Áp lực đè nặng, giới đầu tư ồ ạt thoát hàng

Áp lực đè nặng, giới đầu tư ồ ạt thoát hàng

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Phố Wall quay đầu giảm điểm trong phiên ngày thứ Sáu (30/7) với cổ phiếu công nghệ dẫn đầu đà giảm, kết thúc một tuần giao dịch thua lỗ song có một tháng 7 được phủ xanh.

Cuối tuần, thị trường chứng kiến đà lao dốc của nhóm cổ phiếu công nghệ. Đặc biệt, cổ phiếu Amazon sụt gần 7,6%, mức giảm lớn nhất trong một phiên của hãng kể từ tháng 5/2020, sau khi báo cáo doanh thu quý II không đạt được kỳ vọng của giới chuyên gia và cho biết tăng trưởng doanh số sẽ còn giảm trong vài quý tới.

Cổ phiếu Pinterest thậm chí còn giảm mạnh hơn, “bốc hơi” 18.2%, sau khi cho biết hãng cho biết tốc độ tăng trưởng người dùng tại Mỹ của hãng đang giảm tốc.

Mặc dù vậy, gam màu sáng vẫn chiếm chủ đạo trong bức tranh kết quả kinh doanh quý II. Theo dữ liệu từ Refinitiv, tình hình kinh doanh của các công ty S&P 500 trong quý này cao hơn nhiều so với dự kiến, với khoảng 89% trong số gần 300 báo cáo cho đến nay vượt ước tính của các nhà phân tích. Lợi nhuận tổng thể dự kiến ​​sẽ tăng 89,8% trong quý, trong khi dự báo trước đó là 65,4%.

Bên cạnh đó, thị trường đêm qua cũng tiếp nhận dữ liệu quan trọng về lạm phát cho thấy áp lực giá vẫn đang đè nặng thị trường. Chỉ giá chi tiêu tiêu dùng cá nhân (PCE) cốt lõi tại Mỹ tăng 3,5% trong tháng 6, cao hơn rất nhiều so với mức lạm phát mục tiêu 2% mà Cục Dự trữ Liên bang (Fed) đang theo đuổi.

Chỉ số niềm tin người tiêu dùng do đại học Michigan công bố giảm xuống 81,2 điểm trong tháng 7 từ mức 85,5 điểm của tháng 6.

Các dữ liệu kinh tế gần đây đều chỉ ra tốc độ phục hồi của nền kinh tế Mỹ đang chững lại, tuy nhiên vẫn đang khá vững chắc. GDP quý II của Mỹ tăng 6,5%, thấp hơn nhiều so với dự báo 8,4%. Trong khi đó, số người Mỹ lần đầu nộp đơn xin trợ cấp thất nghiệp trong tuần gần nhất lại cao hơn so với dự kiến.

Bức tranh kinh doanh của các doanh nghiệp cùng việc phục hồi kinh tế đã hỗ trợ thị trường trong tháng, song sự lây lan nhanh chóng của biến thể Delta và lạm phát gia tăng vẫn những mối lo ngại đang tồn tại dai dẳng.

Kết thúc phiên 30/7, chỉ số Dow Jones giảm 149,06 điểm (-0,42%), xuống 34.935,47 điểm. Chỉ số S&P 500 giảm 23,89 điểm (-0,54%), xuống 4.395,26 điểm. Chỉ số Nasdaq giảm 105,49 điểm (-0,471%), xuống 14.672,68 điểm.

Kết thúc tuần, Dow Jones giảm 0,36%, S&P 500 giảm 0,37%, Nasdaq Composite giảm 1,11%. Trong tháng 7, Dow Jones tăng 0,43%, S&P 500 tăng 0,99%, Nasdaq Composite tăng 0,23%.

Chứng khoán châu Âu đỏ lửa trong phiên giao dịch ngày thứ Sáu trong bối cảnh các nhà đầu tư lo ngại về biến thể Delta lan nhanh và các hành động nghiêm khắc nhằm điều tiết lại của Bắc Kinh làm lu mờ những lạc quan xung quanh mùa báo cáo kinh doanh tích cực.

Kết thúc phiên 30/7, chỉ số FTSE 100 tại Anh giảm 46,12 điểm (-0,65%), xuống 7.032,30 điểm. Chỉ số DAX tại Đức giảm 98,08 điểm (-0,61%), xuống 15.544,39 điểm. Chỉ số CAC 40 tại giảm 21,01 điểm (-0,32%), xuống 6.612,76 điểm.

