Các nhà đầu tư mong đợi có một hành lang pháp lý cho hoạt động của sàn vàng

Các nhà đầu tư mong đợi có một hành lang pháp lý cho hoạt động của sàn vàng

Bạc mặt trên sàn vàng

(ĐTCK-online) Hoạt động giao dịch vàng tài khoản vẫn chưa được phép, nhưng trên thực tế, rất nhiều sàn vàng chui vẫn đang hoạt động, tạo ra rủi ro lớn cho những người tham gia.

Trong giai đoạn vừa qua, giá vàng vật chất trong nước có những thời điểm chênh lệch tới 4 - 5 triệu đồng/lượng so với giá vàng thế giới. Trước tình hình đó, thông tin trên báo chí cho biết, Ngân hàng Nhà nước đang xem xét mở lại giao dịch vàng tài khoản của các tổ chức tín dụng, như một giải pháp khơi thông thị trường trong nước và thế giới. Bởi dù hoạt động giao dịch vàng tài khoản vẫn chưa được phép, nhưng trên thực tế, rất nhiều sàn vàng chui vẫn đang hoạt động, tạo ra rủi ro lớn cho những người tham gia. Phóng viên ĐTCK đã thâm nhập vào một số sàn vàng tại Hà Nội để tìm hiểu hoạt động này.

Hạch toán lỗ lãi một cách nhanh chóng, sóng nhiều, không phải phân tích nhiều mã, một công cụ đầu tư đem lại cảm giác mạnh nhưng chỉ cần ít vốn… là những yếu tố cuốn hút nhiều NĐT đến với các sàn vàng chui. Vẫn biết đang chịu rủi ro kép: biến động khó lường của giá vàng và hành lang pháp lý của hoạt động này chưa có, nhưng NĐT vẫn tìm đến sàn vàng trong bối cảnh các kênh đầu tư đang bế tắc.

 

Chuyện ở "sàn chui"

Theo chân một môi giới kinh doanh vàng tài khoản, chúng tôi tới sàn vàng trên đường Ngọc Khánh, Hà Nội. Tiếng là sàn "chui", nhưng sàn vàng bao trọn tầng 3 của một tòa nhà văn phòng hiện đại, với khu vực chăm sóc khách hàng, trà, café, nước nóng… luôn sẵn sàng phục vụ. Thậm chí, sàn còn kết hợp với ngân hàng để NĐT nếu muốn có thể nộp/rút tiền từ tài khoản cá nhân chuyển sang tài khoản đầu tư hoặc ngược lại. Tuy vậy, khu vực sàn khá vắng lặng.

Lý giải điều này, môi giới tên Nguyễn giải thích: "Đầu tư vàng tài khoản, chị không cần phải lên sàn. Em sẽ cài phần mềm và chị chỉ cần đặt lệnh qua mạng là xong. Sàn giao dịch từ 7h sáng hôm trước đến 4h sáng hôm sau, Chủ nhật nghỉ. Mỗi một lệnh mua/bán tối thiểu là 0,2 lot (1 lot tương đương 100 ounce)". Với đòn bẩy 1:100, khi giao dịch 0,2 lot, NĐT phải đặt cọc số tiền 4 triệu đồng. Khi giá mỗi ounce vàng đang dao động trong ngưỡng 1.550 - 1.650 USD như hiện nay, chỉ cần giá vàng lên xuống 2 - 5 USD/ounce, mỗi một lệnh tối thiểu 0,2 lot, NĐT đã có thể lãi/lỗ vài trăm ngàn đến vài triệu đồng trong nháy mắt. "Chơi cái này đau tim lắm chị ạ. Phiên Á, phiên Âu, biên độ dao động nhỏ còn đỡ, phiên Mỹ, giá biến động lớn, không trông lệnh là cháy tài khoản ngay", Nguyễn cảnh báo.

