Áp lực "hút" vàng bù thanh khoản của ngân hàng vẫn nóng

Áp lực "hút" vàng bù thanh khoản của ngân hàng vẫn nóng

(ĐTCK) Những ngày gần đây, một số ngân hàng đã tăng lãi suất huy động chứng chỉ tiền gửi bằng vàng, nhằm tranh thu hút lượng vàng nhàn rỗi trong dân cư trước thời khắc huy động vàng khép lại. Việc huy động vàng không nằm ngoài mục đích cân bằng trạng thái vàng khi các NHTM chưa mua đủ lượng vàng cân đối.

Áp lực "hút" vàng bù thanh khoản của ngân hàng vẫn nóng ảnh 1Hiện còn 14 ngân hàng đang tiếp tục huy động vàng tới 25/11

 

Ngày 9/11, VietABank tiếp tục triển khai đợt phát hành chứng chỉ tiền gửi ngắn hạn bằng vàng kéo dài đến 24/11/2012, cho các kỳ hạn từ 1 - 6 tháng. Mức lãi suất được áp dụng cho kỳ phát hành này từ 1 - 1,9%/năm; lãi và gốc được nhận vào cuối kỳ. Đồng thời, khi có nhu cầu, khách hàng có thể cầm cố hoặc chuyển nhượng chứng chỉ tiền gửi bằng vàng này.

Trước đó, ngày 7/11, ACB phát hành chứng chỉ huy động vàng kỳ hạn 4, 5, 6 tháng, với mức lãi suất từ 0,8 - 1,8%/năm. Theo đó, khách hàng gửi mới sẽ được hưởng lãi suất 1%/năm, khách hàng hiện hữu của ACB đồng ý chuyển đổi sang kỳ hạn 4, 5 ,6 tháng sẽ được hưởng lãi suất lên đến 1,8%/năm. Lãnh đạo ACB cho biết, hiện trạng thái tài khoản vàng của ACB chỉ còn âm hơn 100.000 lượng và Ngân hàng có khả năng tất toán trạng thái vàng trước ngày 25/11 năm nay. 

Hiện các ngân hàng đã tăng lãi suất huy động vàng trở lại sau khi Ngân hàng Nhà nước cho phép gia hạn thời gian tất toán vàng; đồng thời, kỳ hạn huy động thay vì 1 tháng như trước kia cũng được nâng lên, cao nhất là 6 tháng.

Theo lãnh đạo của một ngân hàng, việc huy động vàng hiện nay thực chất không nhằm mục đích gia tăng lợi nhuận cho các ngân hàng, vì các ngân hàng hiện không thể cho vay vàng hay chuyển đổi thành tiền đồng để cho vay như trước kia. Tuy nhiên, đây lại là giải pháp để bù đắp thanh khoản cho ngân hàng, cũng như cân bằng trạng thái vàng ở một số ngân hàng có huy động vàng trước đây đã bán vàng lấy tiền đồng cho vay hoặc bán vàng bình ổn. Việc mua vàng để cân bằng trạng thái của các ngân hàng gặp khó khăn do vàng nhãn hiệu SJC trên thị trường khan hiếm, tiến độ dập lại vàng phi SJC thành vàng SJC khá chậm, nên nhà băng phải tăng cường huy động vàng từ trong dân cư. Hiện lực mua vàng để bù đắp thanh khoản vàng từ phía các ngân hàng đã giảm nhiều so với tháng trước.

Theo ông Nguyễn Hoàng Minh, Phó giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP. HCM cho biết, hiện nay còn 14 ngân hàng đang tiếp tục huy động vàng tới 25/11; trong đó, có trụ sở tại TP. HCM là 12 ngân hàng, chiếm 97 - 98% tổng lượng huy động vàng trên cả nước. Với số lượng vàng phải mua để cân đối trạng thái của các NHTM là rất lớn (khoảng 80 tấn và hiện mới mua được 60 tấn), lực cầu còn lại vẫn là 20 tấn vàng SJC. Do đó, trong thời gian tới, công suất dập vàng SJC đòi hỏi phải được gia tăng, tạo áp lực lớn lên nguồn cung vàng ở thị trường nội địa.

Hiện số lượng vàng chuyển đổi sang vàng SJC chuẩn là gần 168.000 lượng. Ông Đỗ Công Chính, Tổng giám đốc SJC cho biết, trong quá trình kiểm định, số lượng vàng phi SJC bình quân không đủ tuổi được phát hiện chiếm khoảng 10%. Bên cạnh vàng phi SJC không đủ tuổi, trong quá trình người dân đem vàng SJC đến để ép bao, Công ty SJC cũng đã phát hiện ra có loại vàng giả, vàng nhái SJC. “SJC đã có báo cáo cụ thể việc này với Tổ giám sát của Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP. HCM và UBND Thành phố và đang chờ ý kiến của cơ quan chức năng”, ông Chính nói.

Trao đổi với ĐTCK, ông Minh cũng cho biết, cuối tuần qua, 5 đơn vị được cấp phép dập vàng miếng trước đây (gồm có ACB, PNJ, Công ty Vàng bạc đá quý Ngân hàng Sài Gòn Thương Tín, Công ty Vàng bạc đá quý Ngân hàng Phương Nam và Công ty Vàng bạc của Ngân hàng Agribank) đã đem khuôn đến nộp cho Ngân hàng Nhà nứoc TP. HCM để được niêm phong.

“Việc niêm phong này là cần thiết, bởi hiện họ không còn được sản xuất vàng miếng, đồng thời, để minh bạch trong hoạt động sản xuất vàng, nhất là khi tình trạng vàng nhái, vàng giả tràn lan nên các doanh nghiệp cũng sợ bị lợi dụng”, ông Minh nói.