Áp lực giá vốn cao

Áp lực giá vốn cao

(ĐTCK) Giá vốn cao là một trong những nguyên nhân khiến DN sa sút trong kinh doanh. DN làm gì để cải thiện tình hình này?

Thua vì giá vốn

Theo thống kê sơ bộ, trong số các DN sa sút về kinh doanh, có 30 - 40% nguyên nhân đến từ giá vốn hàng bán cao. Ở ngành sản xuất, ghi nhận trường hợp CTCP Chế biến hàng xuất khẩu Long An (LAF), 9 tháng đầu 2012, giá vốn hàng bán ở công ty này cao hơn doanh thu 90,3 tỷ đồng.

Áp lực giá vốn cao ảnh 1

Hầu như tất cả DN ngành thuỷ sản đều có giá vốn tăng cao so với cùng kỳ năm trước

Trong ngành xây dựng - bất động sản, CTCP Đầu tư phát triển đô thị và khu công nghiệp Sông Đà (SJS) tiếp tục thua lỗ trong quý III/2012, với mức lỗ gần 30 tỷ đồng. Giá vốn cao gần gấp đôi doanh thu đã góp phần lớn vào sự thua lỗ của SJS.

Đối với ngành thủy sản, hầu như tất cả DN đều có giá vốn tăng cao so với cùng kỳ năm trước. Đơn cử, giá vốn hàng bán của CTCP Thủy sản Mê Kông (AAM) từ chỗ chiếm 78% doanh thu trong quý III/2011 đã tăng lên mức 91,5% trong quý III năm nay, tức tăng 13,5%. Đà tăng giá vốn/doanh thu của CTCP Thủy sản Cửu Long An Giang (ACL) là 10%. Đặc biệt, giá vốn hàng bán ở CTCP Lâm thủy sản Bến Tre (FBT) còn vượt doanh thu. Kết quả, FBT tiếp tục thua lỗ và lỗ ròng 12 tỷ đồng trong 9 tháng đầu năm. AGF không tự tin với mục tiêu 85 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế cho cả năm 2012. Chuyện cán đích 60 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế năm 2012 ở AAM, 50 tỷ đồng ở ACL là không khả thi, khi hai DN này đều chưa qua được mốc lợi nhuận 20 tỷ đồng trong 9 tháng đầu năm. Tình trạng tương tự diễn ra với nhiều doanh nghiệp ngành thép, xi măng.

Nguyên nhân của giá vốn cao chủ yếu vì chi phí đầu vào cao. Như giá vốn ngành xây lắp luôn chiếm tỷ lệ trên 95% doanh thu ghi nhận. Vì thế, các DN không có thế mạnh trong lĩnh vực xây lắp, lại không có nguồn thu khác hỗ trợ như SJS, nên đã bị thua lỗ. Ở những ngành khác, dù giá nguyên vật liệu nhiều mặt hàng đã giảm, nhưng mức giảm này không đáng kể. Chẳng hạn, giá cá tra nguyên liệu trong tuần qua giảm 300 - 1.000 đồng/kg, nhưng vẫn ở mức cao 19.000 - 22.000 đồng/kg, tùy loại. Tính ra, giá thành 1 kg philê là trên 50.000 đồng. Trong khi đó, theo chia sẻ của một số lãnh đạo DN ngành thủy sản, giá chào bán ra thị trường hiện tại ở mức 2,2 - 2,4 USD/kg, tức bán dưới giá vốn.

Một số DN như LAF chịu áp lực từ tồn kho nguyên vật liệu mua lúc giá cao. Ông Nguyễn Văn Chiểu, Chủ tịch LAF hy vọng, hết năm 2012 này, khi nguyên liệu giá cao được giải phóng hết, tồn kho sẽ không còn là gánh nặng cho LAF.

Các DN như CTCP Đầu tư Thương mại DIC (DIC) có cách khắc phục tồn kho giá cao bằng cách mua thêm hàng giá rẻ nhập kho, để bình quân giá vốn xuống. Tuy nhiên, cách này đòi hỏi DN phải trường vốn.

 

Chờ giá bán tăng

Điều DN trông chờ nhất để cải thiện tình trạng “ăn mòn” lợi nhuận của giá vốn là giá bán hàng tăng. Theo ông Chiểu, giá nhân điều xuất khẩu có cơ sở tăng vào cuối năm, vì mùa lễ, tết sắp đến. Tuy nhiên, mức tăng bao nhiêu, có thể bù đắp cho giá vốn hay không thì ông Chiểu cũng chỉ biết hy vọng, chứ không thể trả lời.

Ông Nguyễn Duy Nhứt, Phó tổng giám đốc CTCP Nam Việt (ANV) lo âu trước tình trạng bán phá giá trong ngành thủy sản không biết khi nào chấm dứt. Bởi suy cho cùng, nguyên nhân khiến DN thủy sản chấp nhận bán lỗ, bán tháo là vì sức tiêu thụ quá yếu. Sức mua của thị trường châu Âu - thị trường chính của thủy sản Việt Nam đã giảm 30 - 40%. Dù DN nỗ lực tìm thêm thị trường và tăng sản lượng xuất khẩu, thì báo cáo tỷ lệ tồn kho hàng thuỷ sản chế biến, gia súc, gia cầm được Bộ Công thương cập nhật 9 tháng đầu năm 2012 đã tăng trên 34%. Trong khi đó, nếu tồn kho càng nhiều và càng lâu, các DN thủy sản dễ bị ngân hàng “khóa van” cho vay. Khi đó, DN sẽ bế tắc vốn hoạt động.

Nhiều DN bất động sản thừa nhận, họ không thể cải thiện được tình hình kinh doanh nếu thị trường bất động sản tiếp tục đóng băng. Các DN đang tự tìm đến những nguồn thu khác và chỉ mong cầm cự, chứ khó mong lãi nhiều.

Ngành vật liệu xây dựng như sắt thép, xi măng… đang trong tình trạng dư thừa nguồn cung. Đơn cử, Hiệp hội Thép Việt Nam ước tính, cung đang vượt cầu 109.000 tấn. Vì thế, nếu DN vẫn còn tồn kho lớn và không có cách giảm được giá vốn nguyên liệu tồn kho qua mua thêm nguyên liệu giá rẻ để cân bằng, thì giá vốn hàng bán cao sẽ tiếp tục là áp lực cho DN.