Margin, kho hàng và domino bất động sản
Phiên 17/1/2021, VN-Index “bốc hơi” hơn 43 điểm, xuống gần ngưỡng 1.450 điểm. Phiên tiếp theo, chỉ số có thời điểm giảm còn 1.425 điểm, nhưng hồi lên gần 1.440 điểm khi kết thúc phiên giao dịch. Sau đó, thị trường lấy lại được sắc xanh,
VN-Index cuối tuần qua (21/1) tăng lên gần 1.473 điểm (phiên 6/1 đạt 1.528 điểm), nhưng thanh khoản giảm dần và một số mã cổ phiếu tiếp tục giảm giá sàn.
Sang tới tuần mới, ngay trong phiên đầu tuần (24/1), lực bán tháo phiên chiều khiến VN-Index hơn 33 điểm xuống dưới 1.440 điểm với 116 mã giảm sàn trên HOSE. Đến phiên 25/1, lực bán tiếp tục diễn ra mạnh trong phiên sáng, khiến VN-Index thêm một lần nữa bị đẩy xuống dưới 1.425 điểm. Tuy nhiên, lực cầu bắt đáy đã nhập cuộc trong phiên chiều, nhất là ở nhóm bluechip giúp VN-Index đảo chiều ngoạn mục, đóng cửa tăng gần 40 điểm, lên 1.479,58 điểm - mức cao nhất ngày. Tuy nhiên, nhiều mã thị trường như họ FLC, CII, NBB, QCG, HAG... vẫn còn dư bán sàn.
Theo ông Huỳnh Tuấn, Giám đốc Công ty đầu tư FIDT, sau khi VN-Index lao dốc, thị trường lan truyền các thống kê và lập luận rằng, hiện tượng liên đới margin call (lệnh gọi bổ sung ký quỹ - nhà đầu tư phải nộp thêm tiền hoặc bán bớt chứng khoán để tỷ lệ vay giao dịch ký quỹ trở về ngưỡng an toàn) xảy ra, nghĩa là khi không bán được hàng thì sẽ bán liên đới các mã trong danh mục.
Về hiện tượng liên đới margin call, ông Tuấn cho biết, với một mã chứng khoán thì bộ phận quản lý nguồn, cung ứng margin và kiểm soát rủi ro của công ty chứng khoán sẽ đưa ra 3 tiêu chí để kiểm soát: tỷ lệ cho vay, giá chặn (max price), hạn mức (room) cho vay.
Ví dụ, tại một công ty chứng khoán Top đầu về dư nợ margin, cổ phiếu ROS được cho vay theo các tiêu chí: tỷ lệ cho vay là 20%, giá chặn là 3.000 đồng/cổ phiếu, room cho vay 5,5 tỷ đồng.
Trong bất cứ hoàn cảnh nào thì công ty chứng khoán này cũng chỉ cho vay mua mã ROS tối đa là 1.500 đồng/cổ phiếu, giá trị cho vay không quá 5,5 tỷ đồng. Công ty chứng khoán chỉ mất vốn khi giá cổ phiếu ROS giảm xuống dưới 1.500 đồng/cổ phiếu. Mã FLC cũng có tiêu chí cho vay tương tự.
Được biết, các công ty chứng khoán nội ít cho vay nhóm cổ phiếu FLC, mà nguồn cho vay chủ yếu đến từ các công ty chứng khoán ngoại. Vì thế, sự liên đới khi không bán được nhóm FLC dẫn tới bán lan sang nhóm cổ phiếu còn lại trong danh mục ở mức thấp đối với các nguồn cho vay từ nhóm công ty chứng khoán nội.
Nhiều khả năng lực bán mạnh mẽ nhóm cổ phiếu FLC tại mức giá sàn đến từ các “kho hàng” - một dịch vụ cho vay mua chứng khoán không chính thức.
Vậy lực bán nhóm cổ phiếu FLC đến từ đâu? Nhiều khả năng, lực bán mạnh mẽ với giá sàn đến từ các “kho hàng” - một dịch vụ cho vay mua chứng khoán không chính thức. Các kho hàng với tiêu chí là mạo hiểm hơn đi kèm lãi cao hơn được xem như nguồn vốn phục vụ thị trường ngách là các nhu cầu đầu cơ.
Theo một số nguồn tin, mã FLC có thể được cho vay 8.000 - 10.000 đồng/cổ phiếu và mã ROS được cho vay 5.000 - 6.000 đồng/cổ phiếu. Vì vậy, động cơ bán giải chấp ở kho hàng là hiện hữu, vì các khách hàng sử dụng thường có tâm lý bỏ mặc khi bị margin call ở các kho này.
Một vấn đề khác đáng chú ý là hiệu ứng tâm lý domino ở nhóm cổ phiếu bất động sản sau khi Công ty TNHH Đầu tư Ngôi Sao Việt (thuộc Tập đoàn Tân Hoàng Minh) bỏ cọc lô đất trúng đấu giá tại Khu đô thị mới Thủ Thiêm với giá hơn 2,4 tỷ đồng/m2 và lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước đưa ra thông điệp kiểm soát chặt chẽ tín dụng vào các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro như đầu tư kinh doanh bất động sản, chứng khoán.
