Rủi ro lớn nhất đối với thị trường chứng khoán toàn cầu trong năm 2022 đến từ việc các ngân hàng trung ương có thể thay đổi chính sách tiền tệ.

Rủi ro lớn nhất đối với thị trường chứng khoán toàn cầu trong năm 2022 đến từ việc các ngân hàng trung ương có thể thay đổi chính sách tiền tệ.

Ba câu chuyện chính của thị trường năm 2022

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Dịp đầu năm thường là giai đoạn nhà đầu tư tổng kết lại tình hình đầu tư trong năm trước và tìm kiếm cơ hội cho năm tài chính tiếp theo.

Sau giai đoạn bùng nổ của thị trường chứng khoán, nhiều cổ phiếu đã thiết lập mặt bằng giá cao, đòi hỏi nhà đầu cẩn trọng hơn trong việc lựa chọn danh mục đầu tư. Dẫu vậy, thực tế là năm 2021, nền kinh tế Việt Nam đã trải qua giai đoạn khó khăn do việc phong tỏa để phòng chống dịch được áp dụng trong thời gian dài, trên quy mô rộng.

Bước sang năm 2022, với chiến lược phủ vắc-xin đã được Chính phủ thực hiện, nền kinh tế Việt Nam được kỳ vọng sẽ bước vào giai đoạn hồi phục mạnh hơn, làm cơ sở cho thị trường chứng khoán tiếp tục tăng điểm.

Trong Báo cáo chiến lược 2022, Công ty Chứng khoán BSC kỳ vọng tăng trưởng GDP của Việt Nam đạt từ 6 - 6,6% trong năm 2022 và đạt từ 6,7 - 7% trong năm 2023. Theo đó, chỉ số VN-Index duy trì đà tăng, nhưng có sự phân hoá mạnh hơn giữa các nhóm cổ phiếu so với năm 2021.

Hai kịch bản với chỉ số VN-Index trong năm nay được BSC dự báo: Kịch bản 1, tăng 9%, lên 1.633 điểm; kịch bản 2, tăng 19%, lên 1.782 điểm.

Tương tự, Công ty Chứng khoán Rồng Việt, trong Báo cáo chiến lược năm 2022 dự báo chỉ số VN-Index sẽ dao động từ 1.340 - 1.730 điểm trong năm nay, dựa trên kịch bản tăng trưởng thu nhập trên mỗi cổ phiếu (EPS) bình quân toàn thị trường là 17% và chỉ số P/E dự phóng là 16,4 lần.

Mặc dù nền kinh tế Việt Nam nói chung và thị trường chứng khoán nói riêng được kỳ vọng sẽ hưởng lợi từ gói kích thích kinh tế có quy mô 350.000 tỷ đồng, được Quốc hội thông qua trong kỳ họp bất thường đầu năm 2022, nhưng cũng chịu sức ép từ một số yếu tố khác. Thị trường chứng khoán trong nước nhiều khả năng sẽ tiếp tục xoay quanh ba câu chuyện chính.

Giá hàng hoá tiếp tục đà tăng và gây sức ép chi phí đẩy lên nền kinh tế toàn cầu, trong đó có Việt Nam

Theo báo cáo của BlackRock, tập đoàn quản lý đầu tư toàn cầu của Mỹ, hiện đang là nhà quản lý tài sản lớn nhất thế giới với tổng giá trị quản lý lên tới khoảng 6.840 tỷ USD, giá hàng hoá có thể ở mức cao nhất trong nhiều thập kỷ, khi các công ty khai thác phải vật lộn để theo kịp nhu cầu từ quá trình chuyển đổi năng lượng.

Trong đó, với việc nhiều chính phủ đẩy mạnh đầu tư cơ sở hạ tầng để giúp nền kinh tế hồi phục sau đại dịch, cũng như sức ép trung hòa carbon đã dẫn tới nhu cầu về nguyên liệu cơ bản tiếp tục là điểm nóng trong những năm sắp tới. Riêng đối với giá dầu, các ngân hàng đầu tư như Morgan Stanley dự báo sẽ đạt 90 USD/thùng vào quý III/2022;

JPMorgan dự báo giá dầu có thể vượt ngưỡng 125 USD/thùng trong năm 2022. Lý do được nhiều chuyên gia dự báo giá dầu tiếp tục tăng trong năm 2022 là bởi sản lượng sản xuất tiếp tục không đáp ứng nhu cầu gia tăng sau khi các nền kinh tế đồng loạt hồi phục.

