Bác sĩ tình nguyện tới tâm dịch: Không biết ngày về, chỉ hẹn bình an!

Bác sĩ tình nguyện tới tâm dịch: Không biết ngày về, chỉ hẹn bình an!

0:00 / 0:00
0:00
Những chiến binh áo trắng ở tâm dịch Bắc Giang luôn tự động viên nhau “mệt chỉ là cảm giác”, quan trọng nhất là dập được dịch, trả lại cuộc sống bình yên vốn có cho nhân dân.

Làm việc trong cái nóng cháy trời, cháy đất, mồ hôi như tắm, cơ thể mệt lả, hay những khi dầm mưa sũng nước tìm diệt Covid-19, những chiến binh áo trắng ở tâm dịch Bắc Giang luôn tự động viên nhau “mệt chỉ là cảm giác”, quan trọng nhất là dập được dịch, trả lại cuộc sống bình yên vốn có cho nhân dân.

Sức nắng gay gắt của trưa hè tháng 6 khiến những người khoẻ nhất cũng phải ngao ngán, ấy vậy mà, ở tâm dịch, hàng ngàn, hàng vạn chiến sĩ áo trắng đang chạy đua với thời gian, xong pha giữa mặt trời thiêu đốt để tìm diệt Covid-19.

Trong số các y, bác sĩ đang chống dịch tại Bắc Giang, phần nhiều là các tấm gương tình nguyện từ khắp mọi miền Tổ quốc. Họ tạm gác công việc cá nhân còn dở dang, rời mái ấm gia đình, kìm lòng trước tiếng cười, tiếng nói con thơ để tới với đồng bào đang vật vã trong tâm dịch.

Trưa ngày đầu tháng 6, trong cái nắng như đổ lửa, gần 350 sinh viên tình nguyện cùng các giảng viên Trường Cao đẳng Y tế Bạch Mai do PGS.TS. Đào Xuân Cơ, Phó giám đốc Bệnh viện Bạch Mai làm Trưởng đoàn đã có mặt ở tâm dịch Bắc Giang. Trọng trách của Đoàn là thực hiện tiêm vắc-xin phòng Covid-19 cho công nhân hai tỉnh Bắc Giang và Bắc Ninh.

Khi được hỏi, mọi người trong đoàn tình nguyện đều cho hay họ rất tự hào được khoác trên mình chiếc áo blouse trắng, thực hiện sứ mệnh của người thầy thuốc được viết nắn nót trong lời thề Hippocrates mà mỗi sinh viên y khoa đều khắc cốt ghi tâm. Theo lời BSCKII. Trương Thị Thu Hương, Hiệu phó Trường Cao đẳng Y tế Bạch Mai - người trực tiếp cùng sinh viên tham gia chiến dịch tiêm vắc-xin, bản thân chị rất tự hào vì các tình nguyện viên trong đoàn đều có tinh thần của những người lính quả cảm, tràn đầy trách nhiệm với nhiệm vụ là cùng người dân đẩy lùi đại dịch Covid-19.

Cũng thời điểm này, đoàn y, bác sĩ Bệnh viện C Đà Nẵng gồm 7 thành viên lên đường tới Bắc Giang để san bớt những áp lực mà nhân viên y tế tại đang trải qua. Lên đường chưa hẹn ngày về, các thành viên trong đoàn tình nguyện đều xác định đây sẽ là những ngày chiến đấu kiên cường với dịch bệnh, là những ngày mồ hôi ướt đẫm lưng áo, là những lúc chỉ thèm một giấc ngủ ngon, bát canh chua hay những lúc chùng xuống vì nhớ con, nhớ nhà. Tuy vậy, gác lại tất cả, “vũ khí” mà họ có lúc này chính là sự quyết tâm, tinh thần xả thân, không ngại khó, không ngại khổ chiến đấu và chiến thắng dịch bệnh.

Chia tay các bác sĩ lên đường làm nhiệm vụ, rưng rưng xúc động bác sĩ Nguyễn Trọng Thiện, Giám đốc Bệnh viện C Đà Nẵng đã động viên các cán bộ y tế và tin tưởng rằng, ngày mà cả gia đình Bệnh viện C được đoàn tụ trong niềm vui vỡ òa, trong tin thắng trận và trong cả niềm tự hào sẽ không xa.

