Áp lực điều chỉnh đang dần lộ rõ

Áp lực điều chỉnh đang dần lộ rõ

(ĐTCK) Theo các CTCK, áp lực điều chỉnh đang dần lộ rõ và khả năng sẽ bắt đầu trong phiên cuối tuần. Các CTCK cũng cảnh báo, khả năng sẽ có bulltrap.

ĐTCK lược trích báo cáo nhận định thị trường của một số CTCK cho phiên giao dịch ngày 10/2. 

Thị trường sẽ nhanh chóng giảm điểm trở lại

(CTCK Chợ Lớn - CLSC)

Trên đồ thị kỹ thuật, kết thúc phiên giao dịch 9/2, các chỉ số tăng điểm với khối lượng giao dịch khớp lệnh giảm nhẹ (-1,03%) trên HOSE và tăng mạnh (+42,8%) trên HNX.

VN-Index tiếp tục giao dịch quanh mức 411 điểm, là vùng đỉnh của ngày 03/02 với khối lượng giao dịch khớp lệnh 9/2 thấp hơn 25% so với ngày 03/02. Giá đóng cửa ngày 9/2 cũng thấp hơn giá mở cửa và số mã giảm nhiều hơn số mã tăng (110/105). Điều này cho thấy đà tăng của chỉ số này đang bị suy yếu.

Trong khi đó, HNX-Index đã vượt qua mức đỉnh cũ ngày 03/02 đã nhanh chóng chạm vào ngưỡng kháng cự mới quanh mức 65 điểm là vạch Fibonacci 61.8% của đợt giảm từ ngày 31/10/2011 đến ngày 09/01/2012.

Trên đồ thị nến, HNX-Index hình thành cây nến gần với dạng Doji bia mộ (Gravestone Doji). Cây nến Doji phiên 9/2 có bóng nến cận trên khá dài do lực bán cực mạnh tại vùng 65 điểm đã đẩy chỉ số về đóng cửa bên dưới giá mở cửa. Đây là cây nến cho thấy sự do dự và cảnh báo tín hiệu đảo chiều của thị trường.

Như vậy, thị trường đã tiếp tục tăng điểm, nhưng mức tăng đã bị suy yếu và dấu hiệu phân phối đỉnh xuất hiện trên cả hai sàn. Do đó, chúng tôi cho rằng, các chỉ số sẽ nhanh chóng giảm điểm trở lại, có lẽ là ngay phiên giao dịch ngày 10/2.

 

Bẫy tăng giá có thể xuất hiện

(CTCK Mirae Asset)

Thị trường xuất hiện dấu hiệu của sự điều chỉnh trong phiên 9/2. Việc nhiều cổ phiếu, trong đó đáng chú ý là cổ phiếu ngân hàng, đã tăng mạnh từ trung bình từ 30 - 50% từ vùng đáy hồi tháng 1/2012 khiến nỗi sợ hãi của những người nắm giữ cổ phiếu tăng theo.

Hành động bán ra cho cả việc chốt lời và sự e ngại về khả năng tiếp tục tăng khiến sự điều chỉnh lần này có thể kéo dài hơn. Chúng tôi tiếp tục ưu tiên hành động bán ra trong phiên 10/2 và NĐT không nên vội vã bắt đáy khi những bẫy tăng giá có thể xuất hiện trong phiên 10/2. 

 Áp lực điều chỉnh đang dần lộ rõ ảnh 1

Giai đoạn điều chỉnh của thị trường hiện đã ở rất gần

(CTCK Bảo Việt - BVSC)

Chỉ số 2 sàn tiếp tục duy trì mức tăng điểm, tuy nhiên đà tăng có dấu hiện chững lại vào cuối phiên giao dịch.Tại sàn HOSE, nhà ĐTNN mua ròng 66,9 tỷ đồng, giảm so với phiên trước.