Chỉ đến khi cài phần mềm bản demo, tôi mới thực sự cảm nhận sự "đau tim" này. Với 300 triệu đồng tiền ảo, lệnh đầu tiên, nhận định thị trường còn đi xuống, tôi bán khống (sell) 0,2 lot ở giá 1.619 USD/ounce. Phần mềm có dòng theo dõi các giao dịch và tính toán luôn lỗ lãi sau khi trừ phí để NĐT theo dõi. Ngay sau khi bán, lệnh của tôi đã có lời 1, rồi 2 triệu đồng. Tôi chốt lời.

Hưng phấn, tôi đặt một lệnh mua ở giá 1.609 USD/ounce và dự định sẽ chốt lời nếu giá tăng thêm 3 - 5 USD/ounce. Tuy vậy, sau khi đặt lệnh, giá liên tục đi xuống, chỉ sau khi đặt lệnh 1 phút, tôi đã thấy mình lỗ 2 triệu đồng. Càng chờ, giá càng xuống, tôi nhanh chóng lỗ tới 3 rồi 5 triệu đồng. Giá xuống rồi lên, đồ thị hình sin chạy dài dường như vô tận... Đỉnh điểm nhất là mức lỗ lên tới trên 20 triệu đồng cho lệnh mua trên. Phòng bật điều hòa mà lòng bàn tay tôi dấp dính mồ hôi. Đó chỉ là tiền ảo, nếu sử đụng đồng tiền phải lao động vất vả mới kiếm được thì quả là đau tim.

Thế nhưng, chính sự đau tim này lại thu hút nhiều người đến với kinh doanh vàng tài khoản. Các NĐT, dù là tài khoản vài chục triệu đồng hay vài tỷ đồng, đều cho rằng, một trong những điểm hấp dẫn của kinh doanh vàng tài khoản là sự kích thích, cảm giác mạnh mà thị trường này đem lại.

Anh Dung, chủ một DN ở khu Mỹ Đình mở một tài khoản kinh doanh vàng vài tháng trước. Với anh, bỏ 100 - 200 triệu đồng vào tài khoản không phải là chuyện lớn, là "chơi cho vui". Đúng với phương châm này, các lệnh mua/bán, anh đều chờ cho lãi lớn, độ vài chục triệu đồng mới chốt. Tất nhiên, đi kèm với kỳ vọng lãi lớn luôn là rủi ro cao. Lắm khi, dù đã lãi 5 - 7 triệu đồng nhưng thấy chưa “đã”, anh tính chờ lên trên chục triệu đồng mới chốt. "Đầu tư thì có lãi có lỗ, nhưng khi có lãi vài chục triệu đồng một lệnh, cảm giác rất sướng", anh Dung nói.

Cũng tương tự như anh Dung, chị Hường bỏ vào tài khoản 1 tỷ đồng. Sau đó, tài khoản của chị tăng lên 1,2 tỷ đồng. Tuy nhiên, lúc tôi tìm hiểu để viết bài này, trong tài khoản của chị đang có dăm bảy lệnh mua bán, mà lệnh nào cũng có số lỗ giật mình. Thậm chí, có lệnh chị mua vào từ khi thị trường còn ở mức 1.700 USD/ounce, đến nay đã lỗ cả trăm triệu đồng. Tính tất cả các lệnh, tài khoản của chị đang lỗ gần 900 triệu đồng.

Nếu như cách đầu tư của những người như chị Hường không khỏi làm người ta liên tưởng tới cách "nuôi đề" của những con bạc say máu đỏ đen thì ở những trường hợp khác, sự bình tĩnh hay nói như một NĐT là "đừng có hăng tiết vịt" là yếu tố then chốt đem lại lợi nhuận. Anh Kiền mở một tài khoản 90 triệu đồng. Chưa tới 1 tháng vào thị trường, tài khoản của anh nhanh chóng tăng lên 195 triệu đồng. Anh rút 102 triệu đồng ra và chỉ kinh doanh tiếp trên số tiền lãi.

Một NĐT khác, chị Nhung, mở tài khoản tối thiểu 30 triệu đồng, không ham đánh lớn, mỗi lệnh chị chỉ đặt  0,2 lot và chỉ cần lãi 500.000 đồng đến 1 triệu đồng là chị chốt lệnh. Lỗ cũng vậy, ngưỡng chịu lỗ chị tự đặt ra là 2 triệu đồng. Bởi vậy, chỉ trong một thời gian ngắn, chị đã nhanh chóng thu hồi số vốn ban đầu và chỉ đánh bằng số tiền lời.

