Sự bùng nổ của MSN đến từ thương vụ bán 10% vốn tại Masan High - Tech Materials (MSR) cho Mitsubishi Materials Corporation (MMC).

Sự bùng nổ của MSN đến từ thương vụ bán 10% vốn tại Masan High - Tech Materials (MSR) cho Mitsubishi Materials Corporation (MMC).

Ba nhóm cổ phiếu bứt phá nhờ dòng tiền F0

0:00 / 0:00
0:00

(ĐTCK) Thị trường chứng khoán năm nay liên tục đón nhận dòng tiền từ các nhà đầu tư mới (F0), góp phần giúp một số nhóm cổ phiếu tăng giá mạnh sau khi thị trường chung bị tác động bởi đại dịch Covid-19.

Nhóm vật liệu xây dựng dẫn đầu mức tăng giá

Theo thống kê của SSI Research, tính đến cuối tháng 10, VN-Index tương đương mức điểm giai đoạn đầu năm, nhưng hầu hết nhóm ngành giảm giá, chỉ có một số nhóm cổ phiếu tạo được mức sinh lời dương, trong đó nổi bật là nhóm cổ phiếu vật liệu xây dựng.

Nhóm này tăng giá 43,4% so với đầu năm, yếu tố hỗ trợ chính là kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp đầu ngành tăng trưởng vượt kỳ vọng, qua đó thu hút dòng tiền đầu tư.

Chẳng hạn, Tập đoàn Hoà Phát (HPG) ghi nhận doanh thu 64.340,5 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 8.845,4 tỷ đồng trong 9 tháng đầu năm 2020, lần lượt tăng 40,8% và 56,4% so với 9 tháng đầu năm 2019.

Doanh nghiệp giải thích, lợi nhuận tăng mạnh do sản lượng thép thô tiêu thụ tăng so với cùng kỳ, giá vốn tốt, đồng thời mảng nông nghiệp tiếp tục tăng trưởng.

Tương tự, Tập đoàn Hoa Sen (HSG) đạt 27.534,1 tỷ đồng doanh thu, 1.151,1 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế trong niên độ tài chính 2019-2020 (từ 31/10/2019 đến 30/9/2020); doanh thu giảm 1,8% nhưng lợi nhuận tăng 218,5% so với cùng kỳ niên độ trước.

HSG cho biết, nguyên nhân lợi nhuận tăng vọt là do lợi nhuận gộp tăng (biên lợi nhuận gộp tăng từ 11,4% lên 16,8%), chi phí tài chính giảm do dư nợ vay ngân hàng giảm, đây là kết quả việc tái cấu trúc công ty, tập trung cải thiện nâng suất.

Nhóm tiêu dùng tăng giá chủ yếu nhờ MSN và VNM

Với nhóm ngành tiêu dùng, tính đến cuối tháng 10, các cổ phiếu đạt mức sinh lời 12,7% so với đầu năm. Đóng góp lớn nhất cho đà tăng giá của nhóm ngành này là cổ phiếu MSN của Tập đoàn Masan và cổ phiếu VNM của Vinamilk, khi sức tiêu thụ các sản phẩm thiết yếu gia tăng.

Diễn biến các nhóm ngành trong 10 tháng đầu năm 2020 và Top cổ phiếu tác động mạnh tới VN-Index.

Diễn biến các nhóm ngành trong 10 tháng đầu năm 2020 và Top cổ phiếu tác động mạnh tới VN-Index.

Trong giai đoạn đầu năm, khi dịch Covid-19 có dấu hiệu bùng phát, những đợt giãn cách xã hội diễn ra trên toàn cầu khiến tâm lý cũng như thói quen của người tiêu dùng thay đổi, dịch chuyển sang tiêu dùng tại nhà với các hàng hoá thiết yếu, giúp sức mua tăng đột biến.

Điều này khiến nhà đầu tư đã đẩy mạnh mua vào cổ phiếu của các doanh nghiệp được hưởng lợi trong điều kiện thị trường mùa dịch.

Ngoài ra, sự bùng nổ của MSN đến từ thương vụ bán 10% vốn tại Masan High - Tech Materials (MSR) cho Mitsubishi Materials Corporation (MMC) với số tiền hơn 2.000 tỷ đồng.

MSR là đơn vị sở hữu mỏ vonfram, doanh nghiệp sẽ sản xuất các sản phẩm vonfram cho ngành công nghiệp quan trọng như cơ khí chế tạo máy và công cụ, khai khoáng, ô tô, năng lượng, hàng không, công nghiệp hoá chất.

Giới đầu tư kỳ vọng, sự bắt tay hợp tác giữa MSR và MMC sẽ giúp MSN sẽ sớm đẩy mạnh khai thác mỏ vonfram, tạo giá trị gia tăng cho cổ đông.

Nhóm tài chính nổi bật là chứng khoán và ngân hàng

Trong tháng 10, nhóm tài chính mang lại mức sinh lời 6,3%, nhưng tính chung 10 tháng đầu năm chỉ đạt mức sinh lời 3,8%. Đáng chú ý trong nhóm này là khối chứng khoán và ngân hàng.

Khối chứng khoán hưởng lợi từ thanh khoản thị trường tăng mạnh đến từ làn sóng nhà đầu tư F0 cũng như chính sách kích cầu trên diện rộng đã thúc đẩy dòng tiền chảy vào kênh chứng khoán. Theo thống kê của HOSE, giá trị giao dịch bình quân trong 10 tháng đầu năm 2020 đạt 6.473 tỷ đồng/phiên, tăng 27% so với cùng kỳ năm 2019.

Bên cạnh đó, các cổ phiếu ngân hàng, vốn có tỷ trọng vốn hóa lớn và thường xuyên dẫn dắt thị trường, thu hút nhà đầu tư với hai yếu tố hỗ trợ chính là chính sách hạ lãi suất của ngân hàng trung ương và hiệu ứng chuyển sàn.

Chính sách hạ lãi suất dẫn tới mặt bằng lãi suất giảm. Đối với ngân hàng, lãi suất huy động vốn thường là ngắn hạn, biến động theo lãi suất trung tâm của Ngân hàng Nhà nước, trong khi lãi suất cho vay thường dài hạn, sự thay đổi lãi suất với các hợp đồng tín dụng sẽ có độ trễ nhất định.

Theo đó, trong ngắn hạn, nhóm ngân hàng được hưởng lợi từ chênh lệch lãi suất, dẫn tới lợi nhuận tăng.

Yếu tố thứ hai thôi thúc định giá lại nhóm ngân hàng là làn sóng chuyển từ sàn UPCoM, HNX sang niêm yết trên HOSE. Dòng tiền chảy vào các cổ phiếu ngân hàng khi nhà đầu tư nhận ra sự chênh lệch định giá giữa nhóm chuyển sàn tăng nóng và nhóm đang niêm yết. Tất nhiên, nhiều mã ngân hàng đang niêm yết cũng tăng giá mạnh như VCB, CTG khi có một số yếu tố hỗ trợ khác.

Trong các nhóm cổ phiếu tăng giá, cổ phiếu khu công nghiệp nằm trong nhóm bất động sản hấp dẫn đầu tư khi các doanh nghiệp khu công nghiệp kỳ vọng được hưởng lợi từ động thái dịch chuyển nhà máy của các tập đoàn đa quốc gia từ thị trường Trung Quốc sang nhằm hạn chế sự phụ thuộc vào một nơi sản xuất, nhất là khi chi phí nhân công tăng lên.

Tin bài liên quan