“Quy luật” tháng 12
Tương tự tuần thứ hai của tháng 12/2021, trong tuần qua, VN-Index có phiên thứ Năm giảm điểm mạnh. Ngay lập tức, nguyên nhân đầu tiên được giới đầu tư nghĩ đến là động thái siết cho vay giao dịch ký quỹ (margin) của các công ty chứng khoán nhằm phục vụ công tác lập báo cáo tài chính năm. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp đầu tư tài chính thực hiện chốt lãi, thu tiền về và khối ngoại vẫn có xu hướng bán ròng.
Thực tế, giai đoạn cuối tháng 12, nhiều nhà đầu tư có tâm lý thận trọng. Bởi lẽ, đây là thời điểm các công ty chứng khoán và tổ chức tài chính “xử lý” sổ sách, thu hồi nợ vượt quá quy định, nên thị trường có áp lực bán đối với những mã có tỷ lệ margin cao.
Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước quy định, công ty chứng khoán được cho vay tối đa 1 mã là 50%, nhưng vẫn có những mã được công ty cho vay trên 50% dưới nhiều hình thức như hợp đồng cho vay với nguồn của bên thứ ba.
Ngoài ra, khách hàng có thể vay margin với các mã nằm trong “kho ngoài”, tức ngoài danh sách được phép cho vay margin của Sở giao dịch. Đó là chưa kể, một số nhà đầu tư có thể được vay “hàng” từ kho để bán, chờ đến khi giá giảm thì mua lại và trả hàng cho kho.
Thông báo từ nhiều môi giới, “công ty em đang giảm margin”, “công ty em đang hết hạn mức margin, mong anh/chị thông cảm”… gửi tới khách hàng trong tuần qua được coi là một trong những cảnh báo, các mã cổ phiếu tăng nóng sẽ bị hạ margin đầu tiên.
Vì thế, trước thời điểm làm báo cáo năm, khối công ty chứng khoán thường có động thái thu về các khoản cho vay “bên lề”.
Dù dòng tiền nhà đầu tư cá nhân mạnh mẽ, nhưng nếu không có dòng tiền margin, cổ phiếu khó có thể tăng giá mạnh. Theo đó, khi dòng tiền margin giảm, các mã có tỷ lệ vay cao gặp áp lực bán nhiều hơn. Ngược lại, đây là cơ hội gia tăng tỷ trọng cổ phiếu cho các nhà đầu tư trường vốn, chủ yếu dùng “tiền tươi”, trong trường hợp giá giảm quá đà.
Nhìn lại cuối năm 2020, chỉ số VN-Index “bay” 75 điểm chỉ trong 1 phiên và liên tiếp có diễn biến giảm sau đó, kéo dài qua Tết. Nhiều ý kiến cho rằng, thị trường biến động mạnh thời điểm cuối năm là do “cuộc chơi” của những “tay to”, không đến từ nội tại cơ bản của doanh nghiệp.
Đây là những nhà đầu tư lớn, thạo tin, phân tích tốt…, nên hành động trước, rồi “hợp thức hoá” bằng các thông tin chính thống sau đó. Các room chat chứng khoán trên mạng xã hội như Facebook, Zalo hay Telegram là một trong các công cụ để họ lan truyền các “lý do” này.
Niềm tin phía trước
Ông Trương Hiền Phương, Giám đốc Công ty Chứng khoán KIS Việt Nam đánh giá, vừa qua, hoạt động siết margin của khối công ty chứng khoán không diễn ra trên diện rộng, phần lớn xảy ra với một số cổ phiếu tăng nóng, không tương xứng với triển vọng lợi nhuận doanh nghiệp.
Vì vậy, động thái cắt, giảm margin là tốt cho thị trường. Thực tế, sau khi giảm mạnh theo thị trường chung trong phiên thứ Năm, các cổ phiếu tốt đã bật tăng trở lại trong phiên thứ Sáu.
Dòng tiền lớn nhất trên thị trường chứng khoán là của các nhà đầu tư cá nhân vẫn đang dồi dào. Một bộ phận doanh nghiệp có động thái thu về tiền mặt các khoản đầu tư tài chính, nhưng tỷ trọng rất nhỏ. Nhóm này có ban bệ, phòng tài chính, quản trị vốn, nên họ không mạo hiểm, không bỏ quá nhiều tiền vào thị trường.
