Điều đáng chú ý là, “đường ống” lần này không phải được xây dựng trong thế giới vật chất, mà là trong thế giới tài chính, và sẽ đi qua nó không phải là hàng tỷ mét khối khí đốt, mà là hàng tỷ nhân dân tệ, từ Trung Quốc đến Nga.
Xét một cách khách quan về dự án này, như tờ South China Morning Post viết, rõ ràng đây là một kế hoạch chống lại đồng USD của Mỹ và thậm chí là thêm một chút “gia vị” địa chính trị.
"Trung Quốc và Nga sẽ tiến gần hơn tới việc giảm sự phụ thuộc vào đồng USD", tờ nhật báo của Hồng Kông (Trung Quốc) nhấn mạnh đồng thời công bố, Moscow và Bắc Kinh cuối cùng cũng sắp ra mắt "trái phiếu chính phủ bằng nhân dân tệ của Nga".
Ở cấp độ tài chính, việc khởi động dự án này sẽ là một bước rất quan trọng trong mối quan hệ Nga - Trung và là sự xác nhận rõ ràng về mức độ nghiêm túc của ý định thay thế đồng USD trong nền kinh tế hay một nền kinh tế "không đô la".
Dự án trái phiếu của Nga bằng nhân dân tệ có một khởi đầu khá gian nan, và đây là trường hợp mà một công cụ tài chính ra đời do kết quả của các sự kiện chính trị.
Có thể gọi trái phiếu nhân dân tệ của Nga là “trái phiếu Crimea”, bởi ý tưởng phát hành trái phiếu Nga bằng đồng tiền Trung Quốc trở nên “có sức hấp dẫn” nhất sau sự kiện Crimea sáp nhập vào Nga năm 2014 và phương Tây bắt đầu áp dụng các biện pháp trừng phạt chống lại Moscow.
Trong khuôn khổ chiến lược “xoay trục về hướng Đông” (hay còn được gọi là chính sách Hướng Đông), được khởi động từ sau khi Crimea trở lại Nga, Moscow cần phải tìm cách chuyển hướng dòng tiền đầu tư để các công ty Nga, trước đây chỉ vay tiền và phát hành nghĩa vụ nợ (trái phiếu) trên các thị trường Mỹ và châu Âu, có thể được tiếp cận với nguồn vốn của Trung Quốc, đồng thời giảm thiểu rủi ro liên quan đến việc sử dụng hệ thống tài chính của các nước phương Tây.
Trong bối cảnh đó, việc phát hành trái phiếu của Nga bằng nhân dân tệ có vẻ là một phương án khá logic. Nhưng mặc dù đã được ấp ủ trong vài năm nay, dự án vẫn không thể khởi động.
Trung Quốc là một “khu vực tài phán” khá phức tạp đối với việc phát hành trái phiếu của các nhà phát hành nước ngoài, Nga và các công ty Nga với những đặc thù riêng lại càng thêm khó khăn. Trong một danh sách khá dài các vấn đề về việc tung ra trái phiếu bằng nhân dân tệ, có hai vấn đề đặc biệt quan trọng có thể phân nhận thấy được.
Thứ nhất, Bắc Kinh vốn không thích tạo ra tình huống để có thể dễ dàng xuất khẩu vốn từ quốc gia này (ngay cả khi là vốn hoàn trả sau), chỉ có ngoại lệ là các dự án trong khuôn khổ chiến lược "Vành đai – Con đường". Mặt khác, họ có thể xuất khẩu vốn, nhưng rất khó khăn, kể cả các công ty tư nhân Trung Quốc đang tích cực mua tài sản nước ngoài định kỳ cũng rơi vào áp lực của các nhà quản lý tài chính Bắc Kinh.
Vấn đề quan trọng thứ hai, các ngân hàng và công ty tài chính Trung Quốc phải muốn làm việc với các công cụ tài chính của Nga tại thị trường Trung Quốc, nếu không, nhà đầu tư hoặc quỹ đầu tư thông thường ở Bắc Kinh hoặc Thượng Hải sẽ không mua hoặc tìm hiểu về sự tồn tại của nó.
Thêm nữa, nguy cơ về các lệnh trừng phạt của Mỹ và châu Âu áp đặt lên Nga đã hạn chế sự “thèm muốn” đầu tư của các tổ chức tài chính Trung Quốc.
Tuy nhiên, vào cuối tháng 8, tình hình đã khởi sắc và sau cuộc họp giữa đại diện Bộ Tài chính Nga và Trung Quốc, một tuyên bố chung cho biết tiến trình về dự án quan trọng này đã được công bố: "Liên bang Nga sẽ tích cực xem xét phát hành trái phiếu bằng đồng nhân dân tệ trên Sàn giao dịch Moscow theo luật pháp của Nga. Trung Quốc hoan nghênh sự phát triển này và khuyến khích các nhà đầu tư ở Trung Quốc đầu tư vào trái phiếu do phía Nga phát hành theo khung pháp lý hiện có".
Sau cuộc họp, ông Sergei Storchak, Thứ trưởng Bộ Tài chính Nga, đã nhấn mạnh điểm quan trọng, các đồng nghiệp đến từ Trung Quốc của ông thừa nhận rằng, việc phát hành trái phiếu không được thúc đẩy nhanh chóng là do trách nhiệm của phía Trung Quốc.
"Hiện tại, một số ngân hàng cùng với Ngân hàng quốc doanh Nga Gazprombank và China International Capital Corporation đang nỗ lực thực hiện việc bán trái phiếu bằng nhân dân tệ đầu tiên này, nhưng vẫn còn một số chi tiết kỹ thuật mà chúng tôi đang thực hiện”, ông Daming Cheng, Giám đốc điều hành của China International Capital Corporation, một trong những ngân hàng đầu tư hàng đầu của Trung Quốc cho biết.
"Với sự kiên trì và những nỗ lực chung, tôi tự tin rằng, chúng tôi sẽ tiến hành giao dịch trong năm nay hoặc đầu năm tới”, ông Cheng tiết lộ.
Sự ra mắt của trái phiếu bằng nhân dân tệ, đặc biệt là tại thị trường Moscow, sẽ là một thành công lớn đối với Nga và là một tín hiệu rất quan trọng cho một mối quan hệ kinh tế lâu dài dọc theo tuyến đường Moscow - Bắc Kinh.
Có lẽ các đối tác Trung Quốc của Nga đã bị thuyết phục từ kinh nghiệm của chính họ (bắt đầu từ cuộc chiến thương mại với Mỹ và kết thúc bằng các biện pháp trừng phạt chống lại ZTE và Huawei) rằng, các biện pháp trừng phạt của Mỹ không phụ thuộc vào hành vi của một quốc gia cụ thể, mà chỉ dựa vào mong muốn của Washington mà thôi.