Phố Tạ Hiện - địa điểm vui chơi nhộn nhịp về đêm ở Hà Nội. Ảnh: Đức Thanh

Phố Tạ Hiện - địa điểm vui chơi nhộn nhịp về đêm ở Hà Nội. Ảnh: Đức Thanh

Bài toán kinh tế ban đêm: Thận trọng, nhưng không còn e dè

0:00 / 0:00
0:00
Thực hiện giãn cách xã hội do Covid-19 tại một số địa phương chắc chắn sẽ làm chậm quá trình thúc đẩy phát triển kinh tế ban đêm ở Việt Nam, nhưng cơ hội vẫn còn ở phía trước.

Nước ta vẫn là một điểm sáng, có sức hút du lịch và việc phát triển kinh tế ban đêm ở nhiều địa phương sẽ là một động lực phát triển mới.

Kinh tế ban đêm là gì?

Thuật ngữ “kinh tế ban đêm” đã xuất hiện đầu tiên vào năm 1980, như một phần của chiến lược phục hồi đô thị ở các thành phố lớn của Anh.

Vào thời điểm đó, nhiều trung tâm đô thị đang trong tình trạng bị bỏ hoang và suy tàn. Nhiều thành phố chuyển từ trung tâm sản xuất sang trung tâm tiêu thụ, nên các nhà xưởng sản xuất, kho chứa bị bỏ hoang trước đây đã được cải tạo trở thành quán bar, câu lạc bộ và không gian sáng tạo. Điều này đã tạo việc làm và thu nhập mới cho các thành phố đang trong tình trạng suy tàn.

Làn sóng phục hồi đô thị ở Anh đã dần mở ra khái niệm thành phố 24 giờ.

Sau đó, vào đầu những năm 2000, các nhà quản lý đô thị ở Tây Âu, Bắc Mỹ và Đông Nam Á đã bắt đầu hướng sự chú ý vào phát triển kinh tế ban đêm như là một động lực phát triển kinh tế mới. Hình ảnh truyền thống của những khu vực trung tâm thành phố yên tĩnh, vắng vẻ vào ban đêm hiện nay không còn xuất hiện trong thực tế ở nhiều nước. Kinh tế ban đêm đã hiện hữu ở các thành phố, đặc biệt những nơi có nhiều khách du lịch, và trở thành một phần quan trọng trong cuộc sống của các trung tâm thành phố và thủ đô.

Tuy kinh tế ban đêm đã được nhiều quốc gia quan tâm, nhưng hiện vẫn chưa có một định nghĩa hay một khái niệm thống nhất giữa các quốc gia, do xu hướng hành vi tiêu dùng ban đêm rất đa dạng, cũng như tính đa dạng trong văn hóa, xã hội và kinh tế của các quốc gia. Đây cũng chính là trở ngại đầu tiên trong quản lý các đô thị, các khu vực trung tâm vào ban đêm ở nhiều nước. Ở Việt Nam cũng vậy.

Đã có nhiều tranh luận về thời gian hoạt động của kinh tế ban đêm, bắt đầu từ 17 giờ hay 22 giờ đêm… Tương tự, phạm vi, lĩnh vực hoạt động thế nào là phù hợp, theo hướng rộng gồm cả hoạt động kinh tế, văn hóa diễn ra ban đêm; hay phạm vi hẹp hơn, chỉ bao gồm hoạt động mang tính giải trí và mua sắm.

Nếu chiếu theo các quy định hiện hành, cụ thể là Điều 105, Bộ luật Lao động năm 2012 và Điều 106, Bộ luật Lao động năm 2019, quy định về giờ làm việc ban đêm “được tính từ 22 giờ đến 6 giờ sáng ngày hôm sau”.

Tuy nhiên, thực tiễn hiện nay cho thấy, nếu chỉ xét phạm vi thời gian của kinh tế ban đêm trong khoảng 22 giờ đến 6 giờ sáng hôm sau, thì có thể chưa đủ linh hoạt. Thực tế, ở nhiều địa phương, sau 20 giờ gần như không còn hoạt động gì ngoài đường, thì kéo dài thời gian hoạt động kinh tế đến 22 giờ có thể đã là một thay đổi quan trọng.