Tại sàn HNX, tâm lý thận trọng được thể hiện ngay từ đầu phiên, các mã có tính đầu cơ cao tại HNX như VND, PVX, KLS không còn hút được lực cầu mạnh như các phiên trước. Mặc dù vậy, sự tích cực của các cổ phiếu ngân hàng trên sàn HNX như: ACB, HBB, SHB đã góp phần giữ chỉ số HNXIndex tăng điểm ở cuối phiên giao dịch.

Hiện nay, trên thị trường, nhiều nhà đầu tư đang kỳ vọng vào việc lãi suất có thể giảm ngay trong ngắn hạn. Chúng tôi cho rằng, kỳ vọng này sẽ khó có khả năng trở thành hiện thực.

Bước đi đầu tiên của NHNN trong việc điều hành giảm lãi suất có thể là việc thực hiện khoanh vùng, hợp nhất, sáp nhập và hỗ trợ được các ngân hàng yếu kém. Trên cơ sở đó, NHNN mới có thể đưa ra các biện pháp điều hành lãi suất mà không gây ra biến động lớn trong hệ thống ngân hàng.

Với mức lãi suất, tăng trưởng tín dụng như hiện nay, các ngân hàng sẽ khó có thể tạo được mức lợi nhuận đột biến trong năm 2012. Mặc dù vậy, mức tăng giá của nhiều cổ phiếu ngân hàng trong thời gian gần đây đã đưa mặt bằng giá của nhóm này trở về mức cách đây 6 tháng đến 1 năm, thậm chí còn cao hơn.

Trong ngắn hạn, diễn biến này đã tác động tích cực đến thị trường, tuy nhiên trong trung hạn, khi nhóm cổ phiếu này bước vào giai đoạn điều chỉnh sẽ tác động tiêu cực đến tâm lý nhà đầu tư.

Chúng tôi duy trì quan điểm thận trọng, cho rằng giai đoạn điều chỉnh của thị trường hiện đã ở rất gần. Nhà đầu tư nên tiếp tục giảm tỷ trọng cổ phiếu và hạn chế tham gia thị trường trong bối cảnh hiện nay.  

 

Nhà đầu tư ngắn hạn nên chốt lời

(CTCK ACB - ACBS)

Sự hưng phấn của nhà đầu tư giúp VN-Index mở cửa với một ­gap-up­ ngày 9/2. Mặc dù áp lực bán kéo VN-Index xuống dưới tham chiếu và giữa phiên, nhưng lực cầu cao được duy trì giúp VN-Index tiếp tục có phiên tăng thứ 3 liên tiếp.

Trong các phiên tới, VN-Index có thể sẽ giao dịch giằng co. Chúng tôi tiếp tục giữ quan điểm thận trọng và khuyến cáo nhà đầu tư ngắn hạn nên đứng ngoài thị trường.

VN-Index nhiều khả năng sẽ quay về vùng hỗ trợ 375-380. Ở chiều ngược lại, VN-Index có thể tiếp tục tăng về vùng kháng cự tiếp theo ở 420-430.

Khác với VN-Index, sau sóng tăng mạnh đầu giờ, áp lực chốt lời gia tăng, kéo HNX-Index về gần sát tham chiếu khi đóng cửa phiên giao dịch ngày 9/2.

Sự hình thành của cây nến Doji cùng khối lượng giao dịch lớn, cao nhất trong vòng 4 tháng qua, cho thấy sự giằng co mạnh của bên bán và mua. Sau nhiều phiên tăng điểm thì đây là dấu hiệu bất ổn mà nhà đầu tư nên chú ý.

HNX-Index có thể tiếp tục đi ngang gần vùng kháng cự 64-65. Tuy nhiên, với sự xuất hiện của nhiều tín hiệu đảo chiều trong các phiên gần đây, khả năng cao HNX-Index sẽ mất điểm trong các phiên tới. Do đó, tương tự với VN-Index, chúng tôi khuyến cáo nhà đầu tư ngắn hạn nên chốt lời hoặc đứng ngoài thị trường ở thời điểm này.

 

Áp lực điều chỉnh đang dần lộ rõ

(CTCK Vietcombank - VCBS)

Với phiên đi lên thứ ba liên tiếp với mức tăng nhẹ kèm theo sự tăng vọt về tính thanh khoản thì áp lực điều chỉnh của thị trường đang dần lộ rõ, đặc biệt là khi tình hình kinh tế vĩ mô chưa thực sự có nhiều thông tin khởi sắc rõ ràng.

Phiên giao dịch ngày 10/2 được dự báo có thể sẽ có biến động giằng co mạnh trước khi thị trường hình thành xu thế rõ ràng hơn. Do đó, chúng tôi tiếp tục khuyến cáo các nhà đầu tư nên thận trọng, tránh hiện tượng mua đuổi giá cao, nên cân nhắc kỹ các rủi ro trước khi quyết định đồng thời lưu ý các cổ phiếu trụ cột, có tiềm năng cơ bản tốt cũng như tính thanh khoản từ mức khá trở lên.

 

Cân nhắc bán ra ở vùng giá hiện tại

(CTCK EuroCapital)

Sự phân hóa của thị trường trở nên mạnh mẽ hơn trong phiên giao dịch 9/2 với khối lượng bán và trung bình lệnh bán lớn xuất hiện tại hai nhóm cổ phiếu thuộc ngành chứng khoán và bất động sản.

Trong phiên giao dịch, thậm chí đại diện của hai nhóm ngành vốn có tính dẫn dắt thị trường tăng giá này có thời điểm đã bị bán xuống giá sàn.

Diễn biến đó xuất hiện cùng với tín hiệu không tích cực của phân tích kỹ thuật khiến rủi ro giảm giá của thị trường đang tăng.

Dựa trên quan điểm giao dịch an toàn, chúng tôi tiếp tục khuyến nghị nhà đầu tư cân nhắc tới việc bán ra tại vùng giá hiện tại của thị trường.

Nhà đầu tư nếu quyết định mua ở giá hiện tại cần cân nhắc kỹ giữa lợi nhuận kỳ vọng và rủi ro (đặc biệt rủi ro thanh khoản) có thể gặp phải tại vùng giá cao.

 

Xác suất thị trường tạo sóng tăng điểm mới bị thu hẹp

(CTCK BIDV - BSC)

Kết thúc phiên giao dịch, VN-Index tăng 1,86 điểm (+0,45%) lên 411,39 điểm; HNX-Index tăng 0,08 điểm (+0,13% ) lên 63,82 điểm. Khối lượng trừ giao dịch thỏa thuận trên cả 2 sàn tiếp tục giữ ở mức cao (khoảng 40 triêu trên HOSE và hơn 50 triệu trên HNX).

Thị trường đã có phiên giao dịch giằng co như dự đoán. Lực cung chốt lời khá mạnh mẽ, tuy nhiên lực cầu vẫn bền bỉ giúp nâng đỡ thị trường.

Ngưỡng kháng cự kỹ thuật tỏ ra khá “cứng” khi cả 2 chỉ số chốt phiên đều ở dưới mức điểm này (64 điểm trên HNX và 415 điểm trên HOSE) và do đó xác suất thị trường tạo sóng tăng điểm mới bị thu hẹp.

Lực cung mạnh cuối phiên trên sàn HNX khiến chúng tôi lo ngại về khả năng tiếp tục giảm điểm của cổ phiếu trên sàn Hà Nội vào phiên giao dịch tới, đặc biệt nếu nhóm cổ phiếu ngân hàng chiếm tỷ trọng lớn không giữ được vai trò nâng đỡ thị trường như phiên 9/2. Sàn HOSE có phần tích cực hơn tuy nhiên sẽ tiếp tục có sự phân hóa mạnh giữa các nhóm cổ phiếu.  

 

Nhiều khả năng sẽ điều chỉnh trong phiên giao dịch cuối

(CTCK Rồng Việt - VDSC)

Đúng như nhận định của chúng tôi, hầu hết cổ phiếu trải qua phiên biến động khá mạnh sáng 9/2 do áp lực cung tăng cao. Mặc dù vậy, phiên 9/2 vẫn là phiên giao dịch sôi động nhờ sức lôi kéo của các cổ phiếu ngân hàng, điển hình như HBB, STB, SHB, EIB và MBB. Thanh khoản thị trường nhờ vậy vẫn giữ được mức tương đương phiên 8/2.

Tuy nhiên, xét về xu hướng, chúng tôi nhận thấy giao dịch ở các cổ phiếu mang lại hưng phấn cho thị trường ở các phiên trước như SSI, VND, KLS… diễn ra khá giằng co và phần lớn theo chiều hướng tiêu cực. Do đó, rủi ro thị trường tiếp tục điều chỉnh trong phiên giao dịch cuối tuần là khá lớn, đặc biệt nếu không có thông tin đủ mạnh nâng đỡ tâm lý NĐT.

Hiện có khá nhiều phương tiện truyền thông đưa tin về vấn đề giảm lãi suất trong hệ thống ngân hàng. Tuy nhiên, nếu đây là những thông tin xác thực, thì chúng tôi cho rằng đối tượng được tiếp cận với nguồn vốn giá rẻ này vẫn rất hạn hữu, ít nhất cho đến khi vấn đề thanh khoản của hệ thống được giải quyết. Do vậy, trong điều kiện vắng bóng thông tin cơ bản hỗ trợ, chúng tôi bảo lưu nhận định sóng tăng điểm hiện tại không bền vững.

 

Dấu hiệu của một nhịp điều chỉnh sâu đã bắt đầu

(CTCK VNDirect - VND)

Hai chỉ số tiếp tục duy trì mức xanh điểm, nhưng áp lực chốt lời đang lớn dần, lực bán ra ở giá cao chủ động hơn khiến cho hai chỉ số đóng cửa lùi dần về mức tham chiếu và nhiều cổ phiếu giảm điểm phiên hôm nay.

Như vậy, dấu hiệu của một nhịp điều chỉnh sâu đã bắt đầu và có thể sẽ thể hiện rõ nét hơn trong phiên giao dịch ngày 10/2.

Trong nhịp điều chỉnh này, VNINDEX vẫn sẽ xuất hiện các cổ phiếu vốn hóa lớn thay nhau đỡ điểm cho thị trường, khiến cho điểm số VNINDEX khó xuống sâu. Với HNXINDEX, sự điều chỉnh sẽ thể hiện rõ hơn trên điểm số. Chúng tôi cho rằng nhịp điều chỉnh này sẽ phải tính đến bằng tuần.

Nhà đầu tư nên chốt lời, quan sát thị trường trong điều chỉnh để mua vào trở lại. Thời điểm mua vào tiếp theo sẽ được chúng tôi khuyến nghị cụ thể trong các bản tin tuần sau.

 

Nguy cơ điều chỉnh có xác suất xảy ra ngày càng cao hơn

(CTCK Dầu khí - PSI)

Áp lực bán đang tăng mạnh được thể hiện rõ nét trong phiên 9/2 khi thị trường hưng phấn trong nửa đầu phiên giao dịch và thu hẹp dần đà tăng về cuối phiên.

Điểm đáng chú ý là tín hiệu này xuất hiện khi chỉ số hai sàn đang ở gần vùng kháng cự mạnh 420 điểm với VN-Index và 66 điểm với HNX-Index.

Ngôi sao doji được thiết lập trên đồ thị cùng với tín hiệu Quá Mua kéo dài trên các công cụ dao động (MFI, RSI) đang báo hiệu nguy cơ điều chỉnh có xác suất xảy ra ngày càng cao hơn.

Nếu xảy ra phân kì tiêu cực trong vùng Quá Mua (trên các công cụ dao động ngắn hạn này) thì mức điều chỉnh giảm sau đó cũng có thể sẽ tương đối mạnh.

Trong phiên sắp tới, nếu thị trường đi ngang hoặc giảm nhẹ kèm theo tín hiệu suy giảm dần của KLGD thì NĐT nên giảm tỷ lệ cổ phiếu trong danh mục.