“Với sức trẻ, nhiệt huyết góp chút gió thành bão và tài năng được rèn luyện qua những đợt dịch lần trước, hy vọng Bệnh viện C Đà Nẵng sẽ góp phần cùng với Bắc Giang và cả nước chiến đấu kiên cường với dịch Covid-19”, lãnh đạo Bệnh viện C Đà Nẵng tin tưởng.

Đến với Bắc Giang, đặt hành trang xuống họ lập tức bắt tay vào công việc tại Bệnh viện Tâm thần - nơi tập trung điều trị các ca bệnh nặng. Dù lo lắng khi bệnh nhân tại đây có nhiều người trẻ, song bác sĩ Nguyễn Tấn Hùng, Phó Khoa Hồi sức tích cực, chống độc, Bệnh viện C Đà Nẵng hy vọng, bệnh nhân trẻ sẽ có khả năng phục hồi tốt hơn bệnh nhân lớn tuổi có bệnh nền.

Sở dĩ như vậy là do khi dịch bùng phát tại Đà Nẵng, nhiều ca bệnh cao tuổi, có bệnh nền mà anh và đồng nghiệp vẫn nỗ lực cứu sống thành công. “Hy vọng lần này đến Bắc Giang, chúng tôi có thể cứu được tất cả bệnh nhân, để không phải chứng kiến những giọt nước mắt chia lìa người thân của người nhà bệnh nhân”, bác sĩ Hùng cho biết.

“Bắc Giang gọi, Yên Bái sẵn sàng”, đó là khẩu hiệu mà đội ngũ nhân viên y tế của Yên Bái dành cho Bắc Giang. Bác sĩ Lê Đình Tiến, Trưởng đoàn công tác của Yên Bái xuống Bắc Giang chi viện chống dịch Covid-19 năm nay đã 59 tuổi. Trên có mẹ già ngoài 80 tuổi, dưới còn có người con khuyết tật bẩm sinh, thế nhưng bác sĩ Tiến không chút do dự, nhanh chóng điền tên mình vào danh sách tham gia tình nguyện.

Theo lời bác sĩ Tiến, đoàn của anh có 15 người, thì 10 cán bộ làm công tác truy vết, 5 cán bộ còn lại đến các điểm dịch lấy mẫu xét nghiệm. Dù từ xa tới, chưa quen môi trường, nhưng khi đặt chân tới Bắc Giang, họ không một phút ngơi nghỉ, lập tức bắt tay vào công việc, từ sáng tới tận đêm khuya.

Mấy hôm đầu chưa quen cường độ công việc cộng với thay đổi môi trường nên mọi người trong đoàn có chút mệt, thậm chí bị say nắng. Tuy nhiên, ai cũng tràn đầy nhiệt quyết và không hề kêu ca nửa lời, chung một hào khí, quyết tâm sắt đá, chỉ trở về quê hương khi dịch Bắc Giang đã yên.

Những ngày đầu tháng 6, tiết trời Bắc Giang nắng nóng cao độ. Cùng với các nhân viên y tế khác, đoàn tình nguyện từ Yên Bái xuống Bắc Giang luôn phải làm việc trong mặc đồ bảo hộ kín mít, liên tục tiếp nhận, thăm khám, sàng lọc cũng như chăm sóc ban đầu cho các ca nghi mắc Covid-19. Chẳng ai bảo ai, cả đoàn cứ thế làm việc đến quên thời gian, khi trong bụng cồn cào cơn đói, họ mới nhìn lên đồng hồ và biết rằng đã quá bữa cơm từ lâu.

Bác sĩ trẻ Bùi Thành Công đang công tác tại Bệnh viện Đa khoa khu vực Nghĩa Lộ tình nguyện tới Bắc Giang cho hay, do đặc thù luôn trong tình trạng “trực chiến 24/24h”, nên bất kể lúc sáng sớm hay khi tối muộn, cứ có bệnh nhân đến là Công bật dậy làm việc.

Theo lời kể của Công, có những hôm anh phải vào từng thôn, đến tận nhà làm công tác truy vết, khám bệnh cho người nghi mắc Covid-19. Đến khi về thì suất cơm để trong thời tiết nắng nóng đã rất khó ăn. Khi ấy chàng trai trẻ lại phải uống thêm sữa để lấy sức làm việc. Và dù có đêm chỉ ngủ được vài tiếng nhưng hôm sau anh vẫn có thể làm việc với tất cả sức trẻ.