 

NĐT nắm dao đằng lưỡi 

Phần lớn NĐT mà phóng viên tiếp xúc đều biết Nhà nước đã cấm sàn vàng hoạt động. Nhiều môi giới cũng nói thẳng với khách hàng, đánh vàng tài khoản là lách luật. Trên danh nghĩa là giao dịch vàng vật chất, làm hợp đồng mua bán kỳ hạn, nhưng thực chất là kinh doanh vàng qua tài khoản.

Tại các sàn, NĐT mở tài khoản tại công ty kinh doanh sàn vàng, chứ không phải mở tài khoản tại ngân hàng. Trong trường hợp sàn… lỡ tay "tiêu" hết tiền trong tài khoản của mình thì NĐT không biết đi đâu mà kiện. Giả sử có kiện thì có lẽ cũng không ai giải quyết, vì bản thân hoạt động này chưa được phép.

Hơn nữa, sàn vàng cũng không để cho NĐT nuôi lệnh tùy thích. Khi tài khoản NĐT chỉ còn số tiền bằng 30% giá trị lệnh mà họ đang đặt, sàn vàng sẽ tự động cắt lệnh, đóng tài khoản. Không ít NĐT rơi vào tình trạng cháy tài khoản như vậy dù lắm khi chỉ cần chờ thêm vài phút, vài giờ, NĐT đã có thể chuyển lỗ thành lãi do thị trường đảo chiều.

Nếu như các CTCK đang khốn khổ với mức phí èo uột và số lệnh ít thảm hại, thì các sàn vàng chui vẫn hốt bạc nhờ vào mức phí trên trời. Mỗi lệnh mua/bán, NĐT phải trả một khoản chênh giữa giá chào mua và giá chào bán kèm theo khoản phí môi giới. Vì hoạt động này bị cấm nên mức phí không có cơ quan nào quản, chỉ tùy thuộc vào sàn vàng. Một sàn vàng có mức phí vào loại đắt đỏ nhất ở Hà Nội thu của NĐT 165.000 đồng cho chênh lệch chào mua/chào bán và 200.000 đồng phí môi giới. Cứ hình dung mỗi một lệnh giao dịch 0,2 lot, tương đương giá trị ký quỹ 4 triệu đồng, NĐT phải trả gần 10% phí thì biết các sàn này thu bộn thế nào!

Ngoài ra, trong hợp đồng ký kết với NĐT, có rất nhiều điều khoản có lợi cho sàn vàng. Chẳng hạn, sàn vàng có quyền thay đổi tỷ giá, thay đổi mức phí bất cứ lúc nào mà không cần báo trước cho NĐT. Sàn vàng cũng không chịu trách nhiệm nếu như phần mềm có lỗi khiến cho lệnh không thực hiện được, dù phần mềm này do chính công ty cung cấp.

Biết rõ hoạt động kinh doanh vàng tài khoản bị cấm và những rủi ro có thể gặp phải, nhưng các NĐT vẫn tham gia thị trường. Lý giải sự hấp dẫn của sàn vàng, chị Nhung cho rằng, thị trường thế giới minh bạch, tính thanh khoản cao, lỗ lãi hiển hiện ngay và chỉ cần đầu tư một số vốn nhỏ. Hơn nữa, NĐT khỏi lo chuyện làm giá, chuyện hạn ngạch nhập khẩu… như thị trường vàng vật chất tại Việt Nam .

Dù vậy, các NĐT vẫn hy vọng Nhà nước sẽ cho phép mở lại sàn vàng. Nếu không khuyến khích, Nhà nước có thể điều tiết bằng các công cụ thuế hoặc phí cao đối với NĐT. Với công ty kinh doanh sàn vàng thì đề ra điều kiện chặt chẽ. "Chúng tôi có thể chấp nhận mức thuế cao một cách hợp lý để có thể đầu tư trong môi trường an toàn, có sự bảo hộ của pháp luật", một số NĐT nói.