Việc các nguyên liệu sản xuất công nghiệp tiếp tục duy trì ở mức cao sẽ gây áp lực lạm phát chi phí đẩy lên nền kinh tế toàn cầu và gây sức ép kiểm soát lạm phát đối với nhiều quốc gia trên thế giới và Việt Nam không là ngoại lệ.

Dưới áp lực lạm phát, các ngân hàng trung ương toàn cầu bắt đầu thắt chặt chính sách tiền tệ

Theo một cuộc khảo sát của Bloomberg với các nhà quản lý quỹ, rủi ro lớn nhất đối với thị trường chứng khoán toàn cầu trong năm 2022 đến từ việc các ngân hàng trung ương có thể thay đổi quan điểm về thị trường và đặt mục tiêu kiểm soát lạm phát bằng cách thắt chặt chính sách tiền tệ.

Trong đó, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed), Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB), Ngân hàng Trung ương Anh (BoE)… thay đổi chính sách tiền tệ là rủi ro lớn đối với thị trường. Được biết, trong tháng 12/2021, BoE là ngân hàng trung ương lớn đầu tiên tăng lãi suất để kiểm soát lạm phát tăng cao ở quốc gia. Điều này kéo theo kỳ vọng các ngân hàng trung ương lớn khác cũng đồng loạt thay đổi chính sách tiền tệ từ nới lỏng sang thắt chặt và gây áp lực lên thị trường tài chính, chứng khoán.

Trong những cuộc họp gần đây, Fed phát đi tín hiệu sẽ nâng lãi suất 3 lần trong năm 2022. Một số chuyên gia dự báo, nếu lạm phát tiếp tục cao, Fed có thể nâng lãi suất nhiều hơn 3 lần.

Những động thái chính sách tiền tệ này cảnh báo về việc thời kỳ tiền giá rẻ đã qua đi và việc duy trì và giữ chân các nhà đầu tư mới trên thị trường chứng khoán là thách thức không hề nhỏ.

Được biết, trong giai đoạn 2020 - 2021, sau khi nền kinh tế toàn cầu gặp cú sốc đại dịch Covid-19, hàng loạt quốc gia đã thực hiện chính sách bơm tiền vào nền kinh tế. Dòng tiền giá rẻ ồ ạt vào thị trường đã khuyến khích hàng loạt nhà đầu tư mới tham gia thị trường và đẩy giá chứng khoán toàn cầu tăng cao. Khi mặt bằng lãi suất cao hơn, các hoạt động sản xuất - kinh doanh dần khôi phục, sức hút của thị trường chứng khoán sẽ giảm đi.

Dù tình hình dịch bệnh cũng như các chính sách của Việt Nam luôn có độ trễ so với thế giới, nhưng điều này cũng đồng nghĩa với việc cơ hội kiếm lời trên thị trường chứng khoán với nhà đầu tư sẽ trở nên khó khăn hơn trong năm 2022.

Ở trong nước, Chính phủ đã và đang tiếp tục tạo động lực cho các doanh nghiệp và nền kinh tế hồi phục sau đại dịch bằng việc tung ra các gói hỗ trợ, đặc biệt gói kích thích có quy mô lớn nhất từ trước tới nay

Giai đoạn cuối năm 2021, thị trường chứng kiến làn sóng các chủ đầu tư bất động sản mở bán và triển khai đồng bộ nhiều dự án bất động sản. Điều này giúp hàng loạt công ty xây dựng lớn công bố trúng nhiều dự án quy mô lớn trên cả nước.

Giai đoạn 2018 - 2021, thị trường bất động sản thiếu các dự án mới do cơ quan quản lý siết chặt cấp phép các dự án. Tuy nhiên, kể từ cuối năm 2021, với việc Chính phủ tích cực triển khai các giải pháp kích cầu nền kinh tế, trong đó, thúc đẩy đầu tư công được xem là chính sách mũi nhọn, kỳ vọng nền kinh tế nói chung, thị trường bất động sản nói riêng sẽ bước vào giai đoạn hồi sôi động. Trong đó, chuỗi giá trị ngành từ xây dựng - bất động sản tiếp tục là tâm điểm của thị trường.

Riêng đối với nhóm xây dựng, đây là nhóm ngành kỳ vọng sau khi trúng thầu dự án sẽ ghi nhận lợi nhuận theo tiến độ. Còn đối với nhóm bất động sản, điểm rơi lợi nhuận của các dự án mới triển khai thường có độ trễ từ 2 - 3 năm từ ngày khởi công.

Tin bài liên quan