Bài toán chính sách làm khó Fed

Bài toán chính sách làm khó Fed

(ĐTCK) Liệu đến lúc Quỹ Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) nên bắt đầu rút khỏi các chính sách đặc biệt mà cơ quan này theo đuổi trong những năm qua?

Câu hỏi cốt yếu này hiện đang chiếm lĩnh tâm trí của các quan chức Ngân hàng Trung ương, cũng như các nhà giao dịch trên thị trường cổ phiếu và trái phiếu, những người sẽ theo gót mọi hành động của Fed.

Khi ông Ben Bernanke, Chủ tịch đương nhiệm của Fed, cùng các đồng nghiệp của mình bắt đầu áp dụng chính sách lãi suất gần bằng không và mua lượng lớn tài sản, họ hy vọng rằng, mọi thứ sẽ trở lại bình thường vào thời điểm hiện nay.

Không may, thực tế đã không diễn ra như dự kiến. Mặc dù sự phục hồi đã bắt đầu từ hơn 4 năm qua, nhưng nó quá yếu để đưa nền kinh tế thoát khỏi tình trạng “bệnh tật”. Điều đó buộc Fed phải trì hoãn kế hoạch rút lui của mình, cho dù biên bản cuộc họp chính sách gần đây ám chỉ Ngân hàng Trung ương đang xem xét một số điều chỉnh.

Trong phát biểu gần đây trước Ủy ban Ngân hàng của Thượng viện, bà Janet L. Yellen, ứng viên sáng giá nhất cho vị trí Chủ tịch Fed tương lai, đã nói rõ rằng, trong đầu bà hiện không có ý nghĩ nào về thời điểm dừng chương trình mua trái phiếu.

Với việc lạm phát vẫn giậm chân xa dưới mục tiêu 2% và thị trường lao động tiếp tục yếu, bà Yellen khẳng định, nền kinh tế còn cần đến tất cả những sự trợ giúp mà Fed có thể cung cấp.

Nhiều thông số đang hỗ trợ cho “chẩn đoán” của bà Yellen. Tỷ lệ thất nghiệp hiện vẫn cao hơn khoảng 3 điểm phần trăm so với cách đây 7 năm, thời điểm trước khi các vấn đề tài chính của nền kinh tế bắt đầu bộc lộ.

Tỷ lệ việc làm trên dân số vẫn thấp hơn khoảng 5 điểm phần trăm so với mức trước khủng hoảng và hầu như không có cải thiện gì đáng kể so với thời điểm đáy suy thoái.

Những con số này cho thấy, nền kinh tế Mỹ vẫn còn ốm yếu, hay còn nhiều tiềm năng chưa được dụng đến. Điều này cũng có nghĩa, lạm phát còn lâu mới trở nên đáng ngại, và do đó, Fed có thể lui lại thời điểm rút chương trình mua trái phiếu. Nhưng dữ liệu về thị trường lao động là rất khó để phiên dịch, vì cuộc suy thoái này khác xa những lần trước.

Thông số đáng chú ý nhất của dữ liệu kinh tế là số tuần trung bình mà một người thất nghiệp tìm kiếm việc làm - được sưu tập từ năm 1948. Cho đến gần đây, con số lớn nhất là 22 tuần, hậu quả của suy thoái kinh tế năm 1981 - 1982.

Tuy nhiên, trong đợt suy thoái vừa qua, con số trung bình này đã leo lên khoảng 41 tuần, và hiện vẫn đứng ở mức trên 36 tuần. Nói cách khác, sau 4 năm phục hồi, kinh tế Mỹ vẫn có tình trạng thất nghiệp dài hạn cao chưa từng thấy.

Các nhà kinh tế theo lý thuyết trễ tin rằng, tình trạng thất nghiệp dài hạn đó sẽ để lại di chứng vĩnh viễn cho nền kinh tế. Lý do là, thất nghiệp dài hạn làm mất đi những kỹ năng lao động quan trọng và, theo thời gian, người ta trở nên ngại tìm việc.

Ở góc độ nào đó, những người này có lẽ đã thực sự rời khỏi lực lượng lao động. Nếu lý thuyết này đúng thì thị trường lao động hôm nay có lẽ đang yếu hơn những gì mà tỷ lệ thất nghiệp và tỷ lệ việc làm trên dân số thể hiện được. Các nhà làm chính sách ở Fed có lẽ phải chấp nhận tỷ lệ thất nghiệp thấp đó là một sự bình thường mới.

Một chỉ số khác cho biết những gì đang diễn ra trên thị trường lao động là tỷ lệ việc làm trống. Mặc dù ít phổ biến hơn các con số thất nghiệp, tỷ lệ này là một tấm gương phản chiếu chính các chỉ số đó. Để tính toán tỷ lệ thất nghiệp, Cục Thống kê - Bộ Lao động tiến hành khảo sát các hộ gia đình để thu thập số lượng công nhân không có việc làm.

Còn để tính toán tỷ lệ việc làm trống, Cục Thống kê khảo sát các chủ doanh nghiệp để xác định số lượng việc làm không có công nhân.

Tỷ lệ việc làm trống có tính chu kỳ khá cao. Trong suy thoái, khi khó bán hàng, các doanh nghiệp thường tạo ra ít việc làm mới hơn. Ngoài ra, do số lượng người tìm việc tăng lên, nên các việc làm mới cũng nhanh chóng được lấp đầy và kết quả là tỷ lệ việc làm trống giảm xuống.

Ngược lại, khi kinh tế hồi phục, doanh nghiệp bắt đầu mở mới hoạt động và việc làm khó lấp đầy hơn, vì vậy, tỷ lệ việc làm trống tăng lên.

Cuộc suy thoái gần đây là một ví dụ, 7 năm trước, tỷ lệ việc làm trống là hơn 3%. Tỷ lệ này đã giảm xuống mức thấp 1,6% trong tháng 7/2009, một tháng sau đáy suy thoái. Gần đây nhất, nó là 2,8%. Bởi vậy, theo phương pháp đo lường tỷ lệ lấp đầy trên thị trường lao động, nền kinh tế hầu như đã trở lại bình thường.

Dữ liệu lạm phát tiền công cũng cho thấy thị trường lao động đã cải thiện. Trong hơn một năm qua, mức tiền công bình quân theo giờ của người lao động đơn thuần đã tăng 2,2%, so với mức 1,3% của 12 tháng trước đó. Tốc độ tăng tiền công gia tăng không phải là dấu hiệu của một thị trường lao động sa sút sâu.

Cách mà các dấu hiệu đấu chọi nhau nói trên được xử lý sẽ rốt cuộc xác định diễn tiến của chính sách tiền tệ. Do nghĩ là nền kinh tế còn yếu, nên bà Yellen đặc biệt không lo lắng về lạm phát, cũng không thúc giục Fed rút chính sách kích thích kinh tế về.

Nhiều dữ liệu hiện đang xác thực cho đánh giá của ứng viên Chủ tịch Fed, nhưng cuộc suy thoái lần này là vô thường, không thể áp dụng kinh nghiệm lịch sử. Hơn nữa, các thống kê khác cũng đưa đến kết luận khác. Bà Yellen có thể không còn đúng, và khi có thêm dữ liệu mới, rất có thể, bà Phó chủ tịch Fed sẽ thay đổi suy nghĩ của mình.           

>>“Thật nhầm lẫn khi nghĩ Fed sắp rút gói QE3”

>>FED sắp có nữ Chủ tịch đầu tiên

>>Quan chức Fed ủng hộ giảm QE3 trong năm nay