Bài toán khó trong dự án đường sắt cao tốc

Bài toán khó trong dự án đường sắt cao tốc

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Nhận thấy tầm quan trọng của việc xây dựng hệ thống đường sắt cao tốc trong nước, nhiều cơ quan quản lý, chuyên gia, nhà nghiên cứu đã vào cuộc với mong muốn sớm hiện thực hóa dự án, song bài toán khó vẫn ở trước mắt.

Đường sắt cao tốc cần thiết trong tương lai gần

Hệ thống giao thông đường sắt Việt Nam đã trải qua 140 năm hình thành và phát triển. Dù tuổi thọ đã cao, song đường sắt không được cải tạo, nâng cấp, mà chỉ duy tu, bảo trì để đảm bảo hoạt động an toàn tàu thường niên.

Thực tế, đầu tư cho đường sắt cũng chưa được quan tâm đúng mực, chưa có căn cơ đúng tầm chiều dài chiến lược và có tính đột phá đổi mới để phù hợp với sự phát triển của nền kinh tế, đặc biệt là với nền kinh tế đang đi theo hướng công nghiệp hóa hiện nay.

So với các loại hình giao thông khác như đường bộ, hàng không, đường sắt đang thể hiện rõ sự chậm chạp trong cả tư duy nhận thức và phát triển thực tế. Do đó, đường sắt cao tốc là sự hy vọng giúp loại hình này phát triển mạnh mẽ hơn, đồng thời theo kịp được các tiêu chuẩn hiện đại quốc tế.

Ông Vũ Anh Minh, Chủ tịch HĐTV Tổng công ty Đường sắt Việt Nam tại buổi Tọa đàm Thách thức và cơ hội phát triển ngành đường sắt Việt Nam diễn ra vào cuối tháng 3 cho rằng, với điều kiện địa lý, điều kiện tự nhiên, điều kiện địa chính trị của đất nước, phát triển đường sắt cao tốc trong tương lai là hết sức cần thiết.

“Chúng ta phải tính toán về cả an ninh quốc phòng, điều kiện tự nhiên và phát triển nền kinh tế về đường sắt cao tốc. Phải nói là cần thiết trong tương lai gần, vì chúng ta chậm ngày nào thì sẽ thiệt ngày đó. Chúng ta nhanh ngày nào thì chúng ta sẽ phát triển kinh tế - xã hội ngày đó”, ông Minh khẳng định.

Trước đó, ngày 14/2/2019, Bộ Giao thông vận tải đã trình Thủ tướng Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi Dự án Đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam. Tuyến đường sắt được lựa chọn đầu tư mới hoàn toàn, đi qua 20 tỉnh thành, kết nối Hà Nội - TP.HCM. Dự án được thiết kế tốc độ 350km/h, tốc độ khai thác 320km/h. Tổng vốn đầu tư dự kiến trên 58,71 tỷ USD.

Ông Vũ Anh Minh mong rằng sớm thấy dự án được Quốc hội thông qua sau quá trình tổng hợp, ghi nhận ý kiến các chuyên gia, kinh nghiệm quốc tế, cũng như căn cứ vào nguồn lực đất nước, sức mua của người dân, kịch bản phát triển kinh tế - xã hội đến năm 2045 và những năm sau để quyết định đầu tư đường sắt cao tốc trong tương lai.

Cũng theo ông Minh, vận tải dưới 200 km/h là cự ly của đường bộ, từ 200 - 300 km/h là giao thoa của đường bộ và đường sắt, từ 300 - 1.500 km/h là cự ly của đường sắt. Từ 1.500 - 2.000 km/h là giao thoa giữa đường sắt và hàng không. Trên 2.000 km/h là cự ly của hàng không.

“Người dân sẽ chọn đường sắt cao tốc nếu đi từ Hà Nội vào Nghệ An vì chỉ hơn một tiếng là tới nơi”, ông Minh phân tích.

Những điểm khó trong dự án đường sắt cao tốc

Tuy nhiên, quá trình triển khai đường sắt cao tốc sẽ cần phải giải được nhiều bài toán khó khác. Ông Đặng Quyết Tiến, Cục trưởng Cục Tài chính doanh nghiệp, Bộ Tài chính cho rằng: “Để hiện thực hóa đường sắt cao tốc, ngay từ bây giờ chúng ta phải đặt vào khâu chuẩn bị định tuyến, tính toán công nghệ theo kịp tương lai và chuẩn bị nguồn lực bao gồm nhân lực và tài chính. Riêng về nguồn vốn có nhiều cách thức huy động như từ ngân sách, vay vốn ODA, phát hành trái phiếu Chính phủ… ”

Trước nguồn lực ngành còn hạn chế, quá trình triển khai sẽ cần có sự phân kỳ, phân khúc để thực hiện. Đồng thời, nhà nước cũng cần khẳng định lại rằng xây dựng tuyến tàu cao tốc không chỉ là khuyến nghị riêng của ngành đường sắt, mà đó là dự án mang tính lan tỏa, tạo sự thúc đẩy cho sự phát triển nhiều ngành khác.

Trong khi đó, ông Lê Hồng, chuyên viên cao cấp của Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội khẳng định cần có một khoản kinh phí trong đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025 để nghiên cứu chế tạo đầu máy và hệ thống tín hiệu tàu cao tốc.

"Không chỉ vậy, các đơn vị cần nghiên cứu thêm những công nghệ ứng với đường cao tốc để hoàn thiện trình Chính phủ và Quốc hội sớm thông qua. Hơn nữa, dù công nghệ 200 km hay 300 km cũng phải huy động được tối đa các nhà máy ở Việt Nam chế tạo được, tận dụng được trí tuệ, nhân lực của chế tạo cơ khí Việt Nam", ông Hồng nói.

Nhiều chuyên gia kinh tế đầu ngành nhận định dự án đường sắt cao tốc Bắc - Nam có quy mô lớn, tác động đến mọi mặt đời sống kinh tế xã hội của đất nước trong một vài thập kỷ tới. Do đó, mỗi nội dung dự án cần được nghiên cứu kỹ lưỡng, đặc biệt là phương án tài chính cần được tiếp tục bổ sung và hoàn chỉnh theo hướng cập nhật, thêm các kịch bản phù hợp nhằm thích ứng với mọi tình huống.

Trong báo cáo nghiên cứu tiền khả thi đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam, Bộ Giao thông Vận tải đề xuất thực hiện phương án nâng cấp đường sắt hiện hữu khổ 1.000 mm chủ yếu để chạy tàu hàng; đồng thời, xây mới tuyến đường sắt tốc độ cao 350 km/h (chỉ chở khách, không chở hàng). Lộ trình xây dựng theo 2 giai đoạn với tổng vốn đầu tư 58,71 tỷ USD.

Giai đoạn 1 từ 2020 - 2030 đầu tư xây dựng đoạn Hà Nội - Vinh và Nha Trang -TP.HCM. Giai đoạn 2 dự kiến từ năm 2030 - 2040, đầu tư xây dựng đoạn Vinh - Nha Trang, trong đó đoạn Vinh - Đà Nẵng hoàn thành năm 2040, đoạn Đà Nẵng - Nha Trang có thể kéo dài tới năm 2045.

Đến đầu tháng 01/2021, để phục vụ thẩm định dự án, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã đề nghị Bộ Giao thông Vận tải bổ sung thêm phương án đầu tư mới tuyến đường sắt với dải tốc độ từ 160 km/h đến dưới 200 km/h, tốc độ thấp hơn phương án nêu trên song chở được cả hành khách và hàng hóa.

Tin bài liên quan