Việt Nam xuất khẩu sang Anh các mặt hàng tiêu dùng dễ thay thế như điện tử, dệt may, thủy sản. Ảnh: Đức Thanh
Điều gì xảy ra sau “giai đoạn chuyển tiếp”
Anh chính thức rời EU đêm 31/1/2020, bước vào “giai đoạn chuyển tiếp” đến cuối năm 2020. Trong giai đoạn này, Anh vẫn là thành viên của thị trường EU và tham gia Liên minh Hải quan EU (EUCU).
Bình luận trên lawyersforbritain.org - chuyên trang quy tụ các luật sư vận động thúc đẩy quá trình Brexit nhằm có lợi nhất cho Anh, luật sư Martin Howe cho rằng, việc đi hay ở của Anh trong EUCU có thể được giải quyết theo các phương án khác nhau: Anh có thể ở lại EUCU và Anh - EU đàm phán, thiết lập liên minh hải quan riêng. Ngoài ra, Anh có thể áp dụng thuế quan lên hàng hóa tương tự mức thuế mà EU áp dụng.
Ở góc độ kinh tế, nhiều ý kiến không ủng hộ Anh ở lại EUCU. Luật sư Howe dẫn nhiều ý kiến cho rằng, việc Anh ở lại EUCU tác động sâu sắc tới khả năng Anh tự chủ như một quốc gia độc lập và tước đi khả năng quyết định các luật pháp riêng của nước này.
Theo chuyên gia thương mại quốc tế, PGS-TS. Nguyễn Thừa Lộc, nguyên giảng viên cao cấp Viện Thương mại và Kinh tế quốc tế, sau quá trình đàm phán Brexit giữa Anh và các nước thành viên EU, các bên thống nhất Anh có thời gian chuyển tiếp sau Brexit đến hết ngày 31/12/2020.
“Trong giai đoạn chuyển tiếp, mọi thứ vẫn giữ nguyên, nhưng Anh không có quyền tham gia chính sách và đường lối của EU. Điều này có nghĩa, từ nay đến ngày 31/12/2020, quan hệ thương mại giữa Việt Nam và Anh vẫn diễn ra như bình thường và sẽ không có xáo trộn lớn”, ông Lộc nhận định.
Dự kiến trong tháng này, EU sẽ biểu quyết đồng bộ thông qua Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA). Sau đó khoảng 1 tháng, nếu hai bên hoàn thiện các thủ tục pháp lý, thống nhất lại các điều kiện về mặt kỹ thuật và luật pháp, thì EVFTA mới chính thức được áp dụng. Như vậy, nếu triển khai nhanh, thì khoảng tháng 4 hoặc tháng 5/2020, EVFTA mới chính thức được thực thi.
Nếu EVFTA được thông qua và áp dụng suôn sẻ như dự kiến, các hoạt động thương mại giữa Việt Nam và Anh sẽ có 7-8 tháng được hưởng ưu đãi EVFTA. Do đó, tác động của Brexit tới quan hệ thương mại Việt Nam - Anh trong năm 2020 là không nhiều.
Nhìn tổng thể tác động của Brexit tới kinh tế Việt Nam, chuyên gia Nguyễn Thừa Lộc cho rằng, việc Anh rời EU sẽ khiến cả bảng Anh và euro mất giá. Điều này khiến hàng Việt Nam xuất khẩu sang EU và Anh sẽ khó cạnh tranh, bởi giá hàng hóa Việt Nam tăng lên.
Ngoài ra, Anh là trung tâm tài chính lớn của thế giới. Từ đây, nếu thị trường tài chính và chứng khoán Anh suy giảm sau Brexit theo tâm lý lo ngại của nhà đầu tư, thì sẽ liên đới tới thị trường tài chính và chứng khoán Việt Nam.
Sau giai đoạn chuyển tiếp, có 3 kịch bản xảy ra với quan hệ thương mại Việt Nam và Anh. Theo ông Lộc, ở kịch bản thứ nhất, Anh vẫn là thành viên EUCU và hoạt động thương mại giữa Việt Nam và Anh sẽ được thực hiện theo các quy định trong EVFTA.
