Archer Daniel Midlands bị một vố đau

Archer Daniel Midlands bị một vố đau

(ĐTCK) Đầu tuần này, Archer Daniel Midlands (ADM), một trong những tập đoàn sản xuất - kinh doanh nông sản lớn nhất thế giới của Mỹ đã bị một vố đau, sau khi bị Chính phủ Australia từ chối vụ mua lại GrainCorp., tập đoàn chuyên sản xuất - kinh doanh các loại lúa mỳ, gạo, bột các loại… lớn nhất Australia.

Cụ thể, Chính phủ Australia chính thức không chấp thuận thương vụ AMD mua lại GrainCorp., có giá 2,8 tỷ dollar Australia (2,55 tỷ USD), với lý do  vì lợi ích quốc gia.

ADM và GrainCorp. đã đàm phán về vụ mua bán và sáp nhập (M&A) này gần 1 năm qua, đến khi mọi điều khoản đã được thoả thuận đâu vào đó, thì lại bị Chính phủ Australia can thiệp và ngăn cản.

Thay mặt Chính phủ Australia, ông Joe Hockey,  Bộ trưởng Tài chính Australia đã khẳng định với báo giới rằng: “Vì lợi ích quốc gia, Chính phủ không chấp thuận cho ADM thôn tính GrainCorp. Hiện tại chưa phải là thời điểm thích hợp để một nhà đầu tư nước ngoài nắm giữ cổ phần chi phối của một tập đoàn kinh tế có vị thế quan trọng mang tính chiến lược về an ninh lương thực của Australia, như GrainCorp.”.

Vin vào lý do thất bại của thương vụ trên, bà Alison Watkins, Giám đốc điều hành (CEO) GrainCorp. đã đệ đơn xin từ chức. “Sau khi Chính phủ không chấp thuận thương vụ M&A này, tôi đã suy nghĩ đi, suy nghĩ lại mất gần 2 ngày và cuối cùng, đi đến quyết định rời GrainCorp. sớm hơn dự kiến.

Tôi có ý định từ chức sau khi hoàn tất mọi thủ tục pháp lý vụ ADM mua lại GrainCorp. Nay mọi việc đến sớm hơn nhiều so với dự kiến ban đầu”, bà Alison Watkins lý giải.

Ngay sau đó, Coca-Cola Amatil, công ty con của Tập đoàn Coca-Cola (Mỹ) tại Australia đã ra thông báo, bà Alison Watkins sẽ đảm nhiệm chức CEO Coca-Cola Amatil, kiêm phụ trách thị trường Indonesia, thay ông Terry Davis bắt đầu từ tháng 3/2013.

Ông Don Taylor, hiện là Chủ tịch Tập đoàn sẽ tạm thời nắm chức CEO từ giữa tháng 1/2014, trong khi GrainCorp. tìm CEO thích hợp. “Quyết định này làm đảo lộn kế hoạch kinh doanh của chúng tôi, buộc chúng tôi phải xây dựng lại chiến lược mới, đường hướng mới. Đây không phải là điều dễ dàng, nhất là khi vị trí quan trọng CEO lại bị khuyết”, ông Don Taylor nói.

Nhiều nhà phân tích Australia nhận xét, vụ việc trên cũng là chuyện thường ngày ở thương trường và thực ra cũng không có ảnh hưởng quá nghiêm trọng như nhiều người nghĩ.  

Phản ứng dữ dội nhất tất nhiên đến từ ADM. Bà Patricia Woertz, Chủ tịch, kiêm CEO ADM phát biểu: “Chúng tôi rất thất vọng với quyết định của Chính phủ Australia. Chúng tôi tin tưởng rằng, thương vụ mua lại này là có lợi cho tất cả các bên, tạo ra giá trị cho các cổ đông của cả ADM, GrainCorp lẫn người làm nông nghiệp và nền kinh tế Australia. Đây là thương vụ có lợi cho mọi đối tượng liên quan. Một ví dụ win - win (các bên đều thắng) rất rõ ràng. Thế mà Chính phủ Australia lại từ chối mới lạ!”.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ thì chỉ nói ngắn gọn như sau: “Chúng tôi rất lấy làm tiếc và cảm thấy thất vọng trước quyết định này của Chính phủ Australia”.

Về phía Chính phủ Australia, ngoài ông Joe Hockey, Bộ trưởng Tài chính đã phát biểu chính thức ở trên, thì Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp Australia Barnaby Joyce cũng nhận định, quyết định trên sẽ không gây phương hại đến quan hệ thương mại vốn khá tốt đẹp giữa Australia và Mỹ.

Tính đến thời điểm này, Mỹ là nhà đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) lớn nhất tại Australia, với tổng vốn đầu tư là 132 tỷ USD (145 tỷ AUD).

Nhiều chuyên gia về FDI của Australia nhận xét, nói cho công bằng, thì việc Chính phủ Australia dưới thời Thủ tướng Tony Abbott (mới lên nắm quyền từ tháng 9/2013) có thái độ khá cứng rắn với đầu tư nước ngoài vào lĩnh vực nông nghiệp, vốn khá nhạy cảm cũng là dễ hiểu.

Australia hiện là nước xuất khẩu bột mỳ lớn thứ hai thế giới, nên không nhất thiết phải cần đến vốn FDI. Còn thực ra, Chính phủ Australia cũng không tỏ ra quá hẹp hòi với nhà đầu tư ngoại. Bằng chứng là, trong số 130 dự án FDI xin cấp phép gần đây nhất, thì chỉ có dự án của ADM bị từ chối.

Tuy nhiên, theo thông tin mới nhất, Chính phủ Australia cũng để ngỏ điều kiện cho ADM được nâng tỷ lệ sở hữu từ 19,9% cổ phần của GrainCorp lên mức tối đa là 24,9%.

Những ai quan tâm đến lĩnh vực nông nghiệp trên thế giới dường như quá quen thuộc với 4 đại gia trong ngành, với 4 chữ cái (tình cờ theo đúng trật tự là ABCD). Đó là ADM, Bunge, Cargill và Dreyfus (Louis). Trong số này, chỉ có Dreyfus là có gốc gác Pháp, song nay cũng được coi là tập đoàn đa quốc gia, bởi đã hoạt động ở 90 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới. Ba tập đoàn còn lại đều là của Mỹ. ADM đang muốn thâu tóm GrainCorp để làm bàn đạp mở rộng tầm hoạt động và thị trường ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương.

Điều đáng chú ý nữa là cả 4 tập đoàn này đều đã có mặt tại Việt Nam.

>> 19 DN khai mỏ Australia tìm cơ hội kinh doanh tại Việt Nam

>>Sàn chứng khoán Australia và Singapore dự định sát nhập