“Làm việc ở đây nắng nóng nên cơ thể khá mệt, song mọi người trong đoàn đều tự nói với nhau rằng, mệt chỉ là cảm giác, chỉ cần cố thêm chút nữa, chút nữa, dịch sớm kiểm soát chúng ta lại có thể sớm được trở về mảnh đất Tây Bắc yêu thương”, chàng bác sĩ trẻ quê Yên Bái chia sẻ.

Cùng với Yên Bái, nhiều bác sĩ, nhân viên y tế của Quảng Ninh cũng lên đường trợ giúp Bắc Giang chống dịch. Chị Nguyễn Thị Hương, sinh năm 1983 là điều dưỡng viên tại Khoa Thận tiết niệu, Bệnh viện Việt Nam - Thụy Điển Uông Bí là một trong 200 tình nguyện viên như vậy.

Trong bối cảnh dịch cấp bách tại Bắc Giang, chị Hương đã cùng 199 y, bác sĩ và điều dưỡng khác sẵn lên đường về Khu công nghiệp Quang Châu, tại huyện Việt Yên chống dịch.

Giữa mùa hè nóng bức, chị và đồng nghiệp khoác trên mình đồ bảo hộ kín mít và chỉ nhìn thấy nhau qua ánh mắt. Thế nhưng, cái nắng cái nóng của Bắc Giang cũng không làm khó được tinh thần cả đội. Hiện tại, Đội bố trí thời gian triển khai công việc từ sáng sớm đến trưa nắng nóng sẽ nghỉ và chiều tối tiếp tục, có khi làm đến đêm.

Với tinh thần “chống dịch như chống giặc”, nhóm 3 chuyên gia trẻ của Viện Pasteur Nha Trang cùng hệ thống trang thiết bị máy móc đã vượt quãng đường hơn 1.300 km đến chi viện tỉnh Bắc Giang đẩy nhanh công tác xét nghiệm RT-PCR, với quyết tâm góp một phần sức lực nhỏ bé giúp địa phương sớm khống chế và chiến thắng dịch bệnh.

Xuất phát sáng ngày 22/5, tới Bắc Giang khi trời đã tối. Không bỏ phí chút thời gian nào, dưới sự chỉ đạo của Bộ phận thường trực đặc biệt Bộ Y tế và các cấp chính quyền sở tại, ngay trong đêm, nhóm đã bố trí hoàn thiện ngay một phòng xét nghiệm RT-PCR tại trụ sở Bệnh viện Sản-Nhi tỉnh Bắc Giang.

Hành trang các chiến sĩ của Bệnh viện C Đà Nẵng mang theo trên người ngoài những vật dụng cá nhân tối giản, còn là sự yêu thương lớn lao mà những người ở lại đặt để nơi họ. Chia tay không biết ngày về, chỉ hẹn ngày bình an. Không nhiều lời dặn dò, chỉ có mệnh lệnh phải giữ gìn sức khỏe thật tốt.

Với tinh thần làm việc quyết tâm cao độ, sáng 23/5, phòng xét nghiệm đã đi vào hoạt động ngay.

Do hạn chế về mặt con người lẫn trang thiết bị, trong hai ngày đầu phòng xét nghiệm chỉ đạt công suất 300 mẫu đơn/ngày. Những ngày sau đó, 3 chuyên gia của Viện Pasteur Nha Trang ngoài nhiệm vụ chính đã kiêm nhiệm luôn công tác hướng dẫn, đào tạo cho 6 cán bộ của Khoa Xét nghiệm thuộc Bệnh viện Sản-Nhi Bắc Giang kỹ năng xét nghiệm RT-PCR. Nhờ sự hỗ trợ đắc lực này, cộng thêm cường độ làm việc liên tục từ 7h sáng tới 22h đêm hằng ngày, phòng xét nghiệm đã nâng công suất từ 300 lên thành 700 mẫu đơn/ngày, góp phần cùng nhiều lực lượng chi viện khác đẩy nhanh hơn công tác xét nghiệm tại Bắc Giang.

