Phân đẳng cấp cao - thấp của mỗi người không hoàn toàn dựa vào địa vị giàu nghèo, mà đánh giá ở nhân cách, tu dưỡng. Thế nên, bạn đầu tư thời gian ở đâu, bạn sẽ thành người tương xứng như thế.
Thực tế cho thấy, đẳng cấp của một người càng thấp thì người đó càng có xu hướng phung phí thời giờ vào ba điều sau:
1. Đẳng cấp càng thấp, ham muốn càng sâu
Người Ấn Độ có cách bắt khỉ rất đặc biệt: Họ làm một cái lồng gỗ, cho thức ăn vào trong lồng và khóa lại.
Con khỉ mon men lại gần, thò tay vào lồng lấy thức ăn. Khi định bỏ chạy, nó không thể rút tay ra khỏi lồng vì bàn tay còn nắm chặt thức ăn nên không thể rút khỏi song gỗ. Cuối cùng, con khỉ bị bắt.
Câu chuyện bắt khỉ đem đến một thực tế trong đời sống của con người. Mỗi người chúng ta thường bị cám dỗ bởi chính những ham muốn của mình, vì thế tự đánh mất tự do của bản thân.
Mong muốn là chính đáng, nhưng khi mong muốn vượt quá giới hạn, nó lại trở thành một cái còng, một gánh nặng đời người.
Triết gia kiêm tác gia Đạo giáo Trung Quốc, ông Trang Tử từng chiêm nghiệm: Thử nhìn vào những người si mê vật chất mà xem, họ sợ hãi cả ngày, họ sợ rằng một ngày nào đó tiền bạc của họ sẽ mất đi. Họ tham lam vô độ, vì sợ rằng của cải của mình sẽ vơi bớt.
Thực tế, ham muốn của con người vốn như một cái hố không đáy, mỗi ngày một sâu hơn.
Người mắc kẹt trong những ham muốn của mình, chính là người có đẳng cấp thấp, và ngược lại. Biết đủ không có nghĩa là hèn kém, nhục nhã, biết hài lòng mới là hạnh phúc. Đừng lãng phí quá nhiều thời gian cho vật chất, thay vì thế, hãy làm giàu cho tâm hồn của chính mình.
2. Đẳng cấp càng thấp, càng khó tha thứ
Tại một nhà hàng, bồi bàn vô ý đổ súp vào khách hàng - một nhân vật tiếng tăm, giàu có. Mặc dù người bồi bàn ra sức xin lỗi, van vỉ, người khách vẫn không chịu tha thứ.
Một câu chuyện xảy ra thời nhà Tống, khi nhà chính trị, quân sự Phạm Trọng Yêm đang đọc sách, người hầu cầm ngọn đèn vô tình làm cháy tóc của ông. Người hầu cận sợ hãi, quỳ xuống xin tha tội. Phạm Trọng Yêm đã không trách phạt người này. Ông có thể hủy hoại cuộc đời của người hầu, nhưng đã không làm như vậy.
Người ở đẳng cấp cao luôn biết cách tha thứ cho người khác, thay vì sân si, hận thù vì những chuyện nhỏ nhặt. Những người ở đẳng cấp cao hiểu rằng không ai hoàn hảo, ai cũng có thể mắc sai lầm, quan trọng là hiểu rằng có thể sửa chữa sai lầm thì mới có kết quả tốt, như cổ nhân có câu "Biết sai để sửa, chẳng phải là việc thiện hay sao?".
3. Đẳng cấp càng thấp, càng thích đàm luận thị phi
Trong thời đại Internet phát triển vượt bậc, những tin đồn thất thiệt, không được kiểm chứng lan tràn như vũ bão. Người ta dễ dàng nhận xét về người khác, động chạm tới quyền riêng tư của người khác khi thấy không vừa mắt.
Phật giáo có từ: "Khẩu nghiệp" - tức là khi một người nói điều gì đó không hay về người khác, tức là đang tự gây nghiệp cho mình.
Nhiều người vẫn còn nhớ câu chuyện của diễn viên nổi tiếng Trung Quốc Nguyễn Linh Ngọc, nữ diễn viên thế hệ đầu tiên của Trung Quốc. Chỉ vì những câu chuyện thêu dệt trên một tờ báo lá cải, cô đã khổ đau đến mức tự vẫn. Lời đàm tiếu trở thành con dao tước đoạt mạng người.
Trong xã hội hiện nay, luôn có những người thích nói về đúng sai, tự đắc, coi mình đứng trên người khác và phán xét tất cả.
Những người như vậy, dù có địa vị cao, nhưng lại là người đẳng cấp thấp, bởi vì khi miệng nói quá nhiều, nội tâm sẽ rỗng tuếch, vô hồn.
Cuốn "Cách ngôn liên bích" từng viết: khi tĩnh tâm nên nghĩ đến điều lỗi của mình, lúc nhàn nhã đàm luận đừng bàn đến điều sai trái của người khác.