Ảnh Internet

Ảnh Internet

Áp lực lạm phát của châu Á và Việt Nam chủ yếu đến từ giá cả đầu vào thay vì cầu kéo

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Đồng đô la Mỹ tăng mạnh trở lại, các đồng tiền trong khu vực châu Á chịu áp lực suy yếu tương ứng và đồng Việt Nam cũng không phải ngoại lệ.

Nhận định về câu chuyện này, ông Ngô Đăng Khoa, Giám đốc Khối ngoại hối và thị trường vốn, HSBC Việt Nam cho rằng, tiếp nối xu hướng của năm 2020, 6 tháng đầu năm nay đồng USD vẫn cho thấy nhiều biến động mạnh. Chỉ số USD Index sau khi đạt đỉnh của năm vào cuối quý I/2021 đang tìm lại sức mạnh của mình khi bật tăng trở lại vào nửa cuối tháng 6, ngay sau phiên họp thường kỳ của Fed.

“Với việc đồng bạc xanh tăng mạnh trở lại, các đồng tiền trong khu vực châu Á chịu áp lực suy yếu tương ứng và đồng Việt Nam cũng không phải ngoại lệ. Mặc dù trong hầu hết thời gian 6 tháng đầu năm 2021, tỷ giá USD/VNĐ đa phần giao dịch trong biên độ 23.010 - 23.100 với xu hướng thiên về tiền Đồng tăng giá, nhưng dường như tình hình có xu hướng đảo ngược sau kỳ họp gần nhất của Fed”, ông Khoa nói.

Ông Khoa cho biết, cụ thể, Ngân hàng Nhà nước đã tiếp tục mua vào lượng lớn ngoại tệ qua nghiệp vụ kỳ hạn, trước khi quyết định hạ giá mua 150 đồng xuống 22.975 vào tuần đầu tháng 6, cho thấy dư địa để VNĐ có thể tăng giá thêm trong ngắn hạn.

Tuy nhiên, nhìn về trung và dài hạn, đặc biệt từ nay đến cuối năm, vẫn không bỏ ngỏ khả năng VNĐ chịu áp lực mất giá trở lại với mức dự báo 23.100 vào cuối năm nay. Một trong những nguyên nhân có thể kể đến như cán cân thương mại chuyển sang nhập siêu, mối lo về giá cả hàng hóa cao hơn cùng khả năng lãi suất Mỹ bước vào chu kỳ tăng trở lại.

“Nhìn chung, có một điều khá chắc chắn rằng tỷ giá USD/VNĐ sẽ khó duy trì được xu hướng bình ổn như đã từng trải qua trong 6 tháng cùng kỳ 2020, thay vào đó sẽ có nhiều biến động hơn trong 6 tháng cuối năm, đến từ biến động trên thị trường quốc tế, đặc biệt là các động thái của Fed trong những tháng tiếp theo, cũng như những rủi ro nội tại mà Covid-19 tạo ra”, ông Khoa dự báo.

Trong sáng nay 14/7, Ngân hàng Nhà nước công bố tỷ giá trung tâm của đồng Việt Nam với đô la Mỹ ở mức: 23.204 VND/USD (tăng 3 đồng so với hôm qua). Tỷ giá tham khảo tại Sở giao dịch Ngân hàng Nhà nước hiện mua vào ở mức 22.975 VND/USD (không đổi) và bán ra ở mức 23.850 VND/USD (tăng 3 đồng so với hôm qua). Giá USD tự do niêm yết ở mức mua vào 23.270 đồng/USD và bán ra 23.320 đồng/USD, giá bán và giá mua không đổi so với hôm qua.

Cũng trong sáng nay, USD Index tăng 0,58% lên 92,790. Tỷ giá euro so với USD tăng 0,01% lên 1,1774. Tỷ giá đồng bảng Anh so với USD giảm 0,01% xuống 1,3807. Tỷ giá USD so với yen Nhật đạt 110,60.

Theo Reuters, tỷ giá USD lên cao khi dữ liệu lạm phát của Mỹ nhiều khả năng chứng kiến mức tăng mạnh. Theo dự đoán của các chuyên gia, dữ liệu CPI tháng 6 của Mỹ sẽ cho thấy mức tăng 0,5% so với tháng 5 và 4,9% so với một năm trước đó. Nếu một trong hai trường hợp này không xảy ra, đô la Mỹ và thị trường trái phiếu có thể sẽ có sự biến động do thay đổi kỳ vọng về lãi suất.

Có thể nâng lãi suất điều hành

Liên quan đến xu hướng lãi suất, theo ông Khoa, tình trạng vật giá leo thang đang khiến thị trường tài chính bắt đầu tỏ ra quan ngại khi ngân hàng trung ương các nước bắt đầu phải tính đến chuyện siết van thanh khoản và nâng lãi suất điều hành.

Tuy nhiên, mối lo ngại này dường như tập trung nhiều hơn ở các quốc gia phương Tây, trong khi đó ở các quốc gia châu Á, bao gồm Việt Nam, chưa cho thấy áp lực của lạm phát khi áp lực chủ yếu đến từ giá cả đầu vào thay vì cầu kéo.

Tuy nhiên, ông Khoa cho rằng, nếu đặt trong bối cảnh lạm phát tiếp tục duy trì ở mức cao trong thời gian dài thay vì mang tính thời điểm, thì khả năng nâng lãi suất điều hành là có thể xảy ra.

Mặt khác, cơ quan điều hành cũng cần cân nhắc để tránh việc nâng lãi suất quá sớm và/hoặc quá nhanh trong bối cảnh kinh tế vẫn còn chịu nhiều ảnh hưởng nặng nề từ dịch bệnh.

“Do đó, các doanh nghiệp cần tiếp tục chủ động trong các nghiệp vụ phòng vệ rủi ro, bao gồm rủi ro tỷ giá, rủi ro lãi suất, thông qua các sản phẩm mà Ngân hàng Nhà nước cấp phép, nhằm đạt mục đích quản trị rủi ro trong kinh doanh”, ông Khoa khuyến nghị.

Tin bài liên quan