Để đảm bảo phù hợp với xu hướng thế giới (đang áp dụng ở nhiều quốc gia), nội hàm về kinh tế ban đêm đã được thống nhất.

Đó là, tập hợp các hoạt động tập trung vào lĩnh vực dịch vụ văn hóa, vui chơi, giải trí (các hoạt động văn hóa - nghệ thuật, chương trình giải trí, lễ hội, sự kiện…), dịch vụ ăn uống (nhà hàng, quán bar…), dịch vụ mua sắm (các chợ, khu mua sắm…) và du lịch (tham quan các địa điểm du lịch, công trình kiến trúc…), diễn ra từ 6 giờ tối hôm trước đến 6 giờ sáng hôm sau nhằm trực tiếp phục vụ nhu cầu vật chất và tinh thần của người dân và khách du lịch. Hiện tại, các ngành/lĩnh vực sản xuất vật chất tổ chức hoạt động vào ban đêm chưa tính vào cấu phần/một bộ phận của kinh tế ban đêm.

Tuy nhiên, việc xác định thời gian và lĩnh vực hoạt động ban đêm cũng chỉ mang ý nghĩa động, nghĩa là có thể thay đổi tùy thuộc vào quan điểm và điều kiện đặc thù của từng nước.

Hào hứng hay e dè?

Quyết định 1129/2020/QĐ-TTg phê duyệt Đề án Phát triển kinh tế ban đêm ở Việt Nam sẽ góp phần phá bỏ thái độ “e dè” và giúp các địa phương có định hướng rõ hơn trong quá trình xây dựng chiến lược/kế hoạch phát triển kinh tế ban đêm. Đây là điều đầu tiên phải nhắc đến.

Tìm hiểu về hoạt động kinh tế ban đêm ở Việt Nam, có thể cảm nhận thấy cả thái độ “hào hứng” lẫn thái độ “e dè” của các địa phương. Sự “e dè” về phát triển kinh tế ban đêm cũng xuất phát từ trải nghiệm thực tế ở địa phương.

Một số địa phương đã rất “hăm hở” triển khai kế hoạch phát triển kinh tế ban đêm dưới hình thức như mở các tuyến phố đi bộ, chợ đêm, khu mua sắm, khu ẩm thực…, nhưng chỉ sau một thời gian ngắn, do không thu hút được lượng khách như kỳ vọng, nên đã phải dừng hoạt động. Việc kiểm soát hoạt động kinh tế ban đêm cũng là thách thức đối với các địa phương, đặc biệt là vấn đề an ninh trật tự, phòng cháy chữa cháy, kiểm soát chất lượng và giá cả hàng hóa, vệ sinh an toàn thực phẩm…

Như vậy, con đường phát triển kinh tế ban đêm đối với các địa phương không phải là thuận lợi như nhau. Do đó, các địa phương cũng không nên quá “hứng thú” và kỳ vọng vào việc phát triển kinh tế ban đêm như là động lực chính cho phát triển kinh tế địa phương, ít nhất trong ngắn hạn. Việc phát triển kinh tế ban đêm bền vững phụ thuộc rất nhiều vào việc xây dựng các điều kiện nền tảng (chuẩn bị hạ tầng “cứng” và hạ tầng “mềm” phục vụ hoạt động kinh tế ban đêm), nhằm thu hút, hấp dẫn nhu cầu của thị trường.

Thời gian qua, hoạt động kinh tế ban đêm ở Việt Nam còn nghèo nàn và đơn điệu. Hoạt động kinh tế ban đêm gặp không ít hạn chế, do một số lý do.

Thứ nhất, khái niệm kinh tế ban đêm còn khá mới mẻ, nên chưa được nhìn nhận đầy đủ, nhất quán.

Thứ hai, ngành thương mại và du lịch chưa phát triển mạnh và đồng bộ.

Thứ ba, ý thức tự giác, văn minh lịch sự của một bộ phận người dân chưa cao...

Bên cạnh đó, một số địa phương cũng bày tỏ khó khăn do chưa có các quy định, hướng dẫn cụ thể về việc phát triển kinh tế ban đêm ở cấp Trung ương, nên còn e dè và chưa chủ động trong vấn đề này.