Trong khi dịch Covid-19 đang hoành hành, để chiến đấu và chiến thắng, đòi hỏi lực lượng y tế nói riêng và cộng đồng nói chung phải nỗ lực, tận tâm hết mình. Bỏ lại gia đình phía sau, lên đường chống dịch, những cán bộ y tế luôn là những người “đi trước, về sau”. Với họ, công cuộc chống dịch còn gian nan, thời gian có thể sẽ còn dài nên tình cảm cá nhân hay nỗi lo gia đình sẽ xếp sau, dành ưu tiên trên hết cho cuộc chiến mà cả dân tộc đang cùng chiến đấu.

Khi làm việc, từng lớp áo quần, mặt nạ, khẩu trang, tấm chắn che mặt... được các chiến sĩ áo trắng thuần thục mang lên người một cách cẩn thận. Hơn ai hết, họ hiểu rằng mình đang bước vào một trận chiến thực sự.

Và khi cởi bỏ bộ trang phục chống dịch ướt đẫm mồ hôi trong làn gió đêm se lạnh, quầng thâm dưới mắt hiện rõ trên gương mặt mỗi người. Tuy vậy, ở họ, tôi thấy một thứ ánh sáng khác, thứ ánh sáng soi rọi suốt những đêm trắng không ngủ, thao thức bên từng người bệnh, thứ ánh sáng được thắp lên từ trái tim yêu thương, sẻ chia và sự hy sinh vô bờ bến của các “thiên thần áo trắng”.

Nếu trong chiến tranh, hình ảnh thanh niên Việt Nam xếp bút nghiên lên đường chống giặc với các lá đơn tình nguyện viết bằng máu thể hiện sự quyết tâm, thì nay trong cuộc chiến với Covid-19, hình ảnh này lại được tái hiện. Không phân biệt tuổi tác, giới tính, họ xung phong tiến vào tâm dịch với nụ cười tự tin.

Điều dưỡng Phạm Thị Huế, công tác tại Khoa Hồi sức tích cực, chống độc - thận nhân tạo của Bệnh viện Đa khoa Quảng Ninh trước khi lên đường tới Bắc Giang đã không ngần ngại cắt đi mái tóc dài yêu thích để thuận tiện cho việc chăm sóc, điều trị bệnh nhân Covid-19.

Nữ điều dưỡng sinh năm 1998 cho hay, trước khi vào tâm dịch Bắc Giang, cô đã được tập huấn cũng như tham gia các hoạt động phòng chống dịch bệnh Covid-19 tại bệnh viện.

Huệ khá tự tin sẽ làm tốt công việc của mình khi tới Bắc Giang, bởi đặc trưng công việc điều dưỡng vốn đã vất vả, nhưng điều lo lắng nhất của cô là mái tóc dài sẽ vướng víu, bất tiện, mất thời gian chăm sóc, trong khi đó còn nhiều người cần tới cô hơn.

“Thời tiết nóng bức, cộng với cường độ làm việc cao, nếu còn mất thời gian cho việc gội đầu sẽ rất bất tiện, bởi vậy, sau nhiều đắn đo em quyết định cắt tóc ngắn để thuận tiện cho công việc chăm sóc, điều trị bệnh nhân”, nữ điều dưỡng trẻ không khỏi tiếc nuối.

Cũng như những thành viên khác trong đoàn, quyết định chi viện đến Bắc Giang chống dịch của Phạm Thị Huế không ghi thời gian về.

Huệ xác định trước tinh thần, bao giờ Bắc Giang khống chế được dịch bệnh thì cô mới trở lại Quảng Ninh tiếp tục nuôi… tóc dài.

“Tóc có thể dài ra theo thời gian, nhưng cuộc chiến với dịch thì không chờ đợi ai. Em chỉ mong đóng góp chút sức lực của bản thân để giúp người dân nơi đây sớm được bình an trở lại”, Phạm Thị Huế tâm sự.

Không có tóc dài để cắt ngắn như nữ điều dưỡng Phạm Thị Huế, nên bác sĩ Đặng Minh Hiệu, Khoa Gây mê hồi sức, Bệnh viện Đại học Y dược TP.HCM đã không sợ xấu mà… cạo trọc đầu.

