Cuộc tọa đàm diễn ra tại thành phổ cổ Torun của Ba Lan với sự tham dự của các nhà sản xuất xuất khẩu Ba Lan, đại diện các cơ quan chức năng của chính quyền tỉnh lubuskie và các nhà nhập khẩu thịt gia cầm đến từ Việt Nam.
Cuộc tọa đàm nằm trong chiến dịch xúc tiến thông tin "Gia cầm châu Âu - sức mạnh chất lượng" được phát động giữa năm 2016 và là chiến dịch tiếp theo do Hội đồng gia cầm Quốc gia - Liên hiệp kinh tế thực hiện về gia cầm chất lượng cao sản xuất trong hệ thống các mặt hàng chất lượng cao QAFP (Quality Assurance for Food Products) xuất xứ từ Liên minh châu Âu.
QAFP quy định có sự giám sát chặt chẽ và nghiêm ngặt đối với mọi quá trình sản xuất thịt gia cầm từ sản xuất giống, lấy gia cầm non, thức ăn chăn nuôi, điều kiện chăn nuôi, vận chuyển tới nơi giết mổ, đóng gói….
Với sự có mặt của các sản phẩm thịt gia cầm xuất khẩu theo quy trình đảm bảo chất lượng QAFP, người tiêu dùng các thị trường, trong đó có Việt Nam sẽ có cơ hội được sử dụng các sản phẩm chất lượng cao và đảm bảo vệ sinh an toàn theo tiêu chuẩn châu Âu.
Đại diện Hội đồng gia cầm quốc gia Ba Lan và các doanh nghiệp Việt Nam trả lời câu hỏi của các nhà sản xuất xuất khẩu thịt gia cầm Ba Lan
Việt Nam được đánh giá là thị trường nhập khẩu thịt gia cầm tương lai của Liên minh châu Âu với tiềm năng tiêu thụ cao.
Theo đại diện Hội đồng gia cầm quốc gia, chiến dịch này diễn ra 3 năm một lần, trong chuỗi các hoạt động quảng bá cho chiến dịch này, thời gian qua, cũng đã có nhiều sự kiện tổ chức tại Việt Nam kết nối các doanh nghiệp nhập khẩu thịt gia cầm tại Việt Nam và các doanh nghiệp xuất khẩu thịt gia cầm châu Âu, trong đó có Ba Lan.
Theo số liệu thống kê của các cơ quan chức năng Ba Lan, năm 2017, Ba Lan sản xuất trên 3.000 tấn thị gia cầm, tăng trưởng 7,7% so với 2016. Năm 2018, mức tăng trưởng dự báo tăng trên 7%. Trong khi đó, cả Liên minh châu Âu mức tăng trưởng xuất khẩu gia cầm chỉ tăng trên 1% năm 2017 và dự báo năm 2018 là khoảng 1,7%.
“Từ tháng 1/2018 đến tháng 5/2018, Ba Lan đã sản xuất được 1.072 tấn thịt gia cầm và xuất khẩu được 537 tấn. Các thị trường xuất khẩu chính là Đức, Anh, Pháp, Hà Lan, Séc và Bungari. Ba Lan là con chim đầu đàn tại Liên minh châu Âu về ngành gia cầm”, ông Lukasz Dominiak, đại diện Hội gia cầm quốc gia - Phòng Thương mại ngành chăn nuôi gia cầm châu Âu và Ba Lan nhấn mạnh.
Chia sẻ thông tin tại cuộc hội đàm vừa tổ chức, ông Lâm Tiến Đạt, đại diện An Phát food cho biết, Công ty An Phát cũng đang nhập khẩu nhiều mặt hàng gia cầm trên thế giới, nhưng chủ yếu vẫn là nguồn hàng từ châu Mỹ, trong khi nguồn hàng gia cầm nhập từ châu Âu vẫn còn khá khiêm tốn.
“Sức tiêu thụ thịt gia cầm tại thị trường Việt Nam khá lớn, nên nguồn gia cầm từ châu Âu cũng chính là nguồn hàng tiềm năng của các nhà nhập khẩu thịt gia cầm Việt Nam. Chúng tôi cũng đã bắt đầu tìm hiểu quy trình chăn nuôi, giết mổ gia cầm từ Ba Lan để hợp tác. Hy vọng cung cầu hai bên sẽ sớm gặp nhau”, ông Đạt chia sẻ.
Theo ông Đạt, Việt Nam cũng là quốc gia chăn nuôi, sản xuất các sản phẩm gia cầm, nhưng quy mô và chất lượng không đồng đều. Sản phẩm cũng không đa dạng nên khó đáp ứng được các đơn hàng lớn. Nhập khẩu là một trong những giải pháp có thể đáp ứng các đơn hàng lớn có yêu cầu chất lượng cao và đồng đều.
Ngoài những thông tin chia sẻ trao đổi để tìm cơ hội hợp tác xuất nhập khẩu thịt gà, các nhà sản xuất thịt gia cầm Ba Lan cũng rất quan tâm đến việc xuất khẩu các sản phẩm từ thịt gà Tây xông khói và thịt ngỗng. Đây là những mặt hàng Việt Nam cũng nhập khẩu nhưng nhu cầu tiêu thụ còn nhỏ.
Theo ông Nguyễn Quốc Văn, đại diện Công ty Thực phẩm Quốc Thịnh, thị trường Việt Nam đang nhập khẩu các sản phẩm gan ngỗng từ các nước Liên minh châu Âu. Công ty Quốc Thịnh cũng đang tìm hiểu nhiều mặt hàng khác từ ngỗng của Ba Lan có thể đáp ứng được nhu cầu tiêu dùng của thị trường Việt Nam để nhập khẩu.
Trước đó, tại một cuộc Hội thảo về thịt gia cầm tổ chức hồi tháng 8/2018 tại TP.HCM, các nhà xuất nhập khẩu thịt gia cầm đã đưa ra dự báo mức tiêu thụ sản phẩm gia cầm tại Việt Nam sẽ tiếp tục tăng ở mức cao tới năm 2021 có thể tăng tới 37%.
Không chỉ Ba Lan, mà các nước châu Âu khác cũng đang nỗ lực tìm kiếm cơ hội xuất khẩu thịt gia cầm vào Việt Nam. Hiện nay, Việt Nam với dân số hơn 90 triệu người, được đánh giá là thị trường tiềm năng cho các sản phẩm thịt gia cầm đến từ Liên minh châu Âu.