Giao thương nhiều hơn trong bối cảnh đại dịch
Năm 2020 đang dần khép lại với cú shock từ đại dịch Covid-19 đã khiến thị trường quốc tế và trong nước đối mặt với không ít khó khăn, thách thức; hoạt động đầu tư, sản xuất kinh doanh, thương mại, du lịch bị đình trệ, các quốc gia thực hiện nhiều biện pháp nghiêm ngặt để ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh như hạn chế đi lại, đóng cửa thị trường..., đã gây ra sự gián đoạn chuỗi thương mại toàn cầu, nhu cầu tiêu dùng giảm khiến hoạt động xuất khẩu của nhiều sản phẩm nông sản, hàng hóa trong nước bị đình trệ, nguy cơ dư cung cao.
Trong bối cảnh ấy, thị trường nội địa được xác định là cứu cánh cho nền kinh tế. Theo Trung tâm Xúc tiến Đầu tư, Thương mại, Du lịch thành phố Hà Nội (HPA), với hơn 10 triệu người dân đang sinh sống, học tập, làm việc trên địa bàn cùng một số lượng lớn người dân thường xuyên đến học tập, làm việc thời vụ, Hà Nội đã, đang và sẽ là thị trường tiêu thụ hàng hoá lớn với mạng lưới phân phối phát triển đồng bộ, hiện đại hàng đầu cả nước. Bởi lẽ đó mà chính quyền Thành phố đã sớm thực hiện nhiều giải pháp để ứng phó, tháo gỡ khó khăn trong sản xuất, kinh doanh, tiêu thụ hàng hóa.
Trong năm 2020, TP Hà Nội phối hợp, hỗ trợ với các tỉnh, thành phố tổ chức trên 20 hoạt động giao thương, xúc tiến thương mại, tuần lễ trái cây, nông sản thực phẩm các địa phương tại Hà Nội; hỗ trợ doanh nghiệp các tỉnh, thành phố quảng bá, giới thiệu sản phẩm trên Trang thông tin nông sản an toàn thành phố Hà Nội…
Nhờ đó mà trong năm nay, HPA đã góp phần phát triển được 786 chuỗi cung ứng nông sản Hà Nội và các tỉnh, thành phố cung cấp cho thị trường Hà Nội; đã có trên 400 sản phẩm mới được các doanh nghiệp Hà Nội kết nối, tiêu thụ.
Đặc biệt, mặc dù chịu tác động của đại dịch Covid-19 nhưng theo thống kê của HPA, trong năm 2020, các tỉnh về thành phố Hà Nội giao thương nhiều hơn, đặc biệt là sự góp mặt của các tỉnh phía Nam như Đồng Tháp, Sóc Trăng..., đưa nhiều sản phẩm mới về thị trường Hà Nội.
Đơn cử, tại “Hội nghị giao thương kết nối cung cầu hàng hóa giữa thành phố Hà Nội và các tỉnh, thành phố năm 2020” với chủ đề “Thương mại đa kênh-liêt kết theo chuỗi giá trị, hướng tới phát triển bền vững” tổ chức cuối tháng 11 vừa qua đãthu hút gần 60 tỉnh thành phố tham dự với hơn 400 doanh nghiệp sản xuất và hơn 100 đơn vị phân phối tham dự.
Nắm bắt xu hướng mua hàng trực tuyến, thương mại điện tử phát huy tác dụng tích cực trong bối cảnh dịch bệnh, nên ngoài các đơn vị phân phối là các TTTM, siêu thị, chuỗi cửa hàng, Hội nghị còn có sự tham gia của các sàn thương mại điện tử, đơn vị tư vấn về truy xuất nguồn gốc hàng hóa, giải pháp tài chính, nhằm đa dạng hóa các giải pháp kết nối, nâng cao năng lực cạnh tranh, chất lượng sản phẩm, dịch vụ của các doanh nghiệp.
Những cái “bắt tay” mở rộng thị trường, vươn ra quốc tế
Chia sẻ về kết quả của hội nghị giao thương nói trên, ông Nguyễn Gia Phương, Giám đốc HPA cho biết, đã có gần 1.500 lượt giao dịch, kết nối giữa các đơn vị sản xuất với đơn vị phân phối, chế biến tại hội nghị. Trong đó, đã có 160 hợp đồng cung ứng - tiêu thụ sản phẩm được ký kết với trị giá gần 185 tỷ đồng.
Song song với hoạt động đó, Hội chợ Đặc sản Vùng miền Việt Nam 2020 cũng do HPA tổ chức cuối tháng 11/2020 đã thu hút 300 gian hàng của hơn 200 doanh nghiệp đến từ 63 tỉnh thành phố trong cả nước và một số Đại sứ quán các nước tại Hà Nội tham dự. Trong 5 ngày diễn ra, Hội chợ đã thu hút gần 90.000 lượt khách thăm quan, mua sắm; Doanh thu bán hàng của các đơn vị ước tính đạt hơn 80 tỷ đồng.
Ngoài doanh thu bán lẻ, các hợp đồng, biên bản ghi nhớ được ký kết giữa các Nhà phân phối, đại lý với các doanh nghiệp sản xuất, cụ thể: hơn 80 hợp đồng đại lý, hơn 300 thỏa thuận, biên bản ghi nhớ, hợp đồng cung ứng tiêu thụ sản phẩm được ký kết với tổng trị giá khoảng 200 tỷ đồng.
Ông Nguyễn Gia Phương thăm gian hàng tại Hội chợ Đặc sản Vùng miền Việt Nam 2020 |
Không chỉ kết nối giao thương thị trường trong nước, HPA cũng ghi dấu ấn là “bà mối mát tay” trong năm 2020 khi tiếp tục tổ chức thành công Hội chợ Xúc tiến thương mại nông nghiệp, sản phẩm OCOP thành phố Hà Nội năm 2020 tại các trung tâm thương mại AEON Mall. Đây là kênh quan trọng giúp doanh nghiệp Việt đưa nông sản, các sản phẩm tiêu biểu của địa phương tiếp cận các thị trường khó tính.
Thông qua buổi kết nối giữa Công ty TNHH AEON TopValu Việt Nam và 4 doanh nghiệp được chọn từ danh sách 20 doanh nghiệp, AEON TopValu Việt Nam đã nắm bắt sơ bộ thông tin, sản phẩm và nhu cầu của các đơn vị, từ đó có những định hướng hợp tác trong thời gian tới.
“Việc có thêm nhiều sản phẩm được Công ty TNHH AEON TopValu Việt Nam quan tâm, lựa chọn sẽ gia tăng khả năng, mức độ thâm nhập thị trường Nhật Bản nói riêng và thế giới nói chung của các doanh nghiệp thông qua hệ thống của tập đoàn AEONMall ở trong và ngoài nước”, ông Phương cho hay.
Cùng với đó, các hoạt động hội thảo bên lề các sự kiện do HPA tổ chức cũng đồng thời giúp các doanh nghiệp có sự chuẩn bị tốt, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của thị trường, tận dụng cơ hội vàng do EVFTA mang lại để làm chủ “sân chơi” mới EVFTA, tạo ra cú hích lớn cho xuất khẩu nông lâm thủy sản Việt Nam, nhất là các sản phẩm có thế mạnh như: thủy sản, rau quả, gạo, cà phê, hồ tiêu, sản phẩm đồ gỗ…