Cùng với hơn 200 y bác sĩ của Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM (UMC) tình nguyện đăng ký tham gia tuyến đầu chống dịch Covid-19 tại Bắc Giang, bác sĩ trẻ trải lòng anh rất hạnh phúc vì được chiến đấu cùng đồng nghiệp.

Hiệu quan niệm, tuổi trẻ là những ngày tháng không có hai lần trong đời người, tuổi trẻ là để cống hiến, trải nghiệm, để làm những việc mà bản thân thấy có ích cho cộng đồng, cho dân tộc.

Với Hiếu và những bạn trẻ trên tuyến đầu chống dịch, những tháng ngày được cống hiến, được tận hiến nơi tâm dịch nóng rát là gia tài, là “ sự nghiệp”, là cả bầu trời thanh xuân nhiệt huyết mà không phải cũng có.

Và nam bác sĩ cho hay, khi còn ở trên ghế nhà trường, đó là những tháng ngày miệt mài với sách vở để tích luỹ kiến thức, ra trường trở thành một bác sĩ chữa bệnh cứu người thì nay khi đại dịch hoành hành, sứ mệnh của người bác sĩ chính là xung phong nơi tuyến đầu, không ngại vất vả chiến đấu với dịch bệnh, chăm lo sức khỏe cho nhân dân.

Chứng kiến nụ cười tự tin của bác sĩ Hiệu hay mái tóc ngắn cá tính của điều dưỡng Huệ, nhiều người trong chúng ta không khỏi xúc động và tự hào. Họ là những con người bình thường không hoa mỹ, song nụ cười ấy, ánh mắt ấy, tâm thế hiến dâng cho đồng bào đã vượt lên trên tất cả những ngôn từ đẹp nhất.

Có lẽ những ngày tháng ở Bắc Giang sẽ còn kéo dài, những trang nhật ký chống dịch của các tình nguyện viên từ khắp mọi miền Tổ quốc sẽ còn dày thêm. Họ sẽ còn đối diện với nhiều khó khăn, nhọc nhằn, nhưng chúng ta chắc chắn một điều, họ đã sống và cống hiến một cách trọn vẹn, đẹp đẽ khi khoác trên mình chiếc áo blouse.

Là một trong 6 điều dưỡng nữ của Bệnh viện C Đà Nẵng đến chi viện “điểm nóng” Bắc Giang, chị Võ Thị Hoài Thương, 37 tuổi, Khoa Gây mê hồi sức khiến nhiều người cảm phục khi chị nhất quyết xung phong đi chống dịch, dù nhà chỉ có 2 mẹ con, chồng chị đã mất cách đây hơn 10 năm do bệnh hiểm nghèo.

Chị kể, thời điểm dịch ở Đà Nẵng, chị hỗ trợ tại Bệnh viện Dã chiến Hoà Vang 1 tháng. Rồi đến 28-29 Tết Nguyên đán vừa qua, khi Gia Lai cần chi viện, chị cũng xung phong đăng ký và đã chuẩn bị tâm lý, hành trang để lên đường.

Tuy nhiên sau đó, do dịch tại đây được kiểm soát khá tốt, chị nhận được thông báo chưa cần đi, chính vì thế, lần này khi nhận được lệnh Đà Nẵng chi viện Bắc Giang, chị nhất quyết phải đi bằng được.

Điều dưỡng Hoài Thương chia sẻ, nhiều người có tâm lý lo ngại khi vào tâm dịch, nhưng chị lại nghĩ khác. Chị cho rằng, khi đã đứng trong hàng ngũ y bác sĩ phải luôn xác định tâm lý phải đương đầu với mọi khó khăn, thử thách, thậm chí là nguy hiểm.

Quyết định đi vào tâm dịch không hẹn ngày về quả thực không dễ dàng bởi theo lời chị Thương, nếu chị đi ở nhà chỉ còn cô con gái nhỏ đang chuẩn bị thi vào lớp 10.

Tuy vậy, con gái rất hiểu mẹ nên đã động viên chị cứ yên tâm. Bản thân chị cũng tin tưởng con bởi từ nhỏ do hoàn cảnh éo le, chị đã rèn luyện cho con trẻ tính tự lập.

Khi tới Bắc Giang, cùng với các đồng nghiệp, điều dưỡng Hoài Thương được phân công chăm sóc ca bệnh nặng tại Bệnh viện Phổi.

