Trong đánh giá mới nhất về tình hình cung - cầu điện của Bộ Công thương, câu chuyện miền Nam thiếu dự phòng công suất tiếp tục được nhắc tới.
Theo đánh giá này, trong các năm 2014 - 2015, hệ thống điện toàn quốc vẫn đảm bảo công suất dự phòng với mức 18 - 29%. Tuy nhiên, công suất dự phòng lại phân bố không đều. Cụ thể, khu vực miền Bắc có công suất dự phòng trong khoảng 24 - 32%; miền Trung có công suất dự phòng khá cao, tới 80%; trong khi miền Nam lại ở vào tình trạng không có công suất dự phòng hoặc dự phòng thấp, chỉ khoảng 9%.
Theo yêu cầu mới đây của Phó thủ tướng Hoàng Trung Hải, một nhiệm vụ trọng tâm của ngành điện trong thời gian tới là tìm mọi giải pháp cân bằng nhu cầu điện. Theo đó, các bộ, ngành, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) một mặt phải đôn đốc, tháo gỡ để đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án nguồn, nhất là các dự án tại khu vực phía Nam; mặt khác, chú ý kiểm tra, kiểm soát, có phương án dự phòng hữu hiệu trong quản lý rủi ro, kiểm soát sự cố tiềm ẩn trong vận hành các nhà máy, các đường dây truyền tải, thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp nhằm bảo đảm cung cấp điện liên tục, ổn định và an toàn cho khách hàng tại khu vực miền Nam.
Năm 2014, khu vực miền Nam chỉ có thêm 2 tổ máy của Nhà máy Nhiệt điện Vĩnh Tân 2 tại Bình Thuận được đưa vào vận hành, với tổng công suất 1.200 MW. Bởi vậy, theo đánh giá của Bộ Công thương, nếu tính thêm công suất dự phòng sửa chữa và sự cố, với mức khoảng 20%, thì trong các năm 2014 - 2015, miền Nam không đủ công suất dự phòng ngay tại chỗ. Do vậy, việc cấp điện ổn định cho miền Nam sẽ phụ thuộc không nhỏ vào khả năng truyền tải điện Bắc - Nam của các đường dây siêu cao áp 500 kV.
Trong năm 2014, hệ thống đường dây 500 kV Bắc - Nam có kế hoạch truyền tải điện từ miền Bắc và miền Trung vào miền Nam xấp xỉ 13 tỷ kWh. So với lượng điện thương phẩm dự kiến tiêu thụ trong năm 2014 là 126,5 tỷ kWh, có thể thấy, lượng điện sẽ chuyển từ miền Bắc và miền Trung vào miền Nam là không nhỏ.
Để đảm bảo an toàn cho việc truyền tải điện qua hệ thống đường dây 500 kV, ông Trần Quốc Lẫm, Phó tổng giám đốc Tổng công ty Truyền tải điện quốc gia (NPT) cho hay, NPT và các công ty truyền tải đã tiến hành bảo dưỡng, duy tu các thiết bị và liên tục kiểm tra công tác bảo vệ hành lang an toàn lưới điện, để các đường dây vận hành ổn định, đảm bảo nhiệm vụ truyền tải điện từ Bắc vào Nam trong mùa khô.
Ngày 5/5, NPT đã thực hiện đóng điện, đưa vào vận hành đường dây 500 kV Pleiku - Mỹ Phước - Cầu Bông, nhằm kịp thời cung ứng điện phục vụ nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội của miền Nam nói chung và TP.HCM nói riêng ngay trong mùa khô năm nay.
Theo ông Lẫm, khi đi vào hoạt động, đường dây 500 kV Pleiku - Mỹ Phước - Cầu Bông sẽ tạo tiền đề liên kết lưới điện khu vực, góp phần đảm bảo vận hành hệ thống điện an toàn, kinh tế trong trường hợp cần có sự trao đổi điện năng ở mức độ cao giữa các vùng, miền trong cả nước.
Thống kê của Trung tâm Điều độ Hệ thống điện quốc gia (A0) cũng cho hay, phụ tải cao nhất của tháng 4 đã lên tới 435 triệu kWh vào ngày 25/4. Con số này vượt gần 10% so với dự báo mức phụ tải cao nhất là 400 triệu kWh trong tháng 4 được Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đưa ra đầu tháng 4. Trong mức phụ tải này, phần đóng góp của riêng miền Nam là 218 triệu kWh, chiếm tới 50%.
Để đáp ứng nhu cầu cấp điện ổn định cho khu vực miền Nam, các tổ máy nhiệt điện chạy dầu và tua-bin khí chạy dầu cũng đã được huy động để phát điện. Như vậy, hệ thống điện đã sử dụng đến những nguồn điện có giá thành đắt nhất.
Các tháng 5, 6, 7/2014 được xem là cao điểm của hệ thống điện, bởi đây là thời gian dự kiến phải huy động thêm các tổ máy điện chạy dầu, để đảm bảo cấp điện ổn định cho nền kinh tế và phục vụ đời sống của nhân dân.