Với thị trường chứng khoán cận biên như Việt Nam, yếu tố tâm lý đóng vai trò quan trọng và thường tạo ra xu hướng đồng thuận theo cả 2 chiều.
Nhiều nhà đầu tư cá nhân trong nước đã bán cả những cổ phiếu cơ bản khi phát sinh tâm lý bảo toàn thành quả và bảo toàn danh mục, chứ không do tác động từ các yếu tố phân tích cơ bản.
Các câu chuyện về đầu cơ kiếm tiền nhanh hay đu theo các thông tin “phím hàng” đã trở thành bài học đắt giá cho các nhà đầu tư cả cũ và mới. Thiệt hại của không ít nhà đầu tư trong đợt điều chỉnh vừa qua là rất nặng nề. Thị trường “quay xe” ngay sau khi các tài khoản cân bằng trở lại đã cho thấy rõ điều đó.
VN-Index có thể lập đỉnh mới, nhưng gian nan
Ở góc độ phân tích kỹ thuật, nhóm chuyên gia của Quỹ AFC Vietnam Fund cho rằng, trong các phiên giảm điểm mạnh vừa qua, VN-Index dao động theo mô hình sóng Elliott. Sau khi chạm 1.424 điểm - mức thấp nhất trong phiên 17/1/2021 và 25/1, nhưng là đỉnh cũ trong tháng 7/2021 - đà giảm chững lại với sự hỗ trợ của nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn.
Chỉ số đã hoàn thành sóng A nên xuất hiện sóng hồi. Tuy nhiên, trong bối cảnh hiện tại, nhịp bật lại này có thể khác biệt so với cùng kỳ năm ngoái.
Ở các phiên margin call trong quá khứ, giá giảm mạnh rồi bật tăng nhanh, nhưng lần này, nhịp hồi của thị trường nhiều khả năng sẽ gặp khó khăn, chứ không diễn biến nhanh và dễ dàng như các lần trước.
Ở giai đoạn tháng 1/2021, margin call tác động lên cả nhóm vốn hóa lớn, vừa và nhỏ, khiến chỉ số VN30, VNMidcap, VNSmallcap đồng loạt giảm. Mức giảm lên đến 20 - 30% đã kích hoạt dòng tiền bắt đáy, giúp thị trường bật tăng nhanh và mạnh sau đó. Hiện tượng bật tăng nhanh này còn đến từ biên độ tăng giá của thị trường ở thời điểm tháng 1/2021 là chưa cao.
Trong khi đó, ở giai đoạn hiện tại, nhóm vốn hóa vừa và nhỏ tuy đã giảm điểm nhiều phiên nhưng so sánh với biên độ tăng giá từ đầu tháng 8/2021 đến nay vẫn ở mức giá cao hơn mức trung bình của toàn thị trường.
Bên cạnh đó, cổ phiếu trong nhóm VN30 chưa có mức giảm giá mạnh để kích hoạt dòng tiền bắt đáy và áp lực bán từ các nhóm cổ phiếu khác còn hiện hữu, nên mức độ phục hồi dự kiến sẽ không nhiều.
Với những yếu tố vĩ mô trong và ngoài nước hiện nay, nhiều chuyên gia chứng khoán nhận định, năm Nhâm Dần 2022 sẽ là một năm không dễ dàng với thị trường chứng khoán. Thị trường có thể diễn biến thận trọng do ảnh hưởng từ các lo ngại về nguy cơ lạm phát, lãi suất tăng, tiêu dùng nội địa yếu và tăng trưởng lợi nhuận thấp.
Đáng lưu ý, ước tính tăng trưởng lợi nhuận các công ty niêm yết trong nửa đầu năm 2022 không cao, với 2 lý do chính: thứ nhất, mức so sánh cao của cùng kỳ năm ngoái; thứ hai, cầu tiêu dùng trong nước sau làn sóng Covid-19 thứ 4 cần nhiều thời gian để phục hồi.
Dù vậy, trong nửa đầu năm 2022, một số ngành có khả năng tăng trưởng vượt trội như xuất khẩu thủy sản, dệt may, vận tải biển; những loại hàng hóa có thể đạt mức giá cao bao gồm phân bón, thủy sản, hóa chất, mía đường; các ngành hưởng lợi từ đầu tư công như xây dựng, bất động sản dân cư, bất động sản khu công nghiệp; ngành hưởng lợi từ môi trường lãi suất thấp như chứng khoán, bất động sản dân cư.
P/E thị trường chứng khoán hiện tại là 15,4 lần, không phải là mức quá rủi ro và đắt đỏ so với các mức đỉnh trong quá khứ (khoảng 25 lần). Giả định P/E thị trường trở lại vùng 16 - 17 lần, VN-Index sẽ có mức điểm tương ứng là 1.750 điểm trong năm 2022. Theo đó, mạnh dạn đặt niềm tin vào các doanh nghiệp xuất sắc, đặc biệt ở những thời điểm thị trường bi quan nhất thường đem lại kết quả đầu tư tốt sau này.