Áp lực trong công việc chăm sóc bệnh nhân Covid-19 chưa bao giờ giản đơn, song lần này đến Bắc Giang, cảm nhận của chị rất khác so với lần dịch ở Đà Nẵng.

Chị trải lòng, khi làm việc ở Bắc Giang, khí hậu rất khắc nghiệt, nắng nóng, bí bách khác hẳn Đà Nẵng. Ngoài ra, số lượng bệnh nhân trẻ, chuyển biến nặng rất nhanh nên thực sự nguy hiểm và áp lực cho đội ngũ y bác sĩ.

“Dù lo lắng, bất an nhưng khi vào đến phòng bệnh nặng, nhìn thấy các bệnh nhân nằm đó, mọi nỗi lo sợ không còn nữa. Khi ấy cảm giác duy nhất của tôi là mong bệnh nhân được chăm sóc, điều trị tốt, sớm mạnh khoẻ trở về với vòng tay người thân, gia đình", điều dưỡng Hoài Thương bộc bạch.

Rồi chị kể một câu chuyện vui trong phòng bệnh nặng. Ba ngày trước, trong một ca trực tối (4/6) tại Bệnh viện Phổi, có bệnh nhân nam phải lọc máu nhưng lúc đó vẫn tỉnh táo.

Bệnh nhân ra hiệu nhờ điều dưỡng đưa đi tiểu tiện, chị nhìn quanh phòng không thấy bô tiểu nam giới nên đành lấy một chai dịch đã hết rồi cắt một lỗ, đưa cho bệnh nhân đi vệ sinh.

Khi thấy chị đưa chai dịch, nam bệnh nhân nhìn chị với ánh mắt mở to ngạc nhiên pha lẫn ngại ngùng.

“Bệnh nhân thì họ thấy lạ, còn với tôi, việc chăm sóc bệnh nhân, nhất là khi họ là bệnh nhân Covid-19 nặng như vậy là rất bình thường”, nữ điều dưỡng sinh năm 1984 kể.

Chị tâm sự, dù nhớ con vạn lần, thương con ngàn lần chị cũng không bao giờ thể hiện sự yếu đuối trước mặt con, nước mắt chị sẽ nuốt vào trong, chờ ngày trở về bên con. Khi đó chị sẽ khóc, nhưng đó là giọt nước mắt của hạnh phúc, của đoàn viên, của niềm vui chiến thắng.

Trong những ngày hè tháng 6 này, nếu hỏi các chiến sĩ trên tuyến đầu chống dịch như chị Thương, chị Hương, điều dưỡng Huế, bác sĩ Hiệu, bác sĩ Tiến… có mệt không, họ không thể nói dối là không, nhưng không vì mệt mà họ chùn bước, nản chí, họ luôn trong trạng thái làm việc với tất cả sức lực hiện có cộng với tinh thần quyết tâm vượt khó để chờ ngày chiến thắng.

Một tháng, hai tháng hay còn lâu hơn thế, không ai biết khi nào dịch bệnh mới kết thúc, những cán bộ y tế nơi tuyến đầu mới bớt cực nhọc, khỏe mạnh về nhà và đoàn tụ với gia đình ăn những bữa cơm nóng hổi và giấc ngủ đủ giấc. Thế nên, vào lúc này, không gì quan trọng hơn những lời động viên, sự chia sẻ và thấu hiểu từ "hậu phương" cùng sự hợp tác của người dân đoàn kết chống dịch để ngày chiến thắng Covid-19 một gần.

Thấm thoát thoi đưa đất nước đã trải qua hai mùa hè rực lửa nơi chiến trường không tiếng súng- chiến trường của những chiến sĩ áo trắng đang ngày đêm chiến đấu chống lại Covid-19 bằng ngọn lửa nhiệt huyết, tinh thần trách nhiệm, không ngại gian khó.

Chúng ta cùng hy vọng, ngày hè của năm sau sẽ là những ngày cháy bỏng trong guồng quay lao động, sản xuất; trong tiếng cười nói rộn ràng của học sinh khi tiếng trống trường báo hiệu năm học mới kết thúc, không phải mùa hè của các chiến binh tìm diệt Sars-Cov-2.

Tin bài liên quan