Kết thúc tuần, FTSE 100 tăng 0,07%, DAX giảm 0,80%, CAC 40 tăng 0,67%. Trong tháng 7, FTSE 100 giảm 1,28%, DAX giảm 0,68%, CAC 40 tăng 0,91%.

Tại châu Á, chứng khoán Nhật Bản giảm khá mạnh khi thị trường chứng kiến các ca nhiễm Covid-19 mới tăng đột biến cùng một số kết quả kinh doanh đáng thất vọng.

Chứng khoán Trung Quốc và Hồng Kông tiếp đà lao dốc với các chỉ số chính cho kết quả hoạt động đáng thất vọng, đánh dấu tháng 7 tồi tệ nhất trong 3 năm, khi những lo ngại về các cuộc đàn áp của Bắc kinh gần đây với một số nhóm ngành quan trọng vẫn đè nặng tâm lý thị trường.

Chứng khoán Hàn Quốc giảm, đồng thời ghi nhận tháng tồi tệ nhất trong hơn một năm qua do những lo lắng về cuộc đàn áp của chính phủ Trung Quốc với các công ty công nghệ và đại dịch Covid-19 bùng phát.

Kết thúc phiên 30/7, chỉ số Nikkei 225 tại Nhật Bản giảm 498,83 điểm (-1,80%), xuống 27.283,59 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tại Thượng Hải giảm 14,37 điểm (-0,42%), xuống 3.397,36 điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông giảm 354,29 điểm (-1,35%), xuống 25.961,03 điểm. Chỉ số KOSPI tại Seoul giảm 40,33 điểm (-1,24%), xuống 3.202,32 điểm.

Trong tuần, Nikkei 225 giảm 0,96%, Shanghai Composite giảm 4,31%, Hang Seng giảm 4,98%, KOSPI giảm 1,60%.

Trong tháng 7, Nikkei 225 giảm 5,21%, Shanghai Composite giảm 3,45%, Hang Seng giảm 8,03%, KOSPI giảm 2,42%.

Giá vàng đêm qua lao dốc so phiên tăng mạnh trước sức ép của dồng USD. Giá vàng tháng 7 cũng giảm so với tháng trước do đồng USD phục hồi, thị trường chứng khoán tăng điểm và lợi suất trái phiếu chính phủ Mỹ tăng nhẹ.

Kết thúc phiên 30/7, giá vàng giao ngay giảm 14,10 USD (-0,77%), xuống 1.813,80 USD/ounce. Giá vàng tương lai giao tháng 8 giảm 18,60 USD (-1,02%), xuống 1.1812,6 USD/ounce.

Trong tuần, giá vàng giao ngay tăng 0,64%. Trong tháng, giá vàng giao ngay tăng 2,46%.

Trong khảo sát về giá vàng tuần tới của Kitco với 14 chuyên gia trên phố Wall, có 11 người dự báo vàng sẽ tăng giá và 3 người dự báo giá vàng sẽ đi ngang.

Đối với khảo sát trực tuyến, với 862 người tham gia, 70% tin rằng giá vàng sẽ tăng, 18% cho rằng giá vàng giảm và 12% có quan điểm giá vàng sẽ ít thay đổi.

Giá dầu tăng trong phiên ngày thứ Sáu với kỳ vọng nhu cầu trên thị trường sẽ tăng và tiêm chủng sẽ giúp thị trường chống đỡ làn sóng Covid-19.

Các nhà phân tích chỉ ra rằng, sự phục hồi nhanh chóng trong tiêu thụ xăng và sản xuất công nghiệp của Ấn Độ sau khi đợt bùng phát dịch vừa qua là dấu hiệu cho thấy các nền kinh tế đang phục hồi hơn.

Phó Thủ tướng Nga Alexander Novak hôm 30/7 cũng cho biết, lượng tiêu thụ dầu đang gia tăng trên toàn cầu, bất chấp làn sóng dịch bệnh quay lại.

Kết thúc phiên 30/7, giá dầu thô kỳ hạn của Mỹ WTI tăng 0,33 USD (+0,5%), lên 73,95 USD/thùng. Giá dầu thô Brent tăng 0,28 USD (+0,4%), lên 76,33 USD/thùng.

Cả hai đều ghi nhận mức tăng hơn 2% trong tuần, trong khi dầu Brent tăng 1,6% trong tháng 7, tăng tháng thứ 4liên tiếp còn WTI không thay đổi trong tháng.

Tin bài liên quan