Áp lực đè nặng, giới đầu tư ồ ạt thoát hàng

Áp lực đè nặng, giới đầu tư ồ ạt thoát hàng

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Phố Wall giảm phiên thứ hai liên tiếp vào ngày thứ Ba (20/4) trong bối cảnh số ca nhiễm Covid-19 gia tăng đột biến trên toàn cầu.

Phiên đêm qua, dòng tiền chuyển hướng vào cổ phiếu các lĩnh vực phòng thủ được coi là tương đối an toàn trong thời kỳ kinh tế bất ổn như tiêu dùng và chăm sóc sức khỏe, trong khi cổ phiếu hàng không, tài chính và năng lượng giảm mạnh.

Boeing giảm 4,1% sau sự ra đi bất ngờ của giám đốc tài chính, cú sốc mới nhất giáng xuống hãng sản xuất máy bay khi họ đang chiến đấu để phục hồi sau đại dịch và cuộc khủng hoảng 737 MAX.

Cổ phiếu của các công khai thác ngành hàng không và hãng hàng không như JetBlue Airways, American Airlines, Norwegian Cruise Line và Carnival Corp vừa mới khởi sắc gần đây nhờ triển vọng phục hồi kinh tế cũng lao dốc trong phiên đêm qua.

Cổ phiếu JPMorgan Chase, Bank of America, Citigroup và Wells Fargo kéo nhóm cổ phiếu tài chính giảm giá khi có thông tin các nhà phân tích đang đánh giá lại các báo cáo lợi nhuận được công bố tuần trước. Theo đó, những thay đổi trong quy định kế toán về cách báo cáo dự trữ cho vay đã làm số liệu có sự khác biệt so với cùng kỳ năm ngoái.

Hôm thứ Hai (19/4), Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cho biết, số ca nhiễm Covid-19 mới trên toàn thế giới đã tiếp tục tăng trong tuần trước với con số kỷ lục 5,2 triệu trường hợp được báo cáo. Đáng báo động có sự gia tăng các ca tử vong ở những người trẻ tuổi. Số ca tử vong cũng tăng tuần thứ 5 liên tiếp, đẩy con số tử vong toàn cầu lên hơn 3 triệu người.

"1 triệu ca tử vong đầu tiên được ghi nhận trong 9 tháng, song 4 tháng đã đạt tới con số 2 triệu người và 3 tháng tiếp theo đã đạt mốc 3 triệu”, Tổng giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus cho biết.

Mặt khác, chỉ số biến động CBOE, thước đo mức độ sợ hãi của Phố Wall, lần đầu tiên leo lên trên mức 19 điểm kể từ ngày 31/3 trong phiên, trước khi đóng cửa ở mức 18,71.

Kết thúc phiên 20/4, chỉ số Dow Jones giảm 256,33 điểm (-0,75%), xuống 33.821,30 điểm. Chỉ số S&P 500 giảm 28,32 điểm (-0,68%), xuống 4.134,94 điểm. Chỉ số Nasdaq Composite giảm 128,50 điểm (-0,92%), xuống 13.786,27 điểm.

Cổ phiếu châu Âu lao dốc trong phiên thứ Ba sau phiên thứ Hai đầu tuần giảm nhẹ. Tâm lý giới đầu tư bị đè nặng bởi những diễn biến tiêu cực mới nhất của đại dịch. Cổ phiếu du lịch, giải trí, ngân hàng, bảo hiểm giảm sau khi đã tăng mạnh trong năm nay nhờ kỳ vọng phục hồi kinh tế toàn cầu.

Kết thúc phiên 20/4, chỉ số FTSE 100 tại Anh giảm 140,21 điểm (-2,00%), xuống 6.859,87 điểm. Chỉ số DAX tại Đức giảm 238,88 điểm (-1,55%), xuống 15.129,51 điểm. Chỉ số CAC 40 tại Pháp giảm 131,58 điểm (-2,09%), xuống 6.165,11 điểm.

Tại châu Á, chứng khoán Nhật Bản giảm mạnh khi tâm lý giới đầu tư bị đè nặng bởi lo ngại khả năng cao việc áp dụng các biện pháp khẩn cấp để ngừa Covid-19 ở nhiều thành phố lớn.

Chứng khoán Trung Quốc giảm nhẹ do giới đầu tư chốt lời sau phiên tăng mạnh hôm qua, nhưng mức giảm được hạn chế đáng kể nhờ việc nước này quyết định giữ ổn định lãi suất cho vay chuẩn, giảm bớt lo lắng về việc thắt chặt chính sách.

Chứng khoán Hồng Kông tăng nhờ nhóm cổ phiếu tài chính và dòng tiền mạnh mẽ từ đại lục thông qua chương trình kết nối chứng khoán.

Chứng khoán Hàn Quốc tăng nhờ đồng USD yếu hơn thúc đẩy hoạt động mua ròng của nhà đầu tư nước ngoài, ngay trước thềm mùa báo cáo kết quả kinh doanh quý I của các nhà sản xuất ô tô và công ty công nghệ.

Kết thúc phiên 20/4, chỉ số Nikkei 225 tại Nhật Bản giảm 584,99 điểm (-1,97%), xuống 29.100,38 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tại Thượng Hải giảm 4,61 điểm (-0,13%), xuống 3.472,94 điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông tăng 29,58 điểm (+0,10%), lên 29.135,73 điểm. Chỉ số KOSPI tại Seoul tăng 21,86 điểm (+0,68%), lên 3.220,70 điểm.

Giá vàng phiên tăng trở lại trong phiên ngày thứ Ba nhờ đồng USD yếu đi và chứng khoán đỏ lửa trước những diễn biến mới nhất của đại dịch.

Kết thúc phiên 20/4, giá vàng giao ngay tăng 7,80 USD (+0,44%), lên 1.778,8 USD/ounce. Giá vàng tương lai giao tháng 6 tăng 7,80 USD (+0,44%), lên 1.778,40 USD/ounce.

Giá dầu giảm giảm trong phiên đêm qua do lo ngại rằng Ấn Độ, nhà nhập khẩu dầu lớn thứ ba thế giới, có thể áp đặt các biện pháp hạn chế mới khi số ca nhiễm mới và sô ca tử vong do Covid-19 tăng cao kỷ lục.

Kết thúc phiên 20/4, giá dầu thô kỳ hạn của Mỹ WTI giảm 0,94 USD (-1,5%), xuống 62,44 USD/thùng, giá dầu thô Brent giảm 0,48 USD (-0,7%), xuống 666,67 USD/thùng.

Tin bài liên quan