Ở kịch bản thứ hai, Anh sẽ không còn là thành viên EUCU, toàn bộ đàm phán thỏa thuận và hiệp định giữa EU và Việt Nam không còn giá trị áp dụng với hoạt động thương mại giữa Việt Nam và Anh. Có ý kiến cho rằng, Anh có thể tham gia Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) mà Việt Nam là thành viên.
“Khả năng Anh không trong EUCU là rất lớn, bởi Anh là quốc gia đầu tiên ly khai EU và rất dễ trở thành ngọn cờ đầu cho nhiều thành viên EU theo chân. Do đó, 27 quốc gia thành viên còn lại không dễ chấp thuận để Anh hưởng ưu đãi thuế quan và thành quả của EU lâu nay”, ông Lộc nhận định.
FTA là khả thi nhất
Brexit sẽ kéo theo việc Anh và Việt Nam phải đàm phán thương mại lại. Khả thi nhất cho quan hệ thương mại Việt Nam - Anh là hai bên đàm phán và ký hiệp định thương mại tự do song phương. Đây chính là kịch bản thứ ba với thương mại Việt - Anh sau Brexit.
Tuy nhiên, hiện có sự khác biệt quá lớn giữa 2 quốc gia, khi GDP của Anh đạt mức 2.743 tỷ USD năm 2019 (theo Quỹ Tiền tệ quốc tế), còn GDP Việt Nam mới đạt 280 tỷ USD (theo nguyên tắc tính thông thường) và 310 tỷ USD (theo tính lại). Thu nhập bình quân đầu người của Việt Nam đạt 2.800 USD, còn theo tính lại khoảng 3.000 USD, trong khi thu nhập bình quân đầu người của Anh đạt 42.558 USD, gấp gần 15 lần Việt Nam.
“Chơi với người giàu hơn mình gần 15 lần là việc không đơn giản. Với các nước phát triển, mọi thứ đều rất hiện đại, nhưng tính bảo thủ thường rất cao. Nếu ta không đẩy nhanh tốc độ đàm phán với Anh, thì có khả năng chúng ta sẽ chới với khi hết giai đoạn chuyển tiếp sau Brexit mà Anh không còn tham gia EUCU”, ông Lộc nhấn mạnh.
Trong trường hợp không kịp hoàn tất đàm phán và ký hiệp định thương mại tự do, thì hai bên có thể tính đến đàm phán thỏa thuận thương mại tạm thời hay phương án khác để đảm bảo việc xuất nhập khẩu hàng hóa được thuận lợi.
Quan hệ thương mại Việt - Anh phát triển theo chiều cả 2 bên đều cần đến nhau. Anh cũng chủ trương đàm phán, ký kết nhiều hiệp định thương mại tự do với các đối tác, hợp tác với nhiều quốc gia hơn sau khi “chia tay” EU.
Qua nghiên cứu về quan hệ Việt - Trung, Việt - Mỹ, Việt - Nhật, ông Lộc cho rằng, nếu quan hệ ngoại giao thuận lợi, hay một khi áp lực về chính trị, ngoại giao được giải tỏa thì thỏa thuận thương mại sẽ đi liền ngay sau đó. Đây có thể nói là quy luật trong đám phán giữa các nước.
“Việt Nam có thể tìm được thị trường xuất nhập khẩu thay thế thị trường Anh, nhưng tìm được thị trường nào chấp nhận con số nhập siêu từ Việt Nam lên 6 tỷ USD là điều hiếm và không hề dễ trong bối cảnh các nước tăng cường bảo vệ cán cân thương mại và trọng tư tưởng thương mại cân bằng”, ông Lộc nói.
Về cơ cấu hàng hóa, hàng Việt Nam xuất sang Anh là hàng tiêu dùng, dễ thay thế như điện tử, dệt may, thủy sản và rất dễ mua từ thị trường khác, nhưng thiết bị, máy móc, hàng hóa Việt Nam nhập từ Anh lại không dễ thay thế, nhất là hàng công nghệ cao.
Trong bối cảnh rào cản kỹ thuật, an toàn vệ sinh thực phẩm, truy suất nguồn gốc của Anh với hàng nhập khẩu vào nước này ngày càng cao, doanh nghiệp Việt Nam muốn đẩy mạnh xuất khẩu sang Anh, cần điều chỉnh chiến lược sản xuất để hàng hóa đáp ứng yêu cầu thị trường.