Thị trường chứng khoán hiện có thanh khoản rất lớn, nên khó có thể xảy ra tình trạng giá giảm sâu liên tục, nếu không có yếu tố tiêu cực liên quan đến vĩ mô, hoặc sự “đồng lòng” bán ra của hầu hết lực lượng tham gia thị trường.
Trong khi đó, các thông tin tích cực dần xuất hiện nhiều hơn liên quan đến các gói kích thích kinh tế, đầu tư công, các doanh nghiệp sau thời gian giãn cách đã bắt đầu vào guồng hoạt động trở lại, kết quả kinh doanh sẽ tốt hơn và cơ hội mở ra thêm. Niềm tin phía trước là có.
Bên cạnh đó, các tài khoản chứng khoán liên tục được mở mới, với hơn 100.000 tài khoản/tháng, giúp thị trường có thêm nguồn tiền không nhỏ, dù không phải tất cả tài khoản đều có tiền và giải ngân ngay.
“Chỉ niềm tin và thông tin như thế này cũng kích thích nhà đầu tư mua vào”, ông Phương nói và cho rằng, thị trường vẫn đang trong xu hướng tăng, nhưng các phiên rung lắc sẽ xuất hiện, tức có các đợt tăng, giảm. Nếu tăng kéo dài thì bản thân các nhà đầu tư dù lớn hay nhỏ cũng sẽ canh bán, chứ không mua vào. Các đợt điều chỉnh sẽ giúp thị trường đi lên bền vững. Dòng tiền hiện tại có thể dịch chuyển từ các nhóm ngành tăng nóng sang nhóm vừa giảm giá mà doanh nghiệp tốt, có nền tảng.
Ông Nguyễn Thế Minh, Giám đốc Phân tích Công ty Chứng khoán Yuanta Việt Nam cho biết, giai đoạn 2020 - 2021, thị trường có nhịp giảm trong quý I, nguyên nhân phần lớn đến từ dịch bệnh Covid-19 và động thái bán ròng của khối nhà đầu tư nước ngoài. Khối ngoại bán ròng gần 10.000 tỷ đồng trong quý I/2020 và 16.700 tỷ đồng trong quý I/2021.
Năm 2022, thị trường vẫn có nguy cơ xuất hiện nhịp giảm trong các tháng đầu năm. Tuy nhiên, mức giảm của các chỉ số dự kiến thấp hơn so với cùng kỳ hai năm liền trước, do tỷ trọng giao dịch của khối ngoại đã giảm mạnh xuống còn 5%, nên áp lực bán của khối này ít ảnh hưởng tới thị trường.
Đồng thời, số lượng tài khoản mở mới của nhà đầu tư trong nước tăng mạnh, cùng với đó là hoạt động tăng vốn của các công ty chứng khoán cho thấy nguồn tiền chờ đổ vào thị trường rất lớn.
Xét yếu tố cơ bản, kinh tế bắt đầu hồi phục nên kết quả kinh doanh quý IV/2021 dự báo sẽ tích cực hơn so với quý III/2021. Nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn đã giảm giá tương đối mạnh trong thời gian qua nên dòng tiền sẽ tìm đến nhóm cổ phiếu này, qua đó nâng đỡ thị trường.
“VN-Index sẽ duy trì đà tăng trong năm 2022 với mục tiêu kỳ vọng là 1.895 điểm, nhưng đà tăng này sẽ không dễ dàng như 2 năm trước đó, do lãi suất có thể sẽ hồi phục trong nửa đầu năm theo xu thế thắt chặt chính sách tiền tệ của các ngân hàng trung ương trên thế giới”, ông Minh dự báo.
Theo ông Minh, một số nhóm ngành đầu tư trong năm 2022 đáng chú ý là ngân hàng, tiêu dùng, điện nước, xăng dầu, khí đốt, bảo hiểm. Nhóm cổ phiếu dầu khí cũng đáng quan tâm, nhưng “sóng” sẽ phụ thuộc vào việc triển khai các dự án mới tại khu vực Biển Đông.