Ngân hàng là những người được hưởng lợi nhất nếu Fed đẩy nhanh việc tăng lãi suất, do đó cổ phiếu ngân hàng đồng loạt tăng mạnh trong phiên thứ Tư, hỗ trợ giúp phố Wall duy trì đà tăng.
Ngoài ra, việc cổ phiếu Apple tiếp tục khởi sắc, lên mức giá cao kỷ lục mới cũng góp phần giúp phố Wall tiếp tục thiết lập đỉnh cao lịch sử mới.
Kết thúc phiên 14/2, chỉ số Dow Jones tăng 92,25 điểm (+0,45%), lên 20.504,41 điểm. Chỉ số S&P 500 tăng 9,33 điểm (+0,40%), lên 2.337,58 điểm. Chỉ số Nasdaq tăng 18,62 điểm (+0,32%), lên 5.782,57 điểm.
Chứng khoán châu Âu lại không duy trì được đà tăng tốt như phố Wall. Chứng khoán Anh và Đức điều chỉnh giảm nhẹ do ảnh hưởng từ nhóm cổ phiếu hàng tiêu dùng và y tế, trong khi chứng khoán Pháp duy trì đà tăng nhờ sự hỗ trợ của cổ phiếu PSA sau thông tin hãng xe của Pháp này đang đàm phán để mua lại thương hiệu tại châu Âu của GM Opel và Vauxhall.
Kết thúc phiên 14/2, chỉ số FTSE 100 tại Anh giảm 10,36 điểm (-0,14%), xuống 7.268,56 điểm. Chỉ số DAX tại Đức giảm 2,62 điểm (-0,02%), xuống 11.771,81 điểm. Chỉ số CAC 40 tại Pháp tăng 7,63 điểm (+0,16%), lên 4.895,82 điểm.
Trên thị trường chứng khoán châu Á, chứng khoán Nhật Bản giảm mạnh hơn 1% trong phiên thứ Ba khi Toshiba trì hoãn công bố kết quả kinh doanh của mình với dự báo về khoản thiệt hại lên tới nhiều tỷ USD, bao gồm cả phần thiệt hại tại chi nhánh điện hạt nhân tại Mỹ. Sau đó vài giờ, ông Shigenori Shiga, Chủ tich Toshiba đã từ chức. Điều này đã khiến nhiều nhà đầu tư lo ngại và cổ phiếu Toshiba lao dốc hơn 8%, có lúc giảm hơn 10%.
Chứng khoán Hồng Kông cũng đảo chiều giảm nhẹ hôm thứ Ba do áp lực chốt lời sau chuỗi phiên tăng liên tiếp, lên mức cao nhất 4 tháng do dòng tiền chảy mạnh từ đại lục.
Trong khi đó, chứng khoán tại Trung Quốc đại lục vẫn duy trì phiên tăng thứ 5 liên tiếp, dù mức tăng khiêm tốn hơn nhiều so với 4 phiên trước đó. Đà tăng của chứng khoán Trung Quốc bị hãm mạnh lại sau thông tin lạm phát tiêu dùng và chỉ số giá sản xuất trong tháng 1 của nước này lên mức cao nhất nhiều năm, dù cho thấy sự phục hồi của nền kinh tế, nhưng giới phân tích cảnh báo 2 chỉ số sẽ sớm lên đỉnh. Ngoài ra, các chỉ số vừa công bố cũng ủng hộ cho động thái thắt chặt tiền tệ gần đây của Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc và có thể sẽ còn tiếp tục. Điều này gây bất lợi cho thị trường chứng khoán.
Kết thúc phiên 14/2, chỉ số Nikkie 225 giảm 220,17 điểm (-1,13%), xuống 19.238,98 điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông giảm 7,97 điểm (-0,03%), xuống 23.703,01 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tại Thượng Hải tăng 1,09 điểm (+0,03%), lên 3.217,93 điểm.
Giá vàng phiên thứ Ba có thời điểm tăng vọt lên sát ngưỡng 1.235 USD/ounce lúc đầu phiên khi đồng USD giảm trở lại sau khi cố vấn an ninh Mỹ từ chức. Tuy nhiên, ngay sau bài phát biểu của bà Yellen, đồng USD đã nhanh chóng lấy lại đà tăng, đẩy giá vàng thoái lui trở lại với cú rơi hơn 10 USD/ounce, trước khi hồi nhẹ trở lại vào cuối phiên và may mắn có được mức tăng nhẹ so với phiên trước đó.
Kết thúc phiên 14/2, giá vàng giao ngay tăng 3,1 USD (+0,25%), lên 1.227,8 USD/ounce. Giá vàng tương lai giao tháng 4/2017 tăng 0,6 USD (+0,05%), lên 1.225,4 USD/ounce.
Giá dầu thô phục hồi nhẹ trở lại sau phiên giảm mạnh hôm thứ Ba do lo ngại về lượng dầu thô sản xuất của Mỹ tăng cao, làm giảm hiệu quả của thỏa thuận cắt giảm sản lượng của OPEC.
Trong ngày thứ Ba, số liệu từ Viện Dầu khí Mỹ (API) cho biết, lượng dự trữ dầu thô của Mỹ tăng 9,9 triệu thùng trong tuần trước (kết thúc vào ngày 10/2), vượt xa so với con số 3,5 triệu thùng như kỳ vọng của các nhà phân tích. Cũng theo API, dự trữ xăng và diesel cũng tăng.
Số liệu chính thức sẽ được Cơ quan Năng lượng Mỹ (EIA) công bố vào thứ Tư.
Kết thúc phiên 14/2, giá dầu thô Mỹ giảm 0,01 USD/thùng (+0,02%), lên 52,94 USD/thùng, trong khi giá dầu thô Brent tăng 0,14 USD (+0,25%), lên 55,73 USD/thùng.