“Chúng tôi cho rằng đó là quyết định tối ưu nhất để duy trì sự ổn định”, Bộ trưởng Năng lượng Parviz Shahbazov cho biết trong một cuộc phỏng vấn. Ông cho biết, mức tăng như vậy sẽ giúp ngăn chặn sự biến động mạnh của thị trường.
Các nước tiêu thụ dầu lớn như Mỹ, Ấn Độ và Nhật Bản đã kêu gọi Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) và các liên minh bao gồm cả Nga và Azerbaijan (OPEC+) tăng sản lượng nhanh hơn sau khi thỏa thuận cắt giảm sâu vào năm ngoái trong giai đoạn đại dịch. Các bộ trưởng năng lượng của nhóm OPEC+ sẽ họp vào thứ Năm (4/11) để thảo luận về chính sách dầu mỏ.
Mới đây, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã tiếp tục gây áp lực lên OPEC+ do giá dầu tăng cao và cho rằng đó là nguyên nhân gây ra áp lực lạm phát tại Mỹ chỉ hai ngày trước khi cuộc họp của OPEC+ để thảo luận về chính sách dầu mỏ.
"Nếu nhìn vào giá khí đốt và giá dầu, đó là hệ quả của việc Nga hoặc các quốc gia OPEC từ chối bơm thêm dầu", Tổng thống Biden nói với các phóng viên tại một cuộc họp báo tại hội nghị thượng đỉnh về khí hậu của Liên hợp quốc tại Glasgow.
Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken đã trao đổi với Ngoại trưởng Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE) Sheikh Abdullah Bin Zayed vào thứ Ba (2/11) để thúc đẩy kế hoạch tăng sản lượng. Các quốc gia tiêu thụ dầu khác cũng đang thúc đẩy mạnh mẽ khi Nhật Bản và Ấn Độ muốn sản xuất nhiều hơn vì cuộc khủng hoảng năng lượng có nguy cơ làm suy yếu sự phục hồi kinh tế ở châu Âu và châu Á.
Trước những lời kêu gọi OPEC+ gia tăng sản lượng nhanh hơn, ông Shahbazov cho biết, bất kỳ quyết định tăng sản lượng nào cũng cần phải dựa trên lý do kinh tế và nghiên cứu kỹ lưỡng thị trường.
“Chúng tôi không thấy nhu cầu tăng mạnh vì các nhà sản xuất điện không nhất thiết phải chọn các sản phẩm dầu mỏ để thay thế khí đốt tự nhiên. Họ cũng sử dụng năng lượng hạt nhân và than đá”, Bộ trưởng Năng lượng Shahbazov cho biết.
Theo ông, giá dầu khoảng 60 - 70 USD/thùng có thể chấp nhận được đối với Azerbaijan và cả nền kinh tế toàn cầu. Giá dầu Brent hiện đang giao dịch quanh mức 83 USD/thùng.
“Chúng tôi không cần giá quá cao. Có thể hôm nay giá hơi cao nhưng như bạn thấy là OPEC+ sẽ tăng sản lượng hàng tháng. Tôi cho rằng điều này sẽ có tác động đến giá cả”, ông cho biết.
Azerbaijan là nhà sản xuất dầu lớn thứ ba ở Liên Xô cũ sau Nga và Kazakhstan đã chứng kiến sản lượng giảm xuống khoảng 700.000 thùng/ngày trong năm nay so với gần 1 triệu thùng/ngày của một thập kỷ trước.
Ông Shahbazov cho biết, sản lượng kỳ vọng của Azerbaijan sẽ duy trì ổn định trong những thập kỷ tới khi các dự án dầu mới ở khu vực Caspi đi vào hoạt động.
Tương tự, các quốc gia thành viên OPEC+ bao gồm Kuwait, Iraq, Algeria, Angola và Nigeria cho biết, họ muốn OPEC+ tiếp tục duy trì với kế hoạch tăng dần sản lượng như hiện tại.