Như vậy, sau khi có Quyết định 1129/2020/QĐ-TTg, trước mắt, trong quá trình xây dựng quy hoạch tỉnh thời kỳ mới (quy hoạch tỉnh giai đoạn 2021 - 2030 và tầm nhìn đến năm 2045), các địa phương cần chú ý tới nội dung phát triển kinh tế ban đêm. Các địa phương cần nghiên cứu kỹ và đưa ra quy hoạch cụ thể các khu vực, địa bàn, tuyến có khả năng phát triển kinh tế ban đêm, các khu vực trung tâm và vệ tinh, các loại hình dịch vụ kinh tế ban đêm chủ yếu…

Quy hoạch các khu vực phát triển kinh tế ban đêm gắn với phát triển kết cấu hạ tầng, đảm bảo điều kiện vệ sinh môi trường, hạn chế tác động của ô nhiễm môi trường, rác thải sinh hoạt…, giảm thiểu ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân vào ban đêm.

Đối với địa phương chưa có điều kiện nền tảng cơ bản để phát triển ngay kinh tế ban đêm, thì việc xây dựng quy hoạch tỉnh theo hướng lồng ghép nội dung phát triển kinh tế ban đêm sẽ tạo thế chủ động, sẵn sàng để có cơ sở triển khai trong tương lai khi hội đủ các điều kiện cho phép.

Đối với địa phương có đông lượng khách du lịch và người dân có thu nhập cao, cần thu hút, phối hợp chặt chẽ với các nhà đầu tư chiến lược và có kinh nghiệm vận dụng các mô hình kinh tế ban đêm hiệu quả để cùng chính quyền phát triển kinh tế ban đêm.

Phát triển kinh tế ban đêm là tất yếu, phù hợp với xu thế quốc tế, mang lại cơ hội và động lực phát triển cho nền kinh tế, đặc biệt là phát triển du lịch. Thực tiễn vận hành hoạt động kinh tế ban đêm hiệu quả ở các nước cho thấy, mô hình này có thể thúc đẩy đổi mới và sáng tạo cho các đô thị, thành phố lớn.

Kinh tế ban đêm sẽ phát triển các ngành giải trí, dịch vụ ăn uống, dịch vụ mua sắm và du lịch. Ngoài ra, cũng sẽ khuyến khích phát triển lĩnh vực công nghiệp sáng tạo như phim ảnh, âm nhạc, các công việc thiết kế...

Hiện nay, việc thực hiện giãn cách xã hội do Covid-19 chắc chắn sẽ làm chậm quá trình thúc đẩy phát triển kinh tế ban đêm ở Việt Nam. Tuy nhiên, sau đại dịch và sau giãn cách xã hội trên thế giới, Việt Nam vẫn được coi là một điểm sáng, có sức hút du lịch và việc phát triển kinh tế ban đêm có thể gặp nhiều thuận lợi trong thời gian tới.

“Cho phép thí điểm kéo dài thời gian tổ chức các hoạt động dịch vụ ban đêm đến 6 giờ sáng hôm sau tại một số điểm, khu du lịch hấp dẫn và có điều kiện thuận lợi để quản lý rủi ro hoạt động ban đêm ở một số thành phố/trung tâm lớn nơi có đông lượng khách du lịch như Hà Nội, Quảng Ninh, Hải Phòng, TP.HCM, Đà Nẵng, Hội An, Thừa Thiên Huế, Cần Thơ, Đà Lạt, Phú Quốc.

Trên cơ sở đó, đánh giá hiệu quả hoạt động và công tác quản lý hoạt động kinh tế ban đêm ở những nơi đã lựa chọn để xây dựng, hoàn thiện mô hình hoạt động kinh tế ban đêm và sau đó sẽ nhân rộng ra các địa phương khác.

Nghiên cứu, đề xuất ưu tiên đầu tư xây dựng một số khu vực tổ hợp giải trí ban đêm riêng biệt tại TP. Hà Nội, TP.HCM và Đà Nẵng giai đoạn 2021 - 2025.

Nguồn: Quyết định 1129/2002/QĐ-TTg ngày 27/7/2020.

Tin bài liên quan