Áp lực điều chỉnh của thị trường chứng khoán đang tăng dần

(ĐTCK) TTCK đang trở nên hấp dẫn khi chỉ số VN-Index đảo nhịp liên tục, với biên độ dao động khá rộng và tạo được đỉnh mới 570,18 điểm tại phiên 13/2. Theo nhận định của ông Lê Anh Tuấn, Phó giám đốc khối khách hàng cá nhân, CTCK VNDirect, trong ngắn hạn, áp lực điều chỉnh qua mỗi phiên sẽ lớn dần lên.
Áp lực điều chỉnh của thị trường chứng khoán đang tăng dần
Sau một số phiên điều chỉnh giảm, TTCK đã có phiên giao dịch 12/2 rất ấn tượng với mức tăng của chỉ số VN-Index tới 10,35 điểm. Vậy đâu là nguyên nhân, theo ông?

Kể từ khi bắt đầu nhịp tăng từ 23/9/2013, thị trường gần như chưa có một nhịp điều chỉnh đáng kể nào, dòng tiền vào luân phiên giữa các nhóm cổ phiếu, chiến lược mua và nắm giữ tỏ ra hiệu quả. Điều đó đã tạo ra tâm lý ổn định cho nhà đầu tư, tạo nền tảng cho lực cầu hồi phục rất nhanh chóng trong phiên 12/2.

Ở góc độ kỹ thuật, hiện tượng giảm điểm hôm 11/2 khá bất ngờ, nhưng VN-Index đã duy trì trong vùng đi ngang 2 tuần, quanh mốc 550 - 560 điểm, nên về mặt kỹ thuật, đây chưa phải tín hiệu xấu. Việc VN-Index vượt đỉnh ngay ngày sau đó càng khiến cho dòng tiền vào thị trường tự tin hơn. 

Ở góc độ vĩ mô, trong vòng một tháng qua, gần như không có thông tin mới có tác động đáng kể đến TTCK. Những thời điểm rủi ro thông tin thấp luôn là môi trường thuận lợi để các cổ phiếu tiếp tục phân hóa, giống như tính chất của thị trường trong nhịp vừa qua.

Khối ngoại vẫn tích cực mua ròng trong những phiên gần đây và là một trong những trụ cột giúp thị trường tăng điểm. Ông nhận định ra sao về dòng vốn ngoại trong thời gian tới?

Lợi suất năm 2013 của các quỹ ETF trên thị trường Việt Nam cao hơn các nước trong khu vực và mức P/E bình quân vào khoảng 11 lần, sẽ là cơ sở để dòng tiền ETF vào Việt Nam được duy trì và đẩy mạnh, góp phần định hướng dòng tiền tại một số giai đoạn của 2014. Hiện tại, mức chênh giữa NAV và giá của các quỹ vẫn cao, hiện tượng mua ròng sẽ còn tiếp diễn.

Ngoài dòng tiền ETF, dòng tiền từ khối ngoại nói chung cũng sẽ gia tăng, nếu chính sách nới room khối ngoại được thông qua.

Bên cạnh đó, từ năm 2013, nhiều quỹ nước ngoài đề ra chiến lược “Small is beautiful” (Nhỏ là đẹp), nên một thị trường nhỏ như thị trường Việt Nam có thể là điểm đến hấp dẫn với họ.

Trong những báo cáo phân tích mới đây, VNDirect có khuyến nghị nhà đầu tư hạn chế dùng margin, đặc biệt là những nhà đầu tư ngại rủi ro có thể cân nhắc giảm dần tỷ trọng cổ phiếu nắm giữ?

Thông điệp giảm margin được chúng tôi đưa ra do đánh giá tiềm năng tăng điểm giai đoạn này vẫn còn, nhưng đi kèm với rủi ro cao hơn. Nếu nhà đầu tư ngại rủi ro, có thể cân nhắc giảm dần tỷ trọng cổ phiếu. Các trạng thái nắm giữ cổ phiếu sẵn có với giá vốn thấp hoàn toàn có thể nắm giữ dài hơn, bất chấp những điều chỉnh ngắn hạn của thị trường.

Nhiều nhà phân tích cho rằng, năm nay, TTCK sẽ có mức tăng ấn tượng hơn so với năm 2013. Ông có cùng quan điểm này?

Tôi cho rằng, TTCK năm 2014 có nhiều cơ sở để diễn biến tích cực hơn so với năm 2013, nhưng mức độ vượt trội tính chung trên Index sẽ không nhiều bằng các nhóm cổ phiếu riêng lẻ. Đến thời điểm này, VN-Index đã tăng 12%, tương đương một nửa chặng đường tăng điểm của năm 2013. Điều này có nghĩa là, trong chặng đường còn lại của năm 2014, cơ hội vẫn còn nhiều, nhưng cũng tiềm ẩn không ít cạm bẫy.

Trong ngắn hạn, áp lực điều chỉnh qua mỗi phiên sẽ lớn dần và tôi kỳ vọng đây sẽ là nhịp điều chỉnh đáng kể nhất kể từ đầu nhịp sóng.

Theo ông, ở thời điểm hiện tại, nhà đầu tư cần quan tâm đến những nhóm cổ phiếu nào?

Sự thành bại của nhà đầu tư trong năm 2014 phụ thuộc vào kỹ năng lựa chọn cổ phiếu nhiều hơn là đoán định xu hướng của Index. Sự phân hóa không chỉ diễn ra theo từng nhóm cổ phiếu trên thị trường, mà còn diễn ra trong từng nhóm ngành.

Hiện tại, chúng tôi quan tâm đến một số mã cổ phiếu thuộc nhóm ngành thủy sản, năng lượng và vận tải. Chúng tôi cũng quan tâm nhiều hơn đến nhóm cổ phiếu ngân hàng, nhóm cổ phiếu đang có những biến chuyển về mặt kỹ thuật.

Tin bài liên quan