Australia tin tưởng vào triển vọng FTA với EU bất chấp Pháp cản trở

0:00 / 0:00
0:00
Pháp đang tìm cách cản trở đàm phán FTA giữa EU và Australia, yêu cầu các quốc gia châu Âu “xem xét lại” thỏa thuận này để trả đũa chính phủ của Thủ tướng Scott Morrison hủy hợp đồng đóng tàu ngầm.
Cầu cảng Sydney. (Ảnh: THX/TTXVN).

Cầu cảng Sydney. (Ảnh: THX/TTXVN).

Theo phóng viên tại Sydney, Bộ trưởng Thương mại Australia Dan Tehan ngày 20/9 bày tỏ tin tưởng rằng tiến trình đàm phán Hiệp định thương mại tự do (FTA) giữa Canberra và Liên minh châu Âu (EU) sẽ tiếp tục diễn ra, bất chấp những nỗ lực cản trở của Pháp.

Phát biểu trước chuyến công du châu Âu để thảo luận về FTA vào ngày 12/10 tới, ông Tehan cho rằng “không có lý do gì” để không tiếp tục tiến trình đàm phán vì “lợi ích chung” của cả hai bên.

Pháp đang tìm cách cản trở đàm phán FTA giữa EU và Australia, yêu cầu các quốc gia châu Âu “xem xét lại” thỏa thuận này để trả đũa chính phủ của Thủ tướng Scott Morrison hủy hợp đồng đóng tàu ngầm trị giá hàng chục tỷ USD đã ký với Paris.

Đại diện Chính phủ Pháp cũng đề nghị các quốc gia thành viên EU cùng với Paris rút khỏi tiến trình đàm phán FTA kéo dài 3 năm giữa Brussels và Canberra.

Bảo vệ quyết định hủy hợp đồng đóng tàu ngầm với tập đoàn Naval của Pháp, Bộ trưởng Tehan tái khẳng định Thủ tướng Morrison đưa ra quyết định này vì lợi ích quốc gia của Australia.

Trước đó, ngày 19/9, Thủ tướng Scott Morrison cũng tuyên bố Australia nói đặt lợi ích quốc gia lên hàng đầu để giải thích cho việc hủy hợp đồng tàu ngầm trị giá 40 tỉ USD với Pháp, đồng thời cho biết chính phủ Australia đã nêu quan ngại với Paris trong nhiều tháng.

Australia đã từ bỏ thỏa thuận năm 2016 với Tập đoàn Naval Group của Pháp để đóng một hạm đội tàu ngầm thông thường. Ngày 16/9, Australia công bố kế hoạch đóng ít nhất 8 tàu ngầm hạt nhân sau khi cùng Mỹ và Anh thông báo thành lập liên minh AUKUS mới, theo đó Mỹ và Anh sẽ chia sẻ công nghệ tàu ngầm hạt nhân cho Australia.

Động thái này khiến Pháp - một đồng minh NATO của Mỹ và Anh - tức giận và triệu hồi các đại sứ của mình từ Washington và Canberra.

Thỏa thuận ba bên AUKUS mới đã đặt Washington vào một cuộc khủng hoảng ngoại giao chưa từng có với Paris mà các nhà phân tích cho rằng có thể gây thiệt hại lâu dài cho các liên minh của Mỹ với Pháp và Liên minh châu Âu.

Tin bài liên quan