệp, ô tô, thương mại phân phối, để chuyển sang các lĩnh vực trọng điểm có tỷ suất sinh lợi cao là bất động sản và năng lượng tái tạo.
Theo ước tính, khi các dự án trọng điểm trên chính thức đi vào hoạt động sẽ mang lại doanh thu và lợi nhuận tích cực cho BCG trong giai đoạn 2019 - 2020.
Ðặc biệt, dự phóng tới năm 2023, BCG sẽ đạt lãi sau thuế 826,5 tỷ đồng.
Riêng trong năm 2019, BCG nhiều khả năng ghi nhận dòng tiền lớn và đạt lãi sau thuế gần 312 tỷ đồng.
Theo lãnh đạo BCG, về mặt dài hạn, mảng năng lượng tái tạo sẽ là mảng đóng góp lớn vào kết quả hoạt động của Công ty với thu nhập ổn định và biên lợi nhuận cao.