Áp lực lạm phát đè nặng, giới đầu tư bán ồ ạt

Áp lực lạm phát đè nặng, giới đầu tư bán ồ ạt

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Phố Wall tiếp tục lao dốc trong phiên ngày thứ Ba (28/9) khi nỗi lo lạm phát gây áp lực lên thị trường và các nhà lập pháp ở Washington vẫn bất đồng trong quan điểm về chính sách.

Đầu tuần, lợi suất trái phiếu chính phủ Mỹ kỳ hạn 10 năm kho bạc Mỹ phiên đêm qua tăng lên mức 1,567% trước lo ngại lạm phát tăng và lo ngại Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ gấp rút thắt chặt chính sách tiền tệ trong thời gian tới.

Với đà tăng trên của lợi suất trái phiếu, nhóm cổ phiếu công nghệ dẫn dắt thị trường tiếp tục có phiên tồi tệ. Microsoft Corp, Apple, Amazon.com và Alphabet ghi nhận mức giảm từ 2,4% đến 3,6%.

Mặt khác, tại Washington, các thượng nghị sĩ đảng Cộng hòa dường như đang trên đường đánh bại mọi nỗ lực của Đảng Dân chủ nhằm nâng mức trần nợ công và phân bổ ngân sách giúp Chính phủ Mỹ không bị đóng cửa và nâng mức trần nợ phân bổ ngân sách giúp Chính phủ Mỹ không bị đóng cửa. Kế hoạch chi tiêu khổng lồ cho cơ sở hạ tầng của Tổng thống Mỹ Joe Biden cũng đối mặt với tương lai bất định khi sẽ được Hạ viện bỏ phiếu trong tuần này.

Bộ trưởng Tài chính Janet Yellen hôm thứ Ba cho biết, ​​lạm phát có thể sẽ kết thúc năm 2021 ở mức gần 4%, đồng thời đưa cảnh báo các nhà lập pháp rằng việc họ không ngăn chặn chính phủ đóng cửa khi đất nước tiến gần hơn đến việc cạn kiệt khả năng vay vốn có thể gây ra “tác hại nghiêm trọng” cho nền kinh tế.

Trong khi đó, trong phiên điều trần trước Ủy ban Ngân hàng của Thượng viện hôm thứ Ba, Chủ tịch Fed Jerome Powell bày tỏ lo ngại lạm phát có thể kéo dài lâu hơn dự báo do các vấn đề về chuỗi cung ứng và áp lực tái mở cửa.

Về dữ liệu kinh tế, một báo cáo của Conference Board được công bố ngày 28/9 cho thấy, niềm tin của người tiêu dùng Mỹ bất ngờ suy yếu trong tháng 9 xuống mức thấp nhất kể từ tháng 2.

Trừ lĩnh vực năng lượng, 10/11 lĩnh vực còn lại của S&P 500 kết thúc trong sắc đỏ.

Bộ 3 chỉ số chính trên phố Wall đóng cửa giảm điểm, trong đó, Nasdaq Composite có phiên tồi tệ nhất kể từ tháng 3/2021. Ngược lại, trong phiên giao dịch ngoài giờ, S&P Futures, Dow Futures và Nasdaq Futures đang trong xu hướng đi lên.

Kết thúc phiên 28/9, chỉ số Dow Jones giảm 569,38 điểm (-1,63%), xuống 34299,99 điểm. Chỉ số S&P 500 giảm 90,48 điểm (-2,04%), xuống 4.352,63 điểm. Chỉ số Nasdaq Composite giảm 423,29 điểm (-2,83%), xuống 14.546,68 điểm.

Chứng khoán châu Âu phiên ngày thứ Ba đi xuống theo chân phố Wall khi lợi tức trái phiếu chính phủ tăng cao đánh gục nhóm cổ phiếu công nghệ, bên cạnh những dấu hiệu mới về sự suy thoái của nền kinh tế Trung Quốc đang đè nặng lên tâm lý nhà đầu tư.

Theo Reuters, tăng trưởng lợi nhuận tại các công ty công nghiệp của Trung Quốc chậm lại trong tháng 8, tháng thứ sáu liên tiếp với cuộc khủng hoảng quyền lực đang diễn ra trở thành mối đe dọa ngày càng tăng đối với nền kinh tế.

Kết thúc phiên 28/9, chỉ số FTSE 100 tại Anh giảm 35,30 điểm (-0,50%), xuống 7.028,10 điểm. Chỉ số DAX tại Đức giảm 325,32 điểm (-2,09%), xuống 15.248,56 điểm. Chỉ số CAC 40 tại Pháp giảm 144,41 điểm (-2,17%), xuống 6.506,50 điểm.

Tại châu Á, chứng khoán Nhật Bản giảm do đà đi xuống của nhóm cổ phiếu sản xuất chip và vận tải biển.

Chứng khoán Trung Quốc tăng, dẫn đầu bởi nhóm cổ phiếu bất động sản sau khi ngân hàng trung ương cam kết bảo vệ người tiêu dùng trên thị trường nhà ở.

Chứng khoán Hồng Kông tăng nhờ đà đi lên của nhóm cổ phiếu bất động sản và công nghệ.

Chứng khoán Hàn Quốc giảm do lo ngại kéo dài về số phận của “bom nợ” Evergrande.

Kết thúc phiên 28/9, chỉ số Nikkei 225 tại Nhật Bản giảm 56,10 điểm (-0,19%), xuống 30.183,96 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tại Thượng Hải tăng 19,39 điểm (+0,54%), lên 3.602,22 điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông tăng 291,61 điểm (+1,20%), lên 24.500,39 điểm. Chỉ số KOSPI tại Seoul giảm 35,72 điểm (-1,14%), xuống 3.097,92 điểm.

Giá vàng đi ngang trong phiên đêm qua sau khi nỗi lo về “bom nợ” Evergrande giảm dần, đồng thời chịu áp lực từ lợi suất trái phiếu tăng và đồng USD mạnh.

Thị trường hiện sẽ tập trung vào các bài phát biểu của quan chức Fed trong tuần này, bao gồm phiên điều trần trước Thượng viện của Chủ tịch Jerome Powell về phản ứng chính sách của ngân hàng trung ương đối với đại dịch.

Kết thúc phiên 28/9, giá vàng giao ngay giảm 15,90 USD (-0,91%), xuống 1.733,80 USD/ounce. Giá vàng tương lai giao tháng 10 giảm 14,10 USD (-0,81%), xuống 1.735,90 USD/ounce.

Giá dầu quay đầu giảm giảm hôm thứ Ba, kết thúc đợt tăng 5 phiên liên tiếp tăng với động thái chốt lời của giới đầu tư.

OPEC hôm thứ Ba dự báo, nhu cầu dầu mỏ sẽ tăng mạnh trong vài năm tới khi các nền kinh tế phục hồi sau đại dịch, đồng thời cho biết thêm rằng thế giới cần tiếp tục đầu tư vào sản xuất để ngăn chặn khủng hoảng ngay cả khi xu hướng dịch chuyển sang dạng năng lượng sạch hơn đang trở nên phổ biến.

Kết thúc phiên 28/9, giá dầu thô kỳ hạn của Mỹ WTI giảm 0,16 USD (-0,2%), xuống 75,29 USD/thùng. Giá dầu thô Brent giảm 0,44 USD (-0,6%), xuống 79,09 USD/thùng